Thi công mương thoát nước đường liên xã Ia Sao-Ia Yok:Người dân chưa đồng thuận

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cuối tháng 5 vừa qua, huyện Ia Grai, Gia Lai đã triển khai làm hệ thống mương thoát nước trên tuyến đường liên xã Ia Sao-Ia Yok (đoạn qua thôn Tân An, xã Ia Sao) nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại đây. Tuy nhiên, theo một số hộ dân sống gần đoạn đường này, việc thi công mương thoát nước chưa hợp lý đã gây nhiều khó khăn cho người dân.
Bà Đặng Thị Hồng (thôn Tân An) phản ánh: Khi thi công mương thoát nước, chính quyền địa phương không thông báo cho người dân biết. Việc múc mương cũng không hợp lý, chỗ cao, chỗ thấp nên khó thoát nước. “Nếu muốn khỏi úng nước thì mương phải làm đúng theo độ dốc. Nhưng hiện tại, ngay vị trí trước nhà tôi là vùng trũng, trước giờ thường xuyên bị đọng nước khi mưa xuống thì lại múc rãnh sâu hơn so với điểm cuối 20-30 cm, vậy làm sao nước thoát được. Ngoài ra, chúng tôi cũng không có tiền làm nắp mương nên chỉ lót tạm vài miếng ván gỗ để đi vào nhà. Cứ để như thế này thì rất là nguy hiểm”-bà Hồng nói.
 Bà Đặng Thị Hồng bức xúc về việc làm hệ thống mương thoát nước chưa hợp lý vì chỗ trũng lại múc sâu hơn. Ảnh: L.N
Bà Đặng Thị Hồng bức xúc về việc làm hệ thống mương thoát nước chưa hợp lý vì chỗ trũng lại múc sâu hơn. Ảnh: L.N
Nhà liền kề với hộ bà Hồng, anh Chu Văn Long nói thêm: “Múc mương thoát nước nhưng không làm nắp nên chúng tôi đi lại rất khó khăn. Để đi lại thuận lợi, tôi vừa phải mua 6 ống cống hết hơn 2 triệu đồng, cộng thêm cả kinh phí thuê thợ lắp đặt, đổ xi măng mặt bằng cũng mất thêm khoảng 2 triệu đồng nữa”. 
Theo phản ánh của nhiều hộ dân, việc huyện thi công đào mương thoát nước xong để người dân tự lắp cống thoát nước là không hợp lý và người dân cũng không có kinh phí để làm. Việc không làm nắp mương cũng gây mất an toàn. Ông Trần Ngọc Viết (thôn Tân An) nói: Hệ thống thoát nước mà làm như thế này thì không thể đảm bảo bởi người có tiền thì lắp cống, người không có tiền thì kê tạm tấm ván gỗ để đi. Ngoài ra, việc để dân tự làm thì sẽ có người làm cao, người làm thấp, không đồng bộ nên khó thoát nước và sẽ sạt lở hết. Tương tự, ông Đào Đình Xuyên (cùng thôn) nêu ý kiến: “Chúng tôi mong muốn khi thi công mương thoát nước xong thì phải trả lại mặt bằng cho dân đi lại, tránh tai nạn xảy ra. Hiện tại, do chưa có kinh phí nên tôi đành phải đi nhờ ngõ nhà hàng xóm vào nhà mình”.
Xung quanh những bức xúc của người dân, ông Nguyễn Tiến Dũng-quyền Chủ tịch UBND xã Ia Sao-cho biết: Đoạn đường qua thôn Tân An bị ngập úng từ lâu nên người dân cũng rất bức xúc. Vì vậy, UBND xã đã báo cáo UBND huyện xem xét sửa chữa và làm mương thoát nước trên đoạn đường này. Qua nhiều lần khảo sát, UBND huyện, xã, Ban Nhân dân thôn Tân An và người dân đã thống nhất phương án múc mương thoát nước dọc theo 2 bên đường. Ban Nhân dân thôn cũng đã họp dân vào cuối năm 2018 để thống nhất triển khai làm mương thoát nước. Tuy nhiên, do kinh phí của huyện còn hạn hẹp nên thống nhất theo phương án “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Do đó, đối với những đoạn có đường vào làng, ngã ba, ngã tư thì Nhà nước lắp đặt cống thoát nước, còn đoạn trước nhà dân thì người dân tự lắp đặt cống thoát nước. “Trong quá trình triển khai cũng có thể xảy ra bụi, mương thoát nước chưa hoàn thành sẽ có chỗ sâu, chỗ nông… Trước những ý kiến của một số người dân, UBND xã tiếp tục giao cho Ban Nhân dân thôn Tân An tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và cùng chia sẻ với Nhà nước nhằm sớm hoàn thành công trình”-ông Dũng cho biết thêm. 
Được biết, ngày 23-4-2019, UBND huyện Ia Grai có Quyết định số 290/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật công trình sửa chữa tuyến đường từ xã Ia Yok đi xã Ia Sao (đoạn từ cầu làng Bồ đến UBND xã Ia Sao); mương thoát nước qua thôn Tân An (xã Ia Sao) với chiều dài hơn 815 m (nhánh 1 có chiều dài hơn 685 m, nhánh 2 có chiều dài hơn 129 m). Công trình được giao cho Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 829,6 triệu đồng. Công ty TNHH một thành viên Lâm Kim Gia Lai là nhà thầu thi công. Ông Tài Văn Trung-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ia Grai-cho hay: Cuối năm 2018, đoạn đường này đã được kiểm tra đề xuất làm mương thoát nước dọc 2 bên nhưng phải đến đầu năm 2019 mới có kinh phí để làm. Trước khi triển khai, Phòng đã xuống mời Ban Nhân dân thôn, Bí thư chi bộ thôn và lãnh đạo xã Ia Sao thống nhất theo hướng “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trước khi thi công, Phòng đã giao UBND xã phối hợp với Ban Nhân dân thôn họp dân để thông báo cho nhân dân biết, thực hiện. Hiện công trình vẫn đang triển khai thi công, chưa hoàn thành nên chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại những chỗ chưa hợp lý để điều chỉnh lại.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.