Thành phố Thủ Đức sẽ ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với vị trí và điều kiện sẵn có, khi hình thành, thành phố Thủ Đức sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế TP HCM và khu vực phía Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP HCM đến Thành ủy - UBND TP HCM. Theo đó, Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Những lưu ý từ trung ương
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng việc thành lập thành phố Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án, TP HCM cần lưu ý về quy hoạch chung; nên tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng thành phố Thủ Đức nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng... để có thể tích hợp trong quy hoạch, định hướng chung của TP.

Khi hình thành, thành phố Thủ Đức sẽ có vai trò lớn trong phát triển kinh tế TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khi hình thành, thành phố Thủ Đức sẽ có vai trò lớn trong phát triển kinh tế TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kế đến, để thu hút đầu tư vào thành phố Thủ Đức, TP HCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới, trong việc so sánh không chỉ với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á. Muốn làm được điều này, TP HCM cần làm việc với các bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của thành phố mới. Mặt khác, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được gắn trong quy hoạch chung của TP HCM cũng như quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực.
Ngoài ra, TP HCM cũng cần làm rõ hình thức huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho thành phố Thủ Đức. Nếu có các nguồn lực theo hình thức xã hội hóa thì cần lưu ý đến việc áp dụng hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật, trong bối cảnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hiện đã dừng hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT). Bên cạnh các yếu tố kinh tế, tài chính, do đặc thù của thành phố Thủ Đức tương lai có thể là nơi tập trung đông dân cư, với thành phần đến từ nhiều tỉnh - thành, quốc gia khác nhau, cần thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, đáng sống,… nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Hiến kế từ chuyên gia
Không ít chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, kinh tế đô thị cho rằng quyết định trên của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với thực tế phát triển của TP HCM - một thành phố vốn là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Là người ủng hộ việc thành lập thành phố Thủ Đức ở phía Đông TP HCM, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đây là cơ hội để TP HCM xây dựng những khu đô thị xứng tầm mang tầm vóc thế kỷ. "Để tạo điểm nhấn, điểm khác biệt cho thành phố Thủ Đức so với các thành phố khác như kỳ vọng của trung ương, TP HCM cần có 7 khu đô thị gắn trong quy hoạch chung của TP cũng như quy hoạch vùng" - TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn hiến kế. Theo ông, đầu tiên TP cần xây dựng trung tâm tài chính Thủ Thiêm có tầm như trung tâm tài chính Hồng Kông, Thượng Hải,… với những tập đoàn hàng đầu thế giới. Thứ hai là khu đô thị công nghệ cao với hạt nhân là Khu Công nghệ cao sẵn có, vừa nghiên cứu vừa sản xuất sản phẩm công nghệ.
Thứ ba là khu đô thị đại học với hệ thống ĐHQG TP HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Fulbright Việt Nam, ĐH Nông Lâm, chi nhánh các trường đại học của các tỉnh lân cận… cùng hợp tác, kết nối với nhau để chia sẻ những hạ tầng hiện đại như thư viện số, phòng thí nghiệm quốc tế, khu thể dục thể thao. Ở khu đô thị này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng phải hướng đến mục tiêu là nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam mà TP là mũi nhọn với ít nhất một cụm đại học đạt đẳng cấp quốc tế; giúp nâng cao dân trí, cung cấp nhân sự cho trung tâm tài chính Thủ Thiêm và khu đô thị công nghệ cao.
Thứ tư là xây dựng khu đô thị hoàn toàn mới đó là khu đô thị logistics nằm trong quy hoạch vùng để kết nối các tỉnh lân cận; khi hình thành, khu đô thị sẽ cung ứng dịch vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa cho người dân. Thứ năm là xây dựng thêm khu đô thị sáng tạo mang tính tổng hợp, tạo điều kiện cho những nhà nghiên cứu, sáng chế tận dụng những "tài nguyên" và thông tin của các khu đô thị trên để nghiên cứu sản phẩm mới ứng dụng vào công nghiệp, nhất là khi thành phố Thủ Đức đã có sẵn nhiều khu công nghiệp lớn. Thứ sáu là xây dựng khu đô thị Rạch Chiếc - nơi diễn ra các sự kiện thể dục thể thao lớn của TP, cả nước, thậm chí là tổ chức SEA Games, Thế vận hội…
Cuối cùng là khu đô thị nông nghiệp công nghệ cao cung cấp thực phẩm sạch cho người dân. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, chức năng quan trọng nhất của khu đô thị này là vành đai xanh xung quanh đô thị, lá phổi cho thành phố Thủ Đức. Đây cũng là không gian dành cho nước, phục vụ chống ngập. "Giữa các khu đô thị rất cần những vành đai xanh, sạch. Đây là xu hướng phát triển rất mạnh của các nước" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ông Diệp Văn Sơn - nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam, Bộ Nội vụ - nhìn nhận việc thành lập thành phố Thủ Đức còn góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế phù hợp với chủ trương của Đảng và quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Kế hoạch của TP
Để phục vụ cho việc thành lập thành phố Thủ Đức, hồi tháng 4-2020, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP tại quận 2, quận 9, quận Thủ Đức (gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Ban Chỉ đạo gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này... Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ chỉ đạo công tác tăng cường cải cách hành chánh, đổi mới quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp; nghiên cứu kinh nghiệm ở các thành phố lớn của nước ngoài để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu đô thị, hướng đến chuẩn bị thành lập bộ máy hành chính thành phố hướng Đông…
Tiếp theo đó, Chủ tịch UBND TP cũng ký quyết định ban hành Kế hoạch hành động về xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch phát triển đô thị; công tác quản lý phát triển theo định hướng đô thị thông minh, sáng tạo; công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước; công tác phát triển nguồn nhân lực; công tác xây dựng hệ thống chính sách quản lý phát triển, công tác truyền thông. Mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp, UBND TP đều giao cụ thể cho từng sở - ngành, quận thực hiện. 
'Thành phố Thủ Đức sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế. Đồng thời đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế"
TSKH-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN nhận định
Gần 10 năm ấp ủ
Ý tưởng sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để lập thành phố phía Đông theo mô hình khu đô thị sáng tạo, tương tác cao được hình thành gần 10 năm trước. Tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP HCM khóa VIII tháng 9-2013 đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về Đề án thí điểm Chính quyền đô thị TP HCM với 4 đô thị vệ tinh, trong đó có thành phố phía Đông. Tuy nhiên, sau đó, đề án không được thông qua.
Đến đầu năm 2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao nhằm kết nối 3 quận phía Đông thành một hệ sinh thái, đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo.
PHAN ANH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.