Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hàng không

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 10-1, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia chủ trì hội nghị.

 

Tại điểm cầu Gia Lai, bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông-Vận tải, năm 2019, cả nước có 218 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (tăng 38 tàu bay so với năm 2018) thuộc 9 đơn vị khai thác, trong đó: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (102 tàu bay), Công ty cổ phần Hàng không VietJet (68 tàu bay), Công ty cổ phần Hàng không Jestar Pacific (18 tàu bay)… Số lượng trực thăng đăng ký quốc tịch Việt Nam là 31 chiếc (tăng 2 chiếc so với năm 2018). Cả nước có 22 sân bay có hoạt động bay dân dụng, trong đó có 10 sân bay quốc tế.

 Toàn cảnh điểm cầu Gia Lai tham gia hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Ảnh: Lê Hòa
Toàn cảnh điểm cầu Gia Lai tham gia hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Ảnh: Lê Hòa



Trong năm 2019, sản lượng điều hành bay đi/đến đạt 458 ngàn chuyến bay (tăng 11,9% so với cùng kỳ), điều hành bay quá cảnh đạt 419 ngàn chuyến (tăng 2,5%). Sản lượng hành khách thông qua các Cảng hàng không đạt 106 khách (tăng 12,1%); trong đó khách quốc tế đạt 38 triệu khách (tăng 14,2%), khách nội địa đạt 68 triệu khách (tăng 8,9%). Sản lượng hàng hóa thông qua các Cảng hàng không đạt 1,4 triệu tấn; trong đó hàng hóa vận chuyển quốc tế đạt 943,6 ngàn tấn, hàng hóa vận chuyển nội địa đạt 468,5 ngàn tấn (giảm 3,3%). Vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 50,3 triệu khách (tăng 11,5%), trong đó có 16 triệu khách quốc tế (tăng 12,4%) và 34,2 triệu khách nội địa (tăng 11%); vận chuyển hàng hóa đạt 404 ngàn tấn (tăng 10,2%)… Về an toàn hàng không, trong tổng số 337 báo cáo an toàn bắt buộc có 89 sự cố (tăng 10 sự cố so với cùng kỳ 2018); trong đó có 1 sự cố nghiêm trọng, 9 sự cố uy hiếp an toàn cao và 79 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn.

Về vi phạm an ninh hàng không, tính đến hết tháng 11-2019, tại các cảng hàng không trên cả nước đã xảy ra 731 vụ vi phạm an ninh hàng không (tăng 56 vụ so với cùng kỳ), trong đó nổi cộm là các vụ việc trộm cắp tài sản, hành lý, hàng hóa; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay; thẻ, giấy kiểm soát an ninh hàng không; gây rối trật tự, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không… Các hãng hàng không và các đơn vị liên quan triển khai cấm vận chuyển có thời hạn bằng đường hàng không đối với 28 trường hợp có hành vi phát ngôn có bom, sử dụng giấy tờ mang tên người khác để đi tàu bay, không tuân theo hướng dẫn của tiếp viên và vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không sân bay.

Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị, cơ quan thành viên Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia, doanh nghiệp vận tải hàng không đã trình bày, phân tích các nguy cơ uy hiếp, an ninh và an toàn hàng không, tập trung vào các nguy cơ tội phạm tấn công qua hệ thống an ninh mạng, khủng bố, vật thể bay không người lái, tội phạm trộm cắp trên máy bay…


Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Nhờ đó, công tác đảm bảo an toàn hàng không của ngành hàng không cơ bản được đảm bảo tốt, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm lễ, Tết, tiếp tục duy trì 23 năm liên tục không xảy ra tai nạn tàu bay có thiệt hại về người… Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, trong thời gian đến, bên cạnh tiếp tục phát huy công tác đảm bảo an ninh và an toàn hàng không, các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng công tác đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng hàng không; rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định về vận tải hàng không, an ninh và an toàn hàng không; chú trọng gia tăng tính liên kết, phối hợp trong thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Các hãng hàng không tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ trong ngành hàng không, tránh thiếu hụt lao động dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng...

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.