"Tấm áo mới" nào cho diện mạo đô thị dọc sông Sài Gòn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia về đô thị cho rằng cần nhất vẫn là quy hoạch bờ sông Sài Gòn và khu đô thị hai bên sông một cách bài bản rồi mới đi đến bài toán về khai thác kinh tế.
Bài toán quy hoạch, khai thác dọc sông Sài Gòn đang được lãnh đạo TPHCM rất quan tâm. Ảnh: Anh Tú
Bài toán quy hoạch, khai thác dọc sông Sài Gòn đang được lãnh đạo TPHCM rất quan tâm. Ảnh: Anh Tú
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, trong năm 2022 thành phố sẽ hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, thành phố Thủ Đức để trình Chính phủ. Muốn có được một đồ án xứng tầm, lãnh đạo thành phố yêu cầu ngành quy hoạch kiến trúc cần huy động mọi nguồn lực trí tuệ, lắng nghe các ý kiến góp ý của chuyên gia để sớm hoàn thiện đồ án.
Cùng với đó, ngành quy hoạch kiến trúc  thành phố sớm hoàn thiện đề án quy hoạch chung phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn, để làm sao có được con đường chạy dọc sông Sài Gòn từ quận 1 đến huyện Củ Chi nhằm khai thác và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn. Cụ thể, định hướng của TPHCM là sẽ từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh. 
Dưới góc nhìn của các chuyên gia về đô thị, để khai thác hiệu quả sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ, phải có tiêu chí rõ ràng theo một hệ thống xuyên suốt, cần một quy hoạch tổng thể trọn vẹn trên cơ sở định hướng phát triển bền vững và có đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo lộ trình đề ra, tránh tư duy nhiệm kỳ.
Theo đó, là hành lang pháp lý minh bạch và công bằng để kêu gọi các đối tác tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm năng thực lực tham gia xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng cùng với chuỗi giá trị văn hóa, di tích, lịch sử, du lịch song hành phát triển kinh tế bền vững gắn với khai thác sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ.
Nên là không gian mở, càng nhiều người tiếp cận càng tốt
KTS Ngô Viết Nam Sơn là người đã có nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề này và ông đặc biệt nhấn mạnh về việc TP.HCM làm quy hoạch ven sông tốt cũng là cơ hội để tạo khu vực không gian công cộng sông nước phục vụ người dân. Việc tổ chức khai thác kinh tế dịch vụ là một phần của quy hoạch, trọng tâm là đánh giá được quỹ đất ven sông Sài Gòn hiện nay và từ đó đưa ra được định hướng giao thông kết nối. Quy hoạch ven sông Sài Gòn phải nhìn rộng hơn.
KTS Nguyễn Ninh, thuộc Hiệp hội KTS TPHCM cho rằng sông Sài Gòn cùng hai bên bờ vốn là tài sản vô giá nên là không gian mở, càng nhiều người tiếp cận càng tốt. Như vậy, khác với các quy hoạch chủ yếu thiên về bất động sản, ưu tiên đầu tư để kinh doanh và thu hồi vốn theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. Nếu hai bên sông Sài Gòn có cảnh quan thông suốt từ đầu đến cuối, công trình phục vụ cộng đồng, phát triển văn hóa và du lịch, sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn.
"Theo tôi, hiện nay chúng ta cần rà soát lại quy hoạch ven sông, rồi làm đề án khai thác kinh tế, dịch vụ là tín hiệu tốt. Quy hoạch sông Sài Gòn thì phải có tính đặc thù của sông Sài Gòn và phù hợp văn hóa thành phố, cần cải tạo, chỉnh trang đô thị dọc sông, kết hợp với vận tải thủy, khai thác triệt để khu du lịch để phát triển kinh tế. Nếu chúng ta phát triển kinh tế ven sông mạnh mẽ sẽ thu hút khách du lịch và tạo ra các khu đặc thù. Bỏ qua tồn tại cũ và