(GLO)- Ia Lang là một trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đức Cơ (Gia Lai) với 393 hộ thuộc diện nghèo, tương đương 37,5%. Những năm gần đây, xã đã triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân thoát nghèo. Trong đó, việc vận động hội viên đi xuất khẩu lao động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã đem lại hiệu quả tích cực.
Năm 2017, khi Công ty Xuất khẩu Lao động Thiên Ân (Hà Nội) có mặt tại Đức Cơ, bà Siu Blin-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Lang đã động viên các hội viên phụ nữ trong xã tham gia xuất khẩu lao động để thoát nghèo. Tuy nhiên, chị em còn nhiều băn khoăn bởi trong làng, trong xã khi đó chưa có ai đi xuất khẩu lao động. Vì thế, vừa trực tiếp tuyên truyền, vận động, bà Blin vừa giới thiệu người em gái họ của mình là Siu Er đi xuất khẩu lao động. Sau 2 năm, chị Er đã gửi tiền về cho gia đình trả nợ ngân hàng và mua thêm bò để nuôi.
Nhiều người đi xuất khẩu lao động đã gửi tiền về cho gia đình mua bò để phát triển kinh tế. Ảnh: N.S |
Bà Blin cho biết: “Ban đầu, việc tuyên truyền, vận động gặp khó khăn. Đến giờ, hầu hết người đi xuất khẩu lao động đều có thu nhập khá và gửi tiền về nhà để trang trải các khoản vay, giúp gia đình ổn định cuộc sống. Tôi rất phấn khởi vì Hội LHPN xã đã vận động được 6 chị đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập Xê-út và Đài Loan. Khi nghe tin các chị gửi tiền về nhà thì tôi đến vận động gia đình nên chi tiêu hợp lý và đầu tư cho sản xuất, tránh tiêu xài lãng phí”.
Gia đình bà Rơ Lan H'Bih (làng Le 2) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2017, thông qua sự giới thiệu của Hội LHPN xã, bà H'Bih đã cho 2 người con gái đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan và Ả-rập Xê-út. Sau hơn 1 năm, các con đã gửi tiền về để bà trả nợ. Bà HBih cũng tính đến việc sẽ mua bò để nuôi. “Gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn”-bà HBih cho biết.
Đến nay, toàn xã Ia Lang đã có 8 người đi xuất khẩu lao động ở các nước: Ả-rập Xê-út, Đài Loan và Rumania. Hầu hết lao động làm việc ổn định với mức thu nhập từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng. |
Tương tự, gia đình bà Siu Blơt (làng Le 1) cũng có con gái đi xuất khẩu lao động được gần 2 năm. Bà Blơt cho biết: “Trước đây, con gái tôi ở nhà phụ giúp gia đình làm vườn, cuộc sống rất khó khăn. Được cán bộ xã tuyên truyền chính sách xuất khẩu lao động, con tôi đã đăng ký đi Rumania làm việc. Sau gần 2 năm, con tôi đã gửi tiền về phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống, có thêm tiền mua bò để phát triển kinh tế”.
Theo thống kê của Công ty Xuất khẩu Lao động Thiên Ân, từ năm 2017 đến nay, Công ty đã giới thiệu và đưa 27 người trên địa bàn huyện Đức Cơ đi xuất khẩu lao động. Số lao động này có việc làm ổn định, thường xuyên liên lạc với gia đình và đơn vị. Nhiều chị em đã gửi tiền về cho gia đình xây nhà, mua sắm vật dụng sinh hoạt.
Trao đổi với P.V, ông Siu Bơn-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lang-cho biết: Xuất khẩu lao động đã giải quyết được việc làm cho một số lao động của địa phương, nhờ đó mà đời sống bà con trong xã cũng được nâng lên. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tìm hiểu và có thông tin chính xác về nơi làm việc của người lao động để có biện pháp hỗ trợ nếu có bất trắc. Hầu hết những người đi xuất khẩu lao động đều gửi tiền về để gia đình phát triển kinh tế, mua bò, xây nhà cửa, trả nợ ngân hàng. “Xuất khẩu lao động là hướng thoát nghèo cho bà con trong xã hiện nay. Với việc tham gia xuất khẩu lao động, giờ đây, nhiều gia đình ở xã đã dần thoát nghèo. Cùng với các biện pháp hỗ trợ, quản lý, chính quyền địa phương sẽ giám sát chặt chẽ quá trình lập hồ sơ xuất khẩu lao động từ phía các công ty ký kết hợp đồng với người dân cũng như chế độ chính sách đối với bà con tại địa phương”-ông Siu Bơn cho biết thêm.
Ngọc Sang