(GLO)- Chúng tôi trở lại làng rau An Sơn khi người dân đang tất bật chuẩn bị các khâu chăm sóc để kịp cung ứng cho thị trường Tết. Dọc theo các con đường nhỏ quanh làng, những vườn rau xanh mướt nằm xen lẫn giữa những ngôi nhà bình yên khiến cho những ai qua đây đều cảm thấy thoải mái. Bà Lê Thị An (thôn An Sơn, xã Cư An) đang làm cỏ cho vườn rau của mình cho biết: “Để có được những vườn rau xanh tốt như thế này, chúng tôi phải tỉ mẩn chăm sóc. Cộng với đó, người dân nơi đây đã trải qua mấy chục năm trồng rau, học hỏi được các kinh nghiệm, kỹ thuật nên rau phát triển tốt”.
Những vựa rau xanh mướt được người dân chăm sóc tốt để cung ứng cho thị trường Tết. Ảnh: H.T |
Cũng như nhiều người khác, bà An theo bố mẹ vào đây lập nghiệp từ nhỏ. 15 tuổi, bà đã biết trồng rau, gánh nước và cùng mẹ đi bán rau ở chợ An Khê. “Khi mới vào đây lập nghiệp, người dân chỉ trồng vài ba luống trong vườn để ăn, sau đó, trồng thêm để bán. Hộ ít thì vài ba chục luống, hộ nhiều cũng vài ba sào. Các loại rau được trồng lúc ấy chủ yếu là cà giòn, khổ qua, đậu cô ve, cải ngọt, xà lách và chủ yếu trồng bằng phương pháp thủ công. Khi ấy, trồng rau còn vất vả lắm. Nhất là khâu làm đất, vì thời điểm đó không có trâu bò để cày và cũng không có máy móc như bây giờ nên người dân phải cuốc đất bằng tay. Nước tưới dồi dào, đào ở đâu cũng có nhưng không có máy bơm nước nên người dân phải gánh từng xô nước đi tưới. Rồi rau cũng phải gánh từng gánh về chợ An Khê bán chứ không có xe vào nhập tận nơi như bây giờ”-bà An nhớ lại.
Với thâm niên hơn 30 năm trồng rau, bà Nguyễn Thị Hiền (ở xã Tân An) hiểu rất rõ những thăng trầm của cây rau trên vùng đất này. Theo bà, thời điểm trước đây, rau rất ít khi bị sâu bệnh phá hoại. Thị trường rau ngày đó chỉ bó hẹp trong địa bàn huyện An Khê, sau đó mở rộng thêm ở TP. Pleiku nhưng rau bán ra rất có giá. Phần nữa, do tất cả các khâu trồng rau đều bằng phương pháp thủ công nên chi phí đầu tư ít, lãi rất cao.
“Hồi đó, mỗi lứa rau sau khi thu hoạch, trừ vốn đầu tư chỉ mất 30%, còn lãi 70%. Nhiều hộ nhờ trồng rau mà nuôi được các con ăn học đại học, cao đẳng. Đời sống của người trồng rau cũng vì thế mà luôn đủ đầy. Vào dịp Tết, giá rau được đẩy lên nên người trồng rau thu lãi rất cao. Một gánh rau xà lách bán ra mua được nửa chỉ vàng”-bà Hiền nhẩm tính.
Từ lợi ích trên, trong những năm gần đây, người dân An Sơn không ngừng khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng rau lên đến hàng ngàn ha. Ông Phan Anh (thôn An Sơn, xã Cư An) cho biết: Từ khi có máy bơm nước, nhiều diện tích đất trên cao trồng mì và bắp trước đây đều được bà con chuyển sang trồng rau. Các loại rau trồng cũng phong phú hơn, đặc biệt là có thêm bắp sú-loại rau chưa hề được trồng trước đây. Trung bình, mỗi ngày, làng rau An Sơn cung cấp cho thị trường gần cả trăm tấn, riêng mùa Tết trên 150 tấn/ngày. Nhiều hộ dân làng rau An Sơn đã mua được xe ô tô tải để chở rau đi tiêu thụ. Thị trường của làng rau An Sơn cũng được mở rộng lên TP. Pleiku, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và các tỉnh, thành miền Trung.
Hiện nay, vấn đề chất lượng và đầu ra cho rau vẫn khiến nhiều hộ dân nơi đây trăn trở. Chia sẻ về vấn đề này, ông Anh cho rằng, bây giờ, thị trường ưa chuộng rau đẹp nên ngoài kinh nghiệm trồng rau truyền thống, người dân nơi đây còn áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng những giống mới cho năng suất cao, hình thức đẹp.
“Tuy nhiên, vấn đề chất lượng rau vẫn quan trọng nhất. Vì vậy, những năm qua, người dân nơi đây đã tham gia khá nhiều lớp tập huấn và trồng thử nghiệm một số mô hình rau sạch. Những mô hình này tuy chưa được triển khai đại trà nhưng nhiều nông dân ở đây đã ý thức được việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật, cũng như chuyển sang dùng các loại thuốc trừ sâu vi sinh để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa giảm chi phí sản xuất. Hy vọng, rau An Sơn vì thế sẽ tiếp tục được thị trường ưa chuộng, qua đó mang lại thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân nơi đây”-ông Anh cho biết thêm.
Hồng Thương