(GLO)- Mặc dù số lượng chi nhánh, nhà phân phối hàng hiệu trên thị trường TP. Pleiku không nhiều, song tình hình kinh doanh mặt hàng xa xỉ này cũng gặp nhiều khó khăn do lượng khách sụt giảm, nhất là vào những ngày mưa.
Đây cũng là tình hình chung trên thị trường trong nước và thế giới khi doanh số của những hãng hàng hiệu nổi tiếng đang “ì ạch” tăng trưởng. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn về chính trị tại một số nước châu Âu-thiên đường của hàng hiệu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua đối với hàng hiệu.
Khách hàng lựa chọn quần áo An Phước. Ảnh: L.L |
Vắng vẻ vì “kén” khách
Dạo quanh các cửa hàng kinh doanh hàng hiệu tại thị trường Pleiku, không khí mua sắm tại hầu hết những cửa hàng đều khá ảm đạm. Chị Võ Thị Ngọc Trâm-Trưởng đại diện Chi nhánh giày Sofia (đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku) cho biết: “Hiện đang là mùa mưa lại đang là dịp nghỉ hè nên hàng bán hơi chậm, do khách hàng của Sofia chủ yếu là giới công chức và giáo viên. Đến chừng tháng 8 thì lượng khách đến mua sẽ nhộn nhịp trở lại”.
Tại Chi nhánh Công ty TNHH May thêu An Phước (đường Hùng Vương, TP. Pleiku) cũng chỉ lác đác vài khách hàng vào ra. Theo nhân viên bán hàng ở đây thì giá bán 1 áo sơ mi thương hiệu Pierre Cardin từ 1 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng, một đôi giày cũng có giá từ 2 triệu đồng trở lên… Do đó, hàng ở đây khá “kén” khách, chủ yếu là giới văn phòng hoặc khách mua hàng làm quà tặng. Đang lựa mua một bộ đồ nam với giá khoảng 2 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Hồng Minh (Công ty cổ phần Thủy điện Đak Rơ Sa) cho biết: “Công ty mình đặt mua đồng phục tại đây. Vì vậy, khi nào có nhu cầu mình cũng thường ra đây mua sắm cho gia đình và tặng người thân”.
Tương tự, nhiều thương hiệu thời trang quốc tế cao cấp khác như Triump, John Henry… cũng đã có mặt tại thị trường Pleiku. Trong đó, Triumph là sản phẩm nội y cao cấp của Đức dành cho phái nữ, còn John Henry là thương hiệu đến từ Mỹ với phong cách thời trang thanh lịch, cá tính dành cho nam. Các sản phẩm của thương hiện này khá đa dạng với rất nhiều mẫu mã... Tuy nhiên, cũng như những mặt hàng hiệu khác, giá cả các sản phẩm khá cao, vì vậy khách hàng thường chỉ mua vào các dịp lễ hoặc các đợt siêu khuyến mãi.
Theo Công ty tư vấn Bain & Co, có trụ sở tại Massachusetts (mỹ), dự báo doanh số bán hàng xa xỉ trên quy mô toàn cầu ước chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2016, so với mức tăng 1,5% trong năm 2015. |
Tâm lý chờ “Black friday”
Là một trong những “tín đồ” hàng hiệu, chị Khánh Nghi (đường Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Giá cả một sản phẩm hàng hiệu khá cao, nhưng một khi đã dùng rồi thì khó bỏ lắm, xài hàng khác không thấy thoải mái. Vì vậy, mình thường để lại thông tin ở các cửa hàng, nếu có đợt giảm giá thì gọi, mỗi lần như vậy mình tranh thủ mua nhiều sản phẩm”. Đây cũng là dịp để các cửa hàng đại diện, chi nhánh “hốt” khách. “Mỗi dịp sale hàng (giảm giá), cửa hàng bán cả ngàn đôi giày, có khách mua cả chục đôi một lần. Giá giày của Sofia dao động từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng/đôi, nếu giảm 50% thì khách có thể sắm hàng “xịn” mà giá rất phải chăng”-chị Võ Thị Ngọc Trâm-Trưởng đại diện Chi nhánh giày Sofia cho biết thêm. Còn nhân viên cửa hàng Triumph (đường Trần Phú, TP. Pleiku) thì cho rằng doanh số bán ra của cửa hàng những ngày sale tăng lên gấp 3-4 lần so với ngày thường. Trong đó, lượng khách ở huyện lên mua đông và số lượng sản phẩm mua cũng nhiều hơn so với khách tại địa bàn.
Không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả chủ các shop thời trang cũng tranh thủ các dịp giảm giá mua về bán lại. Chị Lập-Chủ shop Hà Nguyên (đường Wừu, TP. Pleiku) bật mí: Thông thường, giá hàng hiệu trên thị trường khá cao nên hiện nay có nhiều shop đã nhập hàng từ các trang web ở nước ngoài về bán. Có những mặt hàng giảm 70-75%, nếu canh đúng dịp giảm giá và nhất là vào “Black Friday” (“Thứ 6 đen tối”, ngày vàng mua sắm với hàng ngàn sản phẩm giảm giá cực lớn) thì sẽ chọn mua được rất nhiều hàng hiệu giá rẻ. Chẳng hạn, một chiếc áo hiệu Mango trên web có giá 34 USD (khoảng 765.000 đồng) khi giảm giá chỉ còn 255.000 đồng, cộng cả phí vận chuyển, thuế và tỷ giá đô la về Việt Nam cũng chỉ khoảng 320.000 đồng. Do đó, rất nhiều shop mua hàng kiểu này về bán với giá từ 500.000 đồng đến 550.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều nếu mua với giá gốc. Ngoài ra, các shop còn tìm các nguồn hàng xuất dư của các thương hiệu Zara, Mango, Forever 21… gia công tại Việt Nam, giá thấp hơn mà chất lượng vẫn đảm bảo.
Tuy nhiên, chị Lập cũng lưu ý hiện có rất nhiều cơ sở nhái mẫu, dán nhãn mác thương hiệu để đánh lừa người tiêu dùng, giới thiệu là hàng hiệu, hàng Việt Nam xuất khẩu… Chính vì vậy, bản thân người tiêu dùng cũng phải cẩn trọng khi quyết định bỏ một khoản tiền lớn để sắm cho mình một sản phẩm hàng hiệu.
Lê Lan