Tạp bút: Sen tháng năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đang trong những ngày tháng 5, tháng của biết bao hoài cảm, suy tư. Tháng 5 vẫy gọi mùa hè theo về trong râm ran tiếng ve sầu, chim chóc, gọi phượng vĩ nhuộm đỏ khung trời bâng khuâng, gọi bằng lăng tím ngát những cung đường.
Đi trong những ngày tháng 5 trong veo, lòng ta như cũng rung lên bao cung bậc của niềm nhớ, của xúc cảm đắm say, vời vợi, khi cơn mưa đầu mùa bất chợt ùa về trong một chiều hanh hao. Bởi thế, không có gì là lạ khi ta gọi tháng 5 là tháng của hoài niệm, chỉ một chút nắng tỏa, một nét hoa vương cũng đủ khiến lòng người thêm xao xuyến. Và ở một góc khác, đượm vẻ trầm tư của phố phường náo nhiệt, những cánh sen hồng vẫn lặng thầm tỏa hương, làm lòng ta cũng bất chợt dịu dàng, thao thiết lạ…
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tháng 5 đánh thức mùa sen nở. Bao giờ ta cũng dành cho sen niềm ưu ái như nâng niu một vẻ đẹp tinh khôi, nhã nhặn. Lòng ta quá đỗi trân quý làn hương thanh tao ấy, làn hương sinh ra từ bùn đất chân phương mà nền nã, dịu dàng. Sen cánh hồng đậm hồn dân tộc, màu của đôi má ửng hồng trên khuôn mặt thiếu nữ thanh tân. Sen cánh trắng trinh nguyên, thuần khiết như màu áo lụa xênh xanh, duyên dáng, làm ta nhớ quá tà áo dài uyển chuyển, vành nón lá mơ màng xứ Huế. Sen lặng thầm nở trên đất bùn đẫm vị phù sa, cũng nhẹ nhàng điểm tô lên bức tranh tháng 5 nét đẹp của trắng trong, thơm thảo, vừa ý nhị, vừa sâu sắc. Và khi đứng trước sen, lòng ta như lắng xuống, chỉ còn vị ngọt của bình yên thẳm sâu trong tâm hồn. Vẻ tĩnh lặng của sen như níu kéo ánh nhìn, màu hồng cánh sen, màu của tấm lòng son sắt, làm bừng thức trong ta bao suy tưởng…
Những gánh hàng hoa từ các nẻo đường quê được chở vào phố thị và giỏ sen của cụ bà tóc lưa thưa sợi thời gian vẫn làm ta nhớ mãi. Khiêm tốn ở một góc đường dưới tán cây bàng già, bà ngồi bên chiếc giỏ tre đựng những búp sen bọc trong lớp lá xanh, khe khẽ tỏa hương. Dừng chân chọn một bó sen còn đọng giọt sương sớm, ta như thấy phảng phất đâu đây là mùi hương của những đóa sen quê nhà, lưu lại nơi miền thơ ấu. Chợt nhận ra dáng ngoại ta ngồi cũng khắc khoải bao chiều mưa-nắng, con tim thoắt nhiên hẫng một nhịp nhớ thương. Vườn nhà ngoại cũng có một bờ ao nhỏ, tháng 5 về sen nở thấp thoáng mặt ao, dệt vào gió làn hương xa vắng, gọi đàn bướm vàng lượn vòng xôn xao. Ta nhớ vị trà ngoại pha chắt chiu hương sen tinh khiết, những sớm mai trong lành chỉ có tiếng bếp lửa reo tí tách, tiếng gà gáy xôn xao, tiếng gió vờn xào xạc, nghe an nhiên quá đỗi. Và ta thầm cảm ơn sen đã nhẹ nhàng dắt ta về với nguồn cội.
Đi trong những ngày tháng 5, ta làm sao quên được ngôi làng bình dị với cái tên gợi bao thương nhớ: Làng Sen. Nơi đó chính là quê hương, là mạch nguồn sinh ra một nhân cách lớn, một tượng đài kiên trung, bất khuất, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tim mỗi người con đất Việt, ai mà không nhớ ngày 19-5, ngày sinh của Bác, cũng là vào mùa sen nở. Những đóa sen nở tỏa làn hương trong lành, tinh khiết, như tấm lòng của thiên nhiên kính dâng lên Người với tất cả những thảo thơm, tinh túy. Mỗi khi bắt gặp những đóa sen đằm thắm, “nhị vàng bông trắng lá xanh”, ta lại nghĩ về Bác, về cốt cách thanh cao, bình dị, về trái tim mênh mông tình yêu thương của Người. Và, trong tiềm thức lại vang lên lời thơ đã thuộc nằm lòng của nhà thơ Tố Hữu: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”...
 TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.