Mới đây, Công ty TNHH Vietmode TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức chương trình “Thiếu nhi vẽ tranh AI” với sự tham gia trải nghiệm của 50 học sinh đến từ các trường tiểu học, THCS trong tỉnh. Chương trình được tổ chức với mong muốn giúp các em học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số tiếp cận với AI. Các tác phẩm đặc sắc nhất sẽ được chọn trưng bày tại sự kiện trình diễn trang phục thổ cẩm chủ đề “Gia Lai ơi” của nhà thiết kế Minh Hạnh-Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH Vietmode tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) vào ngày 28-10 tới đây.
Tại chương trình, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng ê kíp thực hiện đã hướng dẫn các em học sinh mô tả một bức tranh theo trí tưởng tượng, sau đó vận dụng vốn tiếng Anh nhập thông tin mô tả nói trên vào phần mềm vẽ tranh ứng dụng công nghệ AI. Càng có nhiều từ khóa, hình ảnh được tạo ra sẽ càng chi tiết, cụ thể và độc đáo hơn. Chỉ sau vài chục giây, có đến 4 tác phẩm khác nhau được hoàn thiện để người dùng tùy chọn bức mà mình ưng ý nhất.
Quang cảnh chương trình “Thiếu nhi vẽ tranh AI”. Ảnh: L.N |
Lần đầu tiên được tiếp cận với công cụ AI nên các học sinh tham gia trải nghiệm rất hào hứng. Các em chọn “vẽ” những khung cảnh, con vật yêu thích trong đời sống thường ngày. Đáp lại, AI làm phần việc của một họa sĩ khá tốt với những nét vẽ bay bổng, cách phối màu hài hòa, sinh động. Từ đây, các em học sinh hiểu rõ hơn về trí tuệ nhân tạo để có thể sử dụng như một trợ thủ đắc lực trong nhiều lĩnh vực. Cũng thông qua đó, các em hình dung về tác động mạnh mẽ của công cụ đến cuộc sống của bản thân và cộng đồng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào AI cũng được tung hô. Năm 2002, việc Jason Allen-một người dùng tại Mỹ được trao giải nhất cuộc thi vẽ tranh kỹ thuật số với bức tranh vẽ bằng công cụ AI đã làm dấy lên cuộc tranh cãi. Trong khi những người khác sử dụng bút vẽ trên máy tính thì Allen ra lệnh cho AI. Từ đó, có ý kiến bày tỏ sự lo ngại: “Chúng ta đang chứng kiến cái chết của nghệ thuật diễn ra ngay trước mắt. Nếu những công việc sáng tạo không an toàn trước máy móc thì ngay cả những việc đòi hỏi kỹ năng cao cũng có nguy cơ trở nên lỗi thời. Chúng ta còn gì sau đó?”.
Vài ngày trở lại đây, ảnh đại diện tạo bằng AI tiếp tục “gây bão” trên mạng xã hội khi hàng loạt người dùng tại Việt Nam thay avatar. Đây là ảnh đại diện được tạo bằng trí tuệ nhân tạo tích hợp trên ứng dụng Zalo, ra mắt đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10). Theo nhà phát triển, ZaloAI Avatar là một tính năng mới giúp người dùng tạo ra những bức hình chân dung cá nhân đẹp. Đáng nói, Zalo còn tung loạt tính năng thú vị như: thiệp yêu thương, sticker, thậm chí là… thơ do AI làm để giúp người dùng bày tỏ tình cảm đến phái nữ trong dịp này. Những tiện ích mang lại rất được hưởng ứng, song lo ngại là con người sẽ lười suy nghĩ, lười bày tỏ cảm xúc do đã có máy móc làm thay.
Trao đổi xung quanh những lo ngại này, thầy giáo tiếng Anh 9X Nguyễn Thái Dương-một hiện tượng mạng xã hội, tham gia cùng ê kíp thực hiện chương trình “Thiếu nhi vẽ tranh AI” tại Gia Lai cũng đồng quan điểm: “Nhiều người lo rằng một ngày nào đó máy tính sẽ thay thế con người, lo rằng chúng ta sẽ thất nghiệp. Ví dụ, từ khi có Google dịch, những người biên dịch, phiên dịch tiếng Anh đã mất việc rất nhiều. Hay từ khi có Chat GPT, những nhân viên sáng tạo nội dung cũng mất đi một ít việc. Và bây giờ vẽ tranh bằng AI thì sao?”.
Dù vậy, bên cạnh thừa nhận ưu điểm của tranh do AI vẽ, thầy giáo 9X này cũng chỉ ra những vấn đề như dữ liệu của AI còn hạn chế nên không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu của người dùng. Đơn cử, khi 1 học sinh tại chương trình đưa ra yêu cầu vẽ một cô gái Bahnar đang chơi đàn trưng thì AI không thể cho ra bức tranh như mong đợi, do từ khóa không khớp với kho dữ liệu của phần mềm. “Các bạn hãy sử dụng AI để thấy rằng máy tính không bao giờ có thể thay thế con người nếu con người luôn luôn học hỏi”-thầy giáo Nguyễn Thái Dương chia sẻ.
Trí tuệ nhân tạo đã chính thức bước ra khỏi những bộ phim giả tưởng để hiện diện rõ nét trong cuộc sống của con người hiện đại, đặc biệt là sau sự xuất hiện của công cụ Chat GPT khiến thế giới kinh ngạc. Những tranh cãi, lo ngại về AI sẽ còn diễn ra cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nó. Nên chăng cũng cần dành sự công tâm nhất định cho AI, như một ý kiến của một người dùng rằng: “Thay vì dè bỉu AI, hãy khen nó một lời là nó quá xuất sắc. Nên tận dụng khả năng của nó ở cách tốt nhất!”.
Thứ duy nhất phân biệt con người và máy móc, xác định thứ bậc con người đứng cao hơn máy móc chính là cảm xúc. Vì vậy, nuôi dưỡng cảm xúc bằng những giá trị sống nhân văn, hướng thiện là điều mỗi người nên hướng tới.