Thế nhưng, thành tích không chỉ nằm ở con số mà còn rất nhiều tín hiệu đáng mừng khác.
Đầu tiên là vốn FDI đang đi đúng hướng, chuyển dần từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành sử dụng chất xám, đặc biệt là vào những ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Sự dịch chuyển này cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng tay nghề của lao động VN lên một mặt bằng mới.
Nhiều thập kỷ qua, lao động giá rẻ là lợi thế của VN nhưng giờ đây, chúng ta đang nỗ lực thay đổi, không chỉ để cạnh tranh thu hút vốn FDI với các quốc gia khác mà còn để cải thiện thu nhập của người lao động nội địa trong kỷ nguyên số.
Thứ hai, trong rất nhiều nền kinh tế cùng mời gọi, VN được các nhà đầu tư lựa chọn chứng tỏ môi trường kinh doanh, môi trường sống của chúng ta có nhiều ưu điểm. Thực tế trong 2 năm qua, Chính phủ đã quyết liệt cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính, pháp lý, hạ tầng... Liên tục các cuộc gặp gỡ của người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo chính quyền địa phương với các tổ chức, doanh nghiệp ngoại để lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Chính phủ hành động và cam kết là điều mà hầu hết các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều cảm nhận rất rõ. Tất nhiên bên cạnh đó, không thể không nhắc đến môi trường vĩ mô ổn định, môi trường sống có chi phí hấp dẫn và mức thu nhập tốt đã được nhiều tổ chức uy tín trên thế giới thống kê, khảo sát và công bố.
Thứ ba, trong bản đồ thu hút vốn FDI, có thêm nhiều "gương mặt" mới. Đơn cử như Bình Phước lần đầu vào tốp 10; Nghệ An vươn lên thứ 8... trong nửa năm 2023. Cho thấy sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các địa phương, từ đó tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch ngày càng đồng đều trên cả nước. Từ đó, đóng góp vào sức hấp dẫn chung của VN trên bản đồ thu hút vốn FDI trong khu vực và trên thế giới.
Một điểm không thể không nhắc đến là sự trở lại ấn tượng của 2 cực tăng trưởng lớn nhất trên cả nước là Hà Nội và TP.HCM. Nếu Hà Nội dẫn đầu về thu hút vốn FDI trong 8 tháng năm 2023 thì xét về số lượng dự án, TP.HCM là quán quân. Đây là 2 TP có tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng kinh tế cả vùng cũng như cả nước. Vì vậy, sự "trở lại" này có ý nghĩa và giá trị rất lớn trong việc đóng góp vào phục hồi tăng trưởng kinh tế đất nước.
Dù có nhiều tín hiệu tốt, nhưng thu hút vốn FDI đang chuyển sang một giai đoạn mới khi thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng. Theo đó, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Là nước coi ưu đãi thuế là lợi thế thu hút đầu tư, chúng ta đứng trước những thách thức rất lớn. Để giữ "phong độ", mời gọi được "đại bàng" thế giới đến làm tổ; tiến tới trở thành cứ điểm cho ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, chỉ có cách duy nhất là tạo ra một môi trường cạnh tranh nhất về chi phí, hạ tầng, nhân lực... Đặc biệt, xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững là điều mà chúng ta phải chú trọng trong chiến lược thu hút vốn FDI giai đoạn tới.
Thách thức luôn tạo ra cơ hội và đây chính là cơ hội của VN để đón dòng vốn đầu tư vẫn đang dịch chuyển tìm nơi trú ngụ sau các bất ổn về dịch bệnh, địa chính trị diễn ra trên toàn cầu.