Thiện nguyện đốn tim: Tấm lòng của ma sơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa mới chào đời được cứu sống, nuôi dưỡng, học hành tử tế. Hàng chục ngàn sinh linh chưa kịp làm người được chôn cất chu đáo. Đó là chuyện ở Mái ấm Tín Thác.

Từ TP.HCM, tôi lên TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) đi tìm Mái ấm Tín Thác tại thôn Thanh Xuân, xã Lộc Thanh. Tôi ghé một cửa hàng ở TP.Bảo Lộc mua ít kẹo bánh tặng các bé, tiện thể hỏi đường. Dường như Mái ấm Tín Thác đã rất nổi tiếng ở vùng này, nên chị bán hàng ở ngay trung tâm TP.Bảo Lộc chỉ dẫn rõ ràng và còn gửi thêm bánh kẹo để mang vào phát cho các em.

Nơi tín thác cuộc đời cô nhi

Dù có hẹn trước với sơ (soeur) Hường, người quản lý mái ấm, nhưng hôm tôi đến, sơ Hường đang phải chữa bệnh cho mình nên bảo sơ Phương tiếp. Sơ Phương cho biết sơ Hường mắc bệnh ung thư. Điều này khiến tôi bất ngờ và càng kính phục sơ Hường, bởi một người đang mắc bệnh ung thư nhưng vẫn dồn hết tâm sức cưu mang nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ, trẻ khuyết tật và còn lập nghĩa trang chôn cất hàng chục ngàn sinh linh bé bỏng.

Sống trong Mái ấm Tín Thác là một điều may mắn cho các bé bị bỏ rơi khi vừa mới lọt lòng. Ảnh: Quang Viên

Sống trong Mái ấm Tín Thác là một điều may mắn cho các bé bị bỏ rơi khi vừa mới lọt lòng. Ảnh: Quang Viên

"Hiện nay, mái ấm đang cưu mang 66 trẻ. Hầu hết các bé mới lọt lòng đã bị bỏ rơi ở bệnh viện, trước nhà thờ, ở cổng mái ấm này… Mỗi cháu gắn với một câu chuyện buồn về thân phận", sơ Phương tâm sự. Tôi hỏi, tại sao đặt tên mái ấm là Tín Thác? Sơ Phương khiêm nhường chia sẻ: "Chúng tôi tín thác cuộc đời của những đứa trẻ này vào sự phù trợ của Thiên Chúa". Nhưng theo tôi, đó là đức tin tôn giáo. Còn thực tế hiển hiện sống động ở đây, những đứa trẻ đang tín thác cuộc đời mình vào tấm lòng thiện lành cao cả của các sơ và những cộng sự khác.

Tại mái ấm, ngoài sân chơi, những đứa trẻ đã biết đi, biết chạy hồn nhiên nô đùa. Trong các phòng, trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật luôn ở bên vòng tay của các sơ và những tình nguyện viên. Họ đút cháo, cho bú sữa, làm vệ sinh, thay tã… hết bé này đến bé khác. Ôm vào lòng một bé gái, sơ Phương thổ lộ: "Bé này bị bỏ rơi lúc mới chào đời ở Nhà thờ Giáo xứ Gioan, P.Lộc Phát, TP.Bảo Lộc". Cạnh đó là một bé trai trắng trẻo, khôi ngô đang cười. Nhưng sơ Phương nói lúc phát hiện trước cổng mái ấm, bé này còn đỏ hỏn và đang nguy hiểm tính mạng vì viêm phổi nặng. Ngay lập tức, bé được đưa vào bệnh viện chữa trị, sau đó về mái ấm sống cùng những đứa trẻ chung cảnh ngộ.

Sơ Phương chơi đùa với một bé. Ảnh: Quang Viên

Sơ Phương chơi đùa với một bé. Ảnh: Quang Viên

Ở đây, ngoài những trẻ bị bỏ rơi trong hình hài bình thường, còn có những trẻ đáng thương hơn. Tôi vô phòng có 6 đứa trẻ khuyết tật đang nằm trên giường, mà sơ Phương được coi là bảo mẫu của các bé. Bé Thiên Ân được phát hiện trong chiếc thùng đặt bên lề đường trong tình trạng bại não. Bé Nở thì tìm thấy trước cổng mái ấm, cũng bị bại não và không hiểu lý do gì mà lúc đó trên đầu có nhiều vết thương. Bé Mít não úng thủy bị mẹ bỏ lại bệnh viện… "Chăm sóc các bé này rất vất vả. Nếu không có tình thương vô hạn thì khó đảm đương lắm", sơ Phương tâm tình.

Những bé sơ sinh bị bỏ rơi được mái ấm nuôi dưỡng hầu hết là kết quả ngoài ý muốn của những người mẹ đơn thân, trong đó có không ít cô gái còn rất trẻ một lần "lỡ dại". Hoàn cảnh éo le, cạn nghĩ, thiếu tình mẫu tử… đã khiến họ chọn cách đau đớn nhất, "hạ sách" nhất là vứt bỏ núm ruột của mình. "Bất cứ đứa trẻ sơ sinh nào được phát hiện khi còn hơi thở cũng sẽ đưa về mái ấm chăm sóc, nuôi dưỡng, cho đi học đến nơi đến chốn và giáo dục nên người lương thiện. Nhưng thật tội nghiệp, có những trẻ không may mắn như thế vì không phát hiện kịp thời khi còn sống", sơ Phương bùi ngùi kể.

