Những ngày qua, dư luận tại tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm thông tin 2 “khu du lịch chui” bất ngờ mọc lên ở khu vực suối Chà Cùng và suối Chà Rào (nằm giữa rừng phòng hộ thuộc thôn Long Sơn, xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh).
Nhiều người dân địa phương tự phát dựng sạp, dựng cầu, mở dịch vụ cho thuê thuyền hơi, ăn uống, tham quan… tại khu vực này, mà chính quyền địa phương và ngành chức năng… không hề hay biết!
Cầu được dựng trái phép ở khu vực suối Chà Cùng. Ảnh: Bá Cường |
Mãi đến ngày 4.5, lãnh đạo UBND xã Trường Sơn mới trực tiếp vào ghi nhận hiện trường. Qua kiểm tra, chính quyền địa phương cho hay cả 2 “khu du lịch” đều không có giấy tờ cấp phép khai thác du lịch. Chính quyền, Ban quản lý rừng phòng hộ H.Quảng Ninh cùng các đơn vị liên quan cũng đã nhận thấy sai sót trong công tác quản lý và sẽ lên kế hoạch phương án quản lý rừng bền vững, không để trường hợp tương tự xảy ra.
Đối với công tác xử lý, ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết sẽ cho tạm dừng hoạt động 2 “khu du lịch” (chưa đề xuất mức xử phạt kèm theo). Nhưng bất ngờ hơn, vị này cũng thông tin rằng chính quyền sẽ lập một đề án khai thác tham quan du lịch tại 2 khu vực trên và gửi lên cơ quan có thẩm quyền, nếu được phê duyệt sẽ cấp phép cho hoạt động trở lại…
Chính phát biểu này làm dư luận dấy lên câu hỏi: Phương án xử lý của địa phương có tạo tiền lệ cho việc làm du lịch… chui? Bởi du lịch cần phải có quy hoạch và việc phát triển du lịch phải phù hợp với quy hoạch đã có trước đó, chứ chính quyền và ngành chức năng không thể “linh động” phát triển du lịch theo kiểu “chạy theo” hay “đẽo cày giữa đường”.
Liên hệ với sự việc cụ thể nêu trên, nếu như các cá nhân, tổ chức đều “làm chui”, bỏ qua các quy định của pháp luật để làm du lịch và rồi chỉ bị tạm dừng để chính quyền “nghiên cứu” cho ra đề án tạo điều kiện để họ tiếp tục hoạt động, thì không những phá vỡ quy hoạch du lịch mà còn làm giảm tính uy nghiêm của kỷ cương phép nước.
Theo Nguyễn Phúc (TNO)