Chư Sê: Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mức lương từ 9 triệu đồng/người/tháng, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê đi xuất khẩu lao động qua các nước: Ả-rập Xê-út, Malaysia… đã có nguồn thu nhập ổn định để thoát nghèo.

Thoát nghèo nhờ đi xuất khẩu lao động

Xã Dun là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê với trên 60% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Năm 2016, được sự hỗ trợ của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, 18 lao động nữ người dân tộc thiểu số ở xã Dun đã được lựa chọn đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập Xê-út. Sau khi đi xuất khẩu lao động, họ đã kiếm được tiền gửi về cho gia đình trả nợ, làm nhà, mua rẫy sản xuất...

 

Đại diện công ty xuất khẩu lao động chuyển tiền lương của một lao động tại Ả rập Xê-út cho người thân đang sinh sống trên địa bàn huyện Chư Sê. Ảnh: L.H
Đại diện công ty xuất khẩu lao động chuyển tiền lương của một lao động tại Ả rập Xê-út cho người thân đang sinh sống trên địa bàn huyện Chư Sê. Ảnh: L.H

Có con gái là chị Đinh Thị Đen đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập Xê-út, bà Đinh Thị Bối (làng Ging Jăng, xã Dun) phấn khởi cho biết: “Nó qua bên đó phụ giúp việc nhà cho người ta, lương mỗi tháng 9 triệu đồng, được bao ăn ở. Nó đi được hơn 1 năm đã gửi tiền về trả hết số nợ trước đây của gia đình và còn gửi tiết kiệm tại ngân hàng được 25 triệu đồng. Mới đây, nó trích ra 19 triệu đồng mua một thửa ruộng lúa nước để sau này có thêm đất sản xuất”. Năm 2017, gia đình chị Đinh Thị Đen đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Tương tự, chị Rơ Mah Thanh (trú tại làng Ging Jăng) cũng đi xuất khẩu lao động qua Ả-rập Xê-út với công việc phụ giúp việc gia đình. Sau gần 1 năm, chị Thanh đã gửi về được trên 70 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Gái-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dun, cho biết: “Đi xuất khẩu lao động tại thị trường Ả-rập Xê-út có nhiều điểm phù hợp với phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã như: không đòi hỏi trình độ, bằng cấp, độ tuổi từ 18 đến 40, có đủ sức khỏe, không cần vốn ban đầu… Đây là chương trình có sự phối hợp giữa Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh cùng với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nên người dân yên tâm. Lĩnh vực này đang thu hút nhiều chị em trên địa bàn tham gia. Chị em đi xuất khẩu lao động đa phần là phụ việc gia đình, chăm sóc trẻ nhỏ… với mức lương từ 9 triệu đồng/người/tháng trở lên. So với điều kiện làm việc tại quê nhà, thu nhập tốt hơn rất nhiều”.

Hướng đến thị trường khó tính hơn

Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê, năm 2016, toàn huyện có 48 trường hợp đi xuất khẩu lao động (hầu hết tại Ả-rập Xê-út). Đến năm 2017, con số này là 62 trường hợp. Thị trường tiếp nhận lao động cũng mở rộng hơn với 34 trường hợp xuất khẩu sang Ả-rập Xê-út, 25 trường hợp sang Malaysia và 3 trường hợp qua Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có thêm 16 lao động được đưa sang Ả-rập Xê-út làm việc. “Lợi thế của thị trường Ả-rập Xê-út là tiêu chuẩn lựa chọn phù hợp với số đông lao động tại Chư Sê, đặc biệt là lao động nữ người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, người tham gia xuất khẩu lao động không mất chi phí ban đầu. Các công ty tuyển dụng về tận địa phương để tư vấn, thu hút lao động đi xuất khẩu. Lao động tại thị trường này chủ yếu phụ việc gia đình, chăm trẻ…”-bà Lê Thị Ngọc-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê, cho biết.

Việc tuyển dụng lao động đi xuất khẩu cũng ngày càng thuận lợi bởi người dân đã có cái nhìn cởi mở với việc đi lao động tại nước ngoài. “Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số không thích con đi lập nghiệp, sinh sống ở nơi xa, chưa nói ra tận nước ngoài. Rồi có người cho rằng đi xuất khẩu lao động hay bị ngược đãi, bóc lột sức lao động... khiến nhiều chị em hoang mang. Đến nay, qua liên lạc với những trường hợp đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập Xê-út, chưa có trường hợp nào bị ngược đãi hay chậm chi trả lương, cần có sự can thiệp từ ngành chức năng”-bà Nguyễn Thị Gái cho biết. Sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, chính quyền huyện, xã trong việc lựa chọn hợp tác với những đơn vị liên kết xuất khẩu lao động đảm bảo uy tín cũng khiến người dân yên tâm hơn khi tham gia xuất khẩu lao động.

Theo tìm hiểu của P.V, sau khi đăng ký và đáp ứng các yêu cầu của vòng sơ tuyển, lao động sẽ được đào tạo miễn phí về ngôn ngữ và một số kỹ năng làm việc cơ bản trong vòng 3 tháng, được hỗ trợ một khoản tiền nhất định. Khi ký kết hợp đồng lao động với đối tác, phía sử dụng lao động sẽ chi trả lương và các chế độ theo thỏa thuận. Thị trường Ả-rập Xê-út hay Malaysia đang có nhu cầu sử dụng lao động chưa qua đào tạo, chất lượng thấp và tính chất công việc lao động thô sơ. Ở các thị trường khó tính hơn như: Nhật Bản, Hàn Quốc… yêu cầu cao hơn nên thu nhập của lao động khi làm việc tại đây cũng cao hơn nhiều lần. “Thời gian đến, ngoài tuyên truyền, vận động thu hút người dân tham gia vào lĩnh vực này thì địa phương cũng sẽ chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động thông qua công tác đào tạo nghề để hướng đến những thị trường khó tính hơn, đem lại nguồn thu nhập cao hơn cho người đi xuất khẩu lao động”-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê cho hay.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.