Nghĩa trang gần 20.000 hài nhi

Những đứa trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi may mắn được phát hiện lúc còn sống đã tín thác cuộc đời vào mái ấm. Nhưng những trẻ vừa lọt lòng mẹ đã mất, đặc biệt là có vô số sinh linh bé bỏng chưa kịp làm người, cũng được các sơ lo cho một nơi an nghỉ đàng hoàng tại nghĩa trang hài nhi. "Những hài nhi cũng cần một mái ấm, một chốn đi về", sơ Phương nói.

Một tình nguyện viên chăm sóc các bé tại Mái ấm Tín Thác

Một tình nguyện viên chăm sóc các bé tại Mái ấm Tín Thác

Tôi đến nghĩa trang hài nhi Tín Thác. "Chốn đi về" của gần 20.000 sinh linh bé bỏng rất yên bình, xinh đẹp, tươm tất. Đoạn đường dẫn vào nghĩa trang ngập tràn sắc hoa. Nghĩa trang được điểm tô bằng cây xanh và hoa. Những chiếc chong chóng nhiều màu sắc cứ quay tít trong gió, khiến tôi mường tượng các hài nhi đang hồn nhiên đùa vui. Một câu chuyện tâm linh gắn với sự ra đời của nghĩa trang này làm tôi xúc động. Chuyện kể rằng những hài nhi do mẹ chúng phá thai đầu tiên mà các sơ nhặt đem về được bỏ trong những chiếc chai nhựa sạch rồi đem chôn. Nhưng trong một đêm nọ, 5 sơ ở trong và ngoài mái ấm đều chung một giấc chiêm bao lạ lùng. Theo đó, các bé về xin đừng chôn như thế vì không thở được. Kể từ đêm đó, sơ Hường quyết định phải có bằng được một nghĩa trang hài nhi đàng hoàng, dù phải nhọc công tìm mảnh đất phù hợp, vay mượn thêm tiền…

Ông Trần Ngọc Hùng (thường được gọi là bác Hoan), người giúp các sơ thu nhặt những hài nhi bị bỏ rơi về chôn cất tại Nghĩa trang Tín Thác từ năm 2009, cho biết: "Năm 2009, tôi với một sơ ở mái ấm đi trên đường thì phát hiện một con chó đang ăn cái bọc, bên trong có một hài nhi đã chết. Sơ và tôi quá sửng sốt và đau lòng nên lập tức đem hài nhi về tìm nơi chôn cất". Từ đó đến nay, người đàn ông sinh năm 1955 này trở thành cộng sự quan trọng nhất của mái ấm trong việc tìm và đưa hài nhi xấu số về chôn cất. "Đã gần 14 năm làm công việc này, tôi hiểu rằng những việc làm của mình và các sơ không thừa. Ngoài việc đưa các sinh linh nhỏ bé về chôn cất, tôi còn quét dọn, thắp hương, trồng hoa bên các ngôi mộ… để nghĩa trang bớt hiu quạnh", ông Hùng bộc bạch.

Không chỉ tìm hài nhi về chôn cất, các sơ ở Mái ấm Tín Thác cùng những tình nguyện viên khác luôn tìm cách gặp gỡ những phụ nữ đang có ý định phá thai, khuyên họ giữ lại đứa con trong bụng cho đến lúc nó chào đời. Nếu những phụ nữ đó sinh nở mẹ tròn con vuông, nhưng không thể nuôi được, thì đã có mái ấm cưu mang. Chính mái ấm này cũng là nơi ăn, chốn ở của các bà mẹ lỡ lầm mang thai ngoài ý muốn. "Những phụ nữ đang mang thai không có chỗ nương thân thì có thể đến nhà mở Mái ấm Tín Thác để ăn ở, học nghề. Đến khi sanh sẽ có người lo chu đáo tại bệnh viện, sau đó có thể ở lại nuôi con hoặc trao lại cho các sơ lo. Nếu sau này muốn nhận lại con về nuôi dưỡng thì các sơ càng vui…", sơ Phương bày tỏ. (còn tiếp)

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc, cho biết: "Mái ấm Tín Thác là ngôi nhà chung của các cháu bị bỏ rơi. Các cháu nhỏ được các sơ chăm sóc, yêu thương hết mực, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trước tình hình đó, địa phương luôn tạo điều kiện để giúp đỡ các cháu như làm giấy khai sinh, đăng ký hộ khẩu, cấp thẻ bảo hiểm y tế… Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn các nhà hảo tâm và cộng đồng quan tâm để giúp đỡ mái ấm và các cháu mồ côi có được cuộc sống đầy đủ như bao đứa trẻ khác".

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…