Thiện nguyện đốn tim: Cháo đêm tặng người vô gia cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sài Gòn nửa đêm về sáng, những người vô gia cư khốn khổ, đã không nhà lại không tiền. Đêm xuống, đói cồn cào, họ cần cái gì đó để lót dạ…

Hằng đêm, nhiều người vô gia cư (VGC) mong ngóng nhóm thiện nguyện nào đó mang đến cho họ món gì lót dạ. Có lúc, họ chờ suốt đêm trong ngậm ngùi. Nhưng cứ định kỳ mỗi tháng 2 lần, vào khuya thứ bảy, hàng trăm người VGC ở Sài Gòn chắc chắn có một tô cháo nóng hổi, đủ dinh dưỡng từ CLB Sài Gòn Thương.

Kỹ sư Đình Huy (trái) từ Hà Nội vào tham gia chương trình phát cháo đêm cho người vô gia cư. Ảnh: Quang Viên

Kỹ sư Đình Huy (trái) từ Hà Nội vào tham gia chương trình phát cháo đêm cho người vô gia cư. Ảnh: Quang Viên

Theo chân Sài Gòn Thương

8 giờ tối, trong ngôi nhà trên đường Bình Long, Q.Tân Phú, TP.HCM tất bật không khí nấu nướng. Đội phát cháo đêm cho người VGC gồm 30 thành viên đã tề tựu đông đủ để sơ chế rau củ, thịt… chuẩn bị nấu cháo. Họ gồm học sinh, sinh viên và các bạn trẻ làm nhiều công việc khác nhau chung tiền, góp sức nấu hàng trăm tô cháo đi tặng người VGC.

Nhiều người đã gắn bó với chương trình từ đầu. Cũng có những người mới tham gia như cô sinh viên Ngọc Huyền (Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP. HCM); Vĩnh Trung, cậu học sinh đang học lớp 11, Trường THPT Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú; hay chàng kỹ sư cầu đường Nguyễn Đình Huy mới từ Hà Nội vào.

"Hầu hết các bạn không giàu có gì, nhưng đều động lòng trắc ẩn vì nghĩ những người VGC cần một miếng ăn cho qua cơn đói về đêm", chàng trai tên Minh, "thủ lĩnh phong trào" cháo đêm, tâm tình.

Em bé 10 tháng tuổi cùng mẹ qua đêm tại vỉa hè nhận cháo của nhóm thiện nguyện. Ảnh: Quang Viên

Em bé 10 tháng tuổi cùng mẹ qua đêm tại vỉa hè nhận cháo của nhóm thiện nguyện. Ảnh: Quang Viên

Hôm đó, Thanh Ngân là "bếp trưởng". Cô đánh vật với hai nồi cháo to tướng, nêm nếm sao cho chuẩn và luôn tay khuấy đều để cháo nhuyễn, không bị khê. "Cháo bị khê, phải bỏ nấu lại nồi khác. Tưởng "dễ như nấu cháo", nhưng cũng có chút áp lực", vuốt mồ hôi rơi lã chã, cô gái 25 tuổi nói.

11 giờ đêm, cháo vừa chín, mọi người khẩn trương múc vào tô nhựa dùng một lần, bọc giấy bạc giữ nóng, phân chia cho hai nhóm lên đường lúc 0 giờ. Nhóm 1 theo tuyến Trường Chinh, Lý Thường Kiệt, Ba Tháng Hai; nhóm 2 theo tuyến Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng. Tôi lên xe đi cùng kỹ sư Tuấn, "trưởng đoàn" nhóm 2. Tôi hỏi Tuấn tại sao không đi phát cháo sớm hơn, Tuấn chia sẻ: "Đi lúc này mới phát cháo đúng người VGC. Những người có nhà không ai nằm vạ vật ở vỉa hè vào lúc nửa đêm về sáng cả".

Sài Gòn đúng là thành phố không ngủ. Nửa đêm về sáng vẫn còn nhiều xe cộ lưu thông. Và có lẽ đặc trưng nổi bật nhất là quán nhậu vỉa hè vẫn mở cửa thâu đêm phục vụ "đệ tử lưu linh"... Nhưng vỉa hè cũng là nơi người VGC trải vài tấm giấy các tông hoặc một manh chiếu rách ngủ qua đêm. Trong số họ, không ít người trằn trọc vì bụng đang đói meo.

Tô cháo nóng hổi do nhóm từ thiện phát trên tay một người vô gia cư

Tô cháo nóng hổi do nhóm từ thiện phát trên tay một người vô gia cư

Miếng khi đói bằng gói khi no

Dọc các tuyến đường tôi cùng nhóm của Tuấn đi, thỉnh thoảng lại bắt gặp những người lấy vỉa hè làm chỗ nghỉ qua đêm. Nhưng với kinh nghiệm, Tuấn và các thành viên biết ai là người đáng để tặng cháo.

Chạy xe một lúc, phát hiện một người đàn ông lót những tấm bìa các tông nằm co ro trên vỉa hè, bên cạnh chiếc xe đạp treo lỉnh kỉnh vỏ chai nhựa, vỏ lon..., cả nhóm dừng lại mang cháo đến tặng. "Gia đình tui ở Sài Gòn. Nhưng tui không vợ không con, anh em đối xử tệ nên lang thang đầu đường xó chợ lượm ve chai. Tối tui về đây ngủ", người đàn ông tên T. (65 tuổi) bùi ngùi tâm sự. Cầm tô cháo còn nóng, ông cảm động nói: "Mấy cháu tốt quá. Có tô cháo lúc đang đói còn gì bằng".

