Tháo gỡ vướng mắc cho Khu Công nghiệp Nam Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 8-12-2019, Khu Công nghiệp (KCN) Nam Pleiku chính thức được khởi công, mở ra triển vọng về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, Dự án đang có khả năng bị chậm do vướng về tiền thuê đất.

Ngày 3-9-2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư “Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Pleiku”. Dự án do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư (giao cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê thực hiện) với quy mô 191,55 ha, thời hạn thực hiện là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án có tổng số vốn đầu tư trên 517,5 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư khoảng 155,3 tỷ đồng và huy động khoảng 362,2 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện Dự án nằm trên địa bàn xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) và xã Ia Băng (huyện Chư Prông).

 Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Pleiku đang vướng về chính sách tiền thuê đất. Ảnh: Hà Duy
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Pleiku đang vướng về chính sách tiền thuê đất. Ảnh: Hà Duy


Dự án được chia làm 2 giai đoạn, thực hiện trong vòng 4 năm (2020-2024). Giai đoạn 1, khoảng 124,46 ha, chiếm trên 62% diện tích; giai đoạn 2, trên 67 ha, chiếm gần 38% diện tích. Đến thời điểm này, Dự án đã hoàn thành hạng mục rà phá bom mìn, vật nổ; hoàn thành hệ thống giao thông, thoát nước tuyến đường D1, D2, D5; đã duyệt hồ sơ mời thầu hệ thống xử lý nước thải công suất 2.000 m3/ngày đêm. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, Dự án sẽ hoàn thiện các hạng mục hệ thống giao thông, thoát nước tuyến đường D4, D9; hệ thống mương thoát nước ngoại biên; hệ thống điện; hệ thống cấp nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy; điện chiếu sáng...

Tuy nhiên, Dự án đang vướng về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất khiến tiến độ bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Đăng Khoa-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: Dự án này không đáp ứng điều kiện được miễn, giảm tiền thuê đất. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào đây sẽ phải chịu mức giá thuê đất hơn 16.000 đồng/m2/năm và mức thuế hơn 4.000 đồng/m2. Cùng với các khoản chi khác như: điện, nước, xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy... thì đây là chi phí khá cao sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư.

Để hỗ trợ nhà đầu tư, ngày 4-2-2021, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Pleiku. Trong công văn trả lời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm: Đây là dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính để được hướng dẫn việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư. Tiếp đến, ngày 30-3-2021, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để được hướng dẫn việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án này. Đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản trả lời.

Trong một diễn biến liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có công văn đề nghị Cục Thuế tỉnh cho ý kiến về vấn đề thuê đất tại KCN này. Ngày 22-4-2021, Cục Thuế tỉnh có công văn phúc đáp với nội dung là dự án này không thuộc trường hợp được hưởng những chính sách ưu đãi về tiền thuê đất. Cụ thể, theo Điều 62 Luật Quản lý thuế ngày 13-6-2019, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê không thuộc trường hợp được gia hạn tiền thuê đất đối với diện tích đất KCN Nam Pleiku và theo Điều 2 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ, đơn vị này cũng không thuộc đối tượng được gia hạn tiền thuê đất năm 2021.

Ông Huỳnh Văn Bảo-Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam-cho hay: “Nếu được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế phù hợp, chủ đầu tư KCN Nam Pleiku sẽ chịu trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê đất trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng Dự án. Trên cơ sở kết cấu hạ tầng đã thực hiện, các doanh nghiệp triển khai đầu tư trong KCN sẽ ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường để xây dựng nhà xưởng và các công trình khác phục vụ sản xuất kinh doanh, trực tiếp thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho cơ quan quản lý thuế của địa phương và được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo địa bàn và lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư; được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định cùng với những chính sách ưu đãi khác để thu hút đầu tư của tỉnh. Còn KCN Nam Pleiku chỉ thu phí sử dụng cơ sở hạ tầng”.

Được biết, hiện có hơn 10 nhà đầu tư liên hệ, đăng ký với chủ đầu tư KCN Nam Pleiku với diện tích lấp đầy gần 70%. Tuy nhiên, vì nhiều lý do (trong đó có trở ngại về miễn giảm thuế thuê đất) nên vẫn chưa có đơn vị nào triển khai các thủ tục tiếp theo để xây dựng cơ sở tại KCN này.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.