Mới đây, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đi kiểm tra thực tế hộ của chị N.T.K.D tại P.Bình Chiểu (TP.Thủ Đức), người đã phản ánh 7 lần qua Tổng đài 1022 về gói hỗ trợ Covid-19.
Qua kiểm tra, đoàn giám sát nhận thấy gia cảnh chị D. rất khó khăn, thuê trọ. Chị D. bán vé số, còn chồng chị làm bốc xếp tự do. Tuy nhiên, vì chưa đăng ký tạm trú nên cả hai vợ chồng đều không được hỗ trợ theo diện cho đối tượng lao động tự do (cả 2 đợt là 3 triệu đồng/người) mà chỉ được soát xét vào gói đợt 3.
Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đi thực tế tại TP.Thủ Đức - Ảnh: Phạm Thu Ngân |
Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM và Công văn 2209/2021 của UBND TP.HCM, lao động tự do được nhận hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện: mất việc làm; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng; làm một trong 6 nhóm ngành nghề như bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, bán vé số... và “phải cư trú hợp pháp trên địa bàn TP.HCM” (thường trú, hoặc có tạm trú được cơ quan công an xác nhận).
Câu chuyện của chị D. không phải hy hữu. Hồi tháng 7.2021 - thời điểm TP.HCM công bố chính sách hỗ trợ Covid-19 đợt 1, nhiều PV đã đặt vấn đề nêu trên. Và đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã dẫn quy định pháp luật cư trú, rằng công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi xã, phường nơi đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên phải đăng ký tạm trú, tức đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của công dân.
Bấy giờ, nhiều người mới vỡ lẽ “vai trò” của đăng ký tạm trú. Không chỉ đi kèm nhiều quyền lợi về giáo dục, đăng ký khám chữa bệnh..., trong trường hợp này, tạm trú trở thành “cơ sở” để lao động hưởng gói hỗ trợ khẩn cấp của chính quyền.
Có thể thấy tầm quan trọng của công dân khi chủ động đăng ký tạm trú, nhưng cũng không thể không kể đến trách nhiệm của chủ nhà trọ trong bất cứ trường hợp nào.
Dẫu vậy, không thể quên trách nhiệm hướng dẫn; quản lý dân cư, nhân khẩu của công an khu vực, chính quyền địa phương. Việc quản lý tốt dân cư trên địa bàn, không phải chỉ để giữ vững an ninh trật tự mà còn thể hiện tính sát sao trong việc quản lý.
Theo LÊ TRỌNG (TNO)