Ca sĩ Maria Helene Nguyệt ngủ ở vỉa hè đường Phan Đình Phùng tâm sự với nhóm phát cháo đêm

Ca sĩ Maria Helene Nguyệt ngủ ở vỉa hè đường Phan Đình Phùng tâm sự với nhóm phát cháo đêm

Khu vực quanh ngã tư Phú Nhuận là nơi nhiều người VGC ngủ vỉa hè. Hầu hết họ làm nghề lượm ve chai. Gần 1 giờ 30, một số người đang say giấc. Các thành viên nhẹ nhàng đến đặt tô cháo ở vị trí dễ thấy nhất để sáng mai thức dậy họ lấy lót dạ. "Chúng em có quy định gặp người VGC đã ngủ thì tuyệt đối không kêu dậy", một thành viên cho hay. Trong khi đó, những người còn thức, được trao tận tay tô cháo, và các thành viên có thể nán lại vài phút trò chuyện tâm tình.

Mở ngay tô cháo để ăn, ông C. (71 tuổi, quê Vĩnh Long), làm nghề nhặt ve chai, tấm tắc khen: "Cháo nóng. Ngon! Cảm ơn nhiều nhe!". Gần 2 giờ sáng, cũng ở vỉa hè khu vực này, bà H. (53 tuổi, quê Nghệ An) vẫn ngồi giơ vé số mời mua. Cạnh chỗ ngồi của bà cũng có bao ve chai. "Đem cháo qua tặng đi", trưởng nhóm "chỉ đạo". Cầm tô cháo, bà H. nói: "Miếng khi đói bằng gói khi no". Rồi bà sụt sịt khóc, giãi bày: "Chồng tui chết mấy chục năm rồi. Vô đây bán vé số, tranh thủ lượm thêm ve chai về bán lo cho đứa con bị tai nạn".

Hai em bé vô gia cư hí hửng nhận lấy tô cháo từ phóng viên Báo Thanh Niên

Hai em bé vô gia cư hí hửng nhận lấy tô cháo từ phóng viên Báo Thanh Niên

Rưng rưng những phận người

Những thân phận VGC chìm trong lòng thành phố trên 10 triệu dân này vào ban ngày. Nhưng nửa đêm về sáng, khi phố xá thưa người, tĩnh lặng hơn, chúng ta mới nhận diện rõ nhất người VGC và "thế giới riêng" của họ.

2 giờ sáng, chở những tô cháo cuối cùng vẫn còn nóng hổi nhờ bọc giấy bạc, nhóm tiếp tục đi tìm những người VGC. Tại cầu Kiệu nối đường Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng, tôi sững sờ khi bắt gặp hai đứa trẻ còn nhỏ xíu lấy ta luy dương của cây cầu làm giường ngủ qua đêm. Không biết ba mẹ hai bé ở đâu vào lúc đó. Tôi đưa hai tô cháo, hai chị em hí hửng cầm lấy. Cậu em chừng 4 tuổi cứ chúi mũi vào tô cháo hít hà, còn cô chị khoảng 6 tuổi cho biết mình tên Yên và đứa em tên Ken.

Chương trình cháo đêm tặng người vô gia cư của CLB Sài Gòn Thương bắt đầu từ năm 2015, do một nhóm sinh viên khởi xướng và thực hiện. Sau này, có thêm nhiều thành viên thuộc những ngành nghề khác nhau tham gia, phần lớn là các bạn trẻ. Ngoài việc tự bỏ tiền túi, CLB còn tổ chức các hoạt động khác để gây quỹ như: tổ chức đêm nhạc, thi đấu bóng đá, bán hàng online…

Ở vỉa hè đường Phan Đình Phùng, đoạn gần chợ Tân Định, một người mẹ trẻ ôm đứa con mới 10 tháng tuổi nằm co ro. Chị cho biết quê ở Bến Tre, vì "lỡ dại" có bầu nên trốn gia đình lên TP. Chị không có tiền thuê nhà, con còn nhỏ nên chẳng làm gì được. Vì vậy, khi con mới 2 tháng tuổi chị phải nén lòng bế con ra ngủ vật vạ vỉa hè. Tôi hỏi hai mẹ con lấy gì để sống qua ngày, chị cho hay: "Em có đồ từ thiện người ta cho để sống 8 tháng nay". Nhận tô cháo, chị nói: "Em để đây, sáng mai hai mẹ con em ăn". Nhìn đứa bé khôi ngô, trắng trẻo, liếc qua chỗ nằm lót giấy của hai mẹ con, thật sự tôi đã rơi nước mắt.

Thêm một bất ngờ nữa, khi chúng tôi đem tô cháo cuối cùng đến phát cho một phụ nữ đứng tuổi đang ngồi ở vỉa hè cạnh nhà thờ Tân Định. Mở khẩu trang, bà nghẹn ngào kể: "Cô là ca sĩ Maria Helene Nguyệt chuyên hát nhạc Tây, nhạc Việt trữ tình, kiêm đánh trống cho những phòng trà lớn tại Sài Gòn trước 1975. Bây giờ hết thời, cô đi bán dạo vài bịch bánh kiếm sống và đêm chọn vỉa hè để ngủ". Bà hát cho chúng tôi nghe ca khúc Biết nói gì đây của nhạc sĩ Huỳnh Anh rất truyền cảm, nhưng thú thật tôi vẫn bán tín bán nghi. Tuy nhiên, khi về mở YouTube thì đúng như ca sĩ sinh năm 1959 này tâm sự.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.