Thiện nguyện 'đốn tim': Hệ sinh thái vì bệnh nhân nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người bệnh hoàn cảnh thật sự khó khăn khi nhập viện sẽ được duyệt hỗ trợ khẩn cấp hoặc hỗ trợ viện phí... Đó là một trong những điểm nổi bật của mô hình thiện nguyện đặc biệt tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM).

Tôi gặp bác sĩ (BS) CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (BV NTP), ngay sau khi ông dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần XI về. Tại đại hội này, BS Chiến đã trình bày tham luận về Hệ sinh thái hỗ trợ bệnh nhân (BN) có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tôi, ông nói say sưa về hệ sinh thái này: "Người giàu bỏ tiền ra làm hệ sinh thái để họ thụ hưởng. Vậy người nghèo, đặc biệt là BN có hoàn cảnh khó khăn, ai đã làm hệ sinh thái để giúp họ? Tiếp cận BN, trên tinh thần coi họ như người thân, mới thấu hiểu nhiều người khốn khổ đủ điều".

Phao cứu sinh cho bệnh nhân nghèo

BS Chiến muốn tránh nói hệ sinh thái là giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Ông bảo: "Họ nghèo thật, nhưng nói vậy gợi cho người ta mặc cảm tự ti, dẫn đến việc nỗ lực cứu người dễ bị nhầm xuất phát từ lòng thương hại". Nhưng, khi tôi tiếp cận với những BN được BV NTP hỗ trợ tài chính, phải nói họ nghèo thật. Bà Ngân, vợ của BN Trường Phú (TP.HCM), nói trong nước mắt: "Ở nhà tui bưng hủ tiếu thuê, chồng tui thì bị bệnh tiểu đường 11 năm nay rồi. Vô nhập BV này chỉ có 1 triệu đồng mang theo. Nhờ BV hỗ trợ viện phí, giúp đỡ cả suất ăn mới có cơ hội chữa bệnh cho ổng. Tôi biết ơn BV vô cùng".

BS Chiến (người mặc áo blouse) tại Gian hàng chia sẻ yêu thương

BS Chiến (người mặc áo blouse) tại Gian hàng chia sẻ yêu thương

Trước tết, anh xe ôm Thanh Sơn (Q.8, TP.HCM) vào BV NTP trong tình trạng khẩn cấp. "Tôi bị viêm ruột thừa, lại lủng bao tử, phải mổ cấp cứu gấp. Nếu không có BV hỗ trợ gần như hoàn toàn viện phí, chắc tôi lâm tình cảnh hết sức khó khăn. Chạy xe ôm chỉ đủ kiếm cơm qua ngày thôi chứ dư dả chi", anh Sơn thổ lộ.

Còn tại H.Đơn Dương (Lâm Đồng), cô gái Ma Hoan sửng sốt khi biết mẹ bị u màng não. Đưa mẹ vô BV NTP chữa trị hơn hai tháng, nếu không được hỗ trợ viện phí, Ma Hoan chưa biết xoay đâu ra tiền. "Nhà em nghèo lắm. Gia đình chỉ lo được viện phí một phần, còn lại BV lo hết", Ma Hoan bộc bạch.

Tiếp cận với hồ sơ lưu trữ thuộc hệ sinh thái giúp đỡ BN có hoàn cảnh khó khăn của BV NTP, chúng tôi tìm thấy những con số "biết nói". Từ khi có hệ sinh thái, BV đã hỗ trợ hàng chục tỉ đồng cho BN. Chỉ trong năm 2022, đã hỗ trợ viện phí cho 212 BN hơn 2,3 tỉ đồng, thực hiện 627 chuyến xe nghĩa tình với số tiền hơn 558 triệu đồng và hơn nửa tỉ đồng cho những gói hỗ trợ khác.

Trong "sao kê" tài chính giúp BN khó khăn, tôi rất bất ngờ khi tìm thấy những BN được hỗ trợ hàng chục triệu đồng, thậm chí hơn 100 triệu. Anh Tấn Lộc, chồng của sản phụ Thùy Linh, BN được BV hỗ trợ 75 triệu đồng để vượt cạn trong tình huống ngặt nghèo. Anh Lộc bồi hồi kể: "Vợ tôi mang thai 30 tuần phải nhập viện cấp cứu vì tụ máu não gây hôn mê, bất tỉnh. Nhưng nhờ được hỗ trợ số tiền rất lớn và sự tận tâm của đội ngũ y BS BV NTP mà vợ con tôi được cứu sống một cách kỳ diệu".

Đó chỉ là những trường hợp BN được hỗ trợ viện phí nhờ hệ sinh thái của BV NTP mà tôi tiếp cận được. Với hệ sinh thái đầy tính nhân văn này, còn có rất nhiều BN, thân nhân của họ được hưởng lợi nhiều gói hỗ trợ khác nhau.

Ân cần, chu đáo với Chuyến xe nghĩa tình. Ảnh: BỆNH VIỆN NGUYỄN TRI PHƯƠNG CUNG CẤP

Ân cần, chu đáo với Chuyến xe nghĩa tình. Ảnh: BỆNH VIỆN NGUYỄN TRI PHƯƠNG CUNG CẤP

Hệ sinh thái toàn diện

Chứng kiến BS Chiến ký duyệt một gói hỗ trợ cho BN, tôi hỏi: "Số lượng BN khó khăn đến khám và điều trị tại BV nhiều không?". BS Chiến trầm ngâm một lát rồi nói: "Nhiều lắm. Có khoảng 20% BN thuộc diện khó khăn. Nhưng tùy mức độ khó khăn để BV duyệt gói hỗ trợ nào".

Hai "hạng mục" quan trọng nhất trong hệ sinh thái là hỗ trợ khẩn cấp và viện phí. BN khó khăn bắt đầu từ khi nhập viện cấp cứu sẽ được duyệt hỗ trợ khẩn cấp 5 triệu đồng. Đó là những người thuộc các đối tượng như người già, người neo đơn, cơ nhỡ… mà họ không thể đủ khả năng thanh toán. Trường hợp hỗ trợ viện phí cũng được thực hiện nhanh chóng, bài bản. Theo đó, khoa điều trị làm phiếu trình giám đốc duyệt. Sau đó, theo trình tự: Phòng công tác xã hội nhanh chóng tiến hành khảo sát hoàn cảnh của BN; Khoa lâm sàng kết hồ sơ tổng viện phí sau quá trình điều trị; Giám đốc duyệt nguồn quỹ hỗ trợ; Thường trực Chữ thập đỏ làm hồ sơ thanh toán viện phí.

Giải quyết vấn đề cốt lõi để BN khó khăn có cơ hội chữa trị, lãnh đạo BV NTP còn thấu hiểu khó khăn, thiếu thốn khác mà BN nghèo thường gặp. Vì vậy, hệ sinh thái mở rộng thêm gói hỗ trợ chi phí sinh hoạt thiết yếu. Mỗi BN có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng. "Tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa rất nhân văn, giúp BN bớt khó khăn khi nằm viện", bà Trần Thị Như Mai, Thường trực Hội Chữ thập đỏ BV NTP, bày tỏ.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trao tiền hỗ trợ cho bệnh nhân

Đại diện Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trao tiền hỗ trợ cho bệnh nhân

Bên cạnh đó, mỗi ngày nhiều BN khó khăn còn được phát bữa ăn đầy đủ dưỡng chất miễn phí. Chưa hết, hệ sinh thái còn mang đến hoạt động nâng đỡ tinh thần. Vào rằm và mùng một mỗi tháng, BV tổ chức cho BN và thân nhân ăn cơm chay tại chùa Đại Từ Liên Xã. "Tại đây, nhân viên y tế và BN, thân nhân của họ cùng chia sẻ thông điệp về sự bình yên. Mọi người đến đây như được tiếp thêm nguồn năng lượng để giúp họ vượt qua những bộn bề của cuộc sống", BS Chiến tâm tình.

BV NTP còn có Gian hàng chia sẻ yêu thương. Theo BS Chiến, Gian hàng chia sẻ yêu thương ra đời để tạo cơ hội cho bất kỳ nhân viên y tế, hay cá nhân, tập thể nào của cộng đồng muốn làm việc thiện nguyện. Ở đây quần áo, giày dép, túi xách, điện máy gia dụng, đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập… được quyên góp đem bán giá từ 0 đồng đến vài chục ngàn đồng. "Tổng số tiền nhận được từ gian hàng sẽ hỗ trợ cho các BN có hoàn cảnh khó khăn của BV", bà Trần Thị Như Mai nói.

Sự sống của BN khó khăn được hệ sinh thái lo một cách tử tế như vậy. Nhưng, chẳng may họ điều trị ở đây nhưng không thể kéo dài sự sống, thì sẽ có Chuyến xe nghĩa tình giúp đỡ đưa tiễn. "Từ 2016 đến nay đã có 5.168 chuyến xe như thế với tổng chi phí trên 2,5 tỉ đồng đã chi để đưa các trường hợp BN nặng, hấp hối, tử vong, có hoàn cảnh khó khăn về nhà dù địa chỉ gần hay xa", BS Võ Đức Chiến cho biết.

Chúng ta từng nghe khẩu hiệu rất nhân văn: "Không để ai bị bỏ lại phía sau, không từ chối điều trị bất cứ BN nào, nhất là BN có hoàn cảnh khó khăn". Nhưng sự thật đau lòng là đâu đó vẫn còn những BN phải chấp nhận rời BV khi không kham nổi chi phí điều trị. Thậm chí, họ chấp nhận cái chết. Chính người viết bài này cũng đã nhiều lần kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người khi nhận được thỉnh nguyện của BN nghèo. Từ thực trạng như vậy, theo tôi hệ sinh thái vì BN khó khăn của BV NTP là một câu chuyện thấm đẫm tình người, một mô hình thiện nguyện rất thiết thực, cần được nhân rộng.

(còn tiếp)

Để xây dựng và vận hành được hệ sinh thái giúp đỡ BN khó khăn, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã kêu gọi sự chung sức của nhiều tổ chức, cá nhân như: Nhóm Từ tâm; Quỹ Tâm nguyện Việt; Nhóm từ thiện Chia Sẻ (Sharing), Quỹ từ thiện Thành Ngọc, Quỹ từ thiện Bông Sen và nhiều cá nhân khác… Có những cá nhân người nước ngoài như ông Yung Cam Meng (Hồng Kông) đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.