"Tạm ứng" giá bèo... rồi biến đất sang kinh doanh thương mại ?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Người dân bị thu hồi hàng chục ngàn mét vuông đất để thực hiện dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên chức, nhưng sau đó dự án lại về tay một chủ đầu tư nước ngoài và chuyển sang kinh doanh thương mại gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là những người bị thu hồi đất.
Khu đất thu hồi làm dự án đã 9 năm vẫn chưa thực hiện xong việc đền bù cho người dân. ẢNH: T.X
Khu đất thu hồi làm dự án đã 9 năm vẫn chưa thực hiện xong việc đền bù cho người dân. ẢNH: T.X
9 năm vẫn chưa thanh toán đủ cho người dân
Mới đây, luật sư (LS) Quách Thế Minh, thuộc Đoàn LS TP.HCM, hiện là Trưởng văn phòng LS Quách Nguyễn, đại diện cho người dân bị thu hồi đất tại Dự án Sen Việt Công Thương đã đến Báo Thanh Niên phản ánh người dân liên tục khiếu nại cầu cứu các cơ quan chức năng về việc Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở sinh thái Sen Việt Công Thương (gọi tắt dự án, tại xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) thay đổi mục đích sử dụng, chưa đền bù đầy đủ cho người bị thu hồi đất.
Trước ngày 30.1 tham mưu UBND huyện xử lý dứt điểm vụ việc
UBND H.Nhơn Trạch mới đây có công văn gửi Trung tâm phát triển quỹ đất huyện yêu cầu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ thu hồi, bồi thường. Đồng thời làm rõ thời điểm bàn giao các quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và kết quả giải quyết chi trả bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Minh Hòa để tham mưu, đề xuất UBND huyện xử lý dứt điểm các nội dung yêu cầu của bà Hòa. Thời gian thực hiện trước ngày 30.1.
Dự án này có vị trí đắc địa khi giáp với TP.HCM, đang được nối liền bằng cầu thay thế bến phà Cát Lái (Q.2). Dự án trước đây nhằm xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên một ngân hàng (NH). Thế nhưng sau khi đổi chủ sang một liên doanh nước ngoài, dự án đã “biến” thành kinh doanh thương mại dù vẫn mang tên là Công ty cổ phần đầu tư Sen Việt Công Thương, với giá lên đến vài chục triệu đồng/m2. Điều này khiến người dân bức xúc khiếu nại nhiều nơi, đến nay đã trải qua 9 năm trời vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Minh Hòa (TP.HCM), năm 2011, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sen Việt Công Thương Nguyễn Chí Đông đại diện ký các văn bản với bà, theo đó gia đình bà giao diện tích hơn 50.000 m2 đất của gia đình tại xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai để phía Công ty cổ phần đầu tư Sen Việt Công Thương thực hiện dự án. Bà Hòa cho biết gia đình bà đồng thuận vì dự án được Chính phủ phê duyệt để làm khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên một NH thuộc nhà nước. Chính quyền địa phương là UBND H.Nhơn Trạch cũng động viên gia đình bà đồng ý, dù năm 2011 Công ty cổ phần đầu tư Sen Việt Công Thương chưa hề có quyết định giao đất của UBND tỉnh Đồng Nai.
“Khi đó số tiền gọi là “tạm ứng” ghi rất rõ trong các văn bản là 175.000 đồng/m2. Gia đình bà Hòa đã nhận tạm ứng. Nhưng sau này dự án thay đổi chủ đầu tư là một liên doanh nước ngoài, chứ không còn xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên một NH lớn trực thuộc nhà nước nữa, nên người dân bị thu hồi đất rất bức xúc”, LS Quách Thế Minh trình bày.
Đáng nói, theo LS Minh, năm 2011, dự án chưa có đơn giá bồi thường nhưng UBND H.Nhơn Trạch đã ra quyết định cho phép tạm ứng tiền cho các hộ dân trong diện bị ảnh hưởng. Tất cả các giấy đề nghị thỏa thuận đều ghi rõ sau khi có đơn giá bồi hoàn cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư Sen Việt Công Thương sẽ thanh toán tiếp. Đến năm 2012, UBND tỉnh Đồng Nai mới ban hành quyết định về giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư Sen Việt Công Thương để thực hiện dự án, nhưng từ đó đến nay đã 9 năm trôi qua, gia đình bà Hòa vẫn chưa được thanh toán tiếp như trong các giấy thỏa thuận đã ký. Bức xúc, bà Hòa đã có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng.
Giá nào là thỏa đáng ?
LS Quách Thế Minh cho biết ngày 11.8.2020, Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND H.Nhơn Trạch có văn bản trả lời: “Hộ bà Hòa có 49.523 m2 đất bị thu hồi. Số tiền hỗ trợ thêm tiền đền bù cho các hộ dân 1,5 triệu đồng/m2 là không có cơ sở để thực hiện”. Không đồng tình với văn bản này, LS Minh phản bác: “Hộ bà Nguyễn Thị Minh Hòa bị thu hồi diện tích hơn 50.000 m2, vậy mà văn bản của Trung tâm phát triển quỹ đất lại cho rằng 49.523 m2 là một sai sót đáng tiếc và rất nghiêm trọng. Tất cả các hợp đồng đều ghi rất rõ và cụ thể đó là thỏa thuận tạm ứng. Người dân cũng chỉ mới được tạm ứng số tiền 175.000 đồng/m2 vào năm 2011. Như vậy, tính theo giá bồi hoàn của UBND tỉnh Đồng Nai, theo quyết định giao đất cho chủ đầu tư năm 2012 đã là 175.000 đồng/m2 nhân với 1,5 lần và cộng phần hỗ trợ của chủ đầu tư cho người dân là hoàn toàn hợp lý và phù hợp theo luật pháp đã quy định”.
Ngày 29.12.2020, tại buổi làm việc với Ban tiếp công dân UBND H.Nhơn Trạch do ông Phan Thanh Quang, chuyên viên đại diện, LS Quách Thế Minh yêu cầu: “UBND H.Nhơn Trạch xem xét tổ chức làm việc với chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Sen Việt Công Thương để hỗ trợ thực hiện nhanh chóng thương lượng bồi thường tiếp cho gia đình bà Nguyễn Thị Minh Hòa theo luật Kinh doanh Bất động sản với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/m2 đối với phần đất của bà Hòa đã ký bàn giao cho chủ đầu tư có tổng diện tích 52.698 m2 trong dự án nói trên”.
Ban tiếp công dân UBND H.Nhơn Trạch đã ghi nhận nội dung yêu cầu của LS Quách Thế Minh để tham mưu đề xuất UBND H.Nhơn Trạch xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Theo Thanh Xuân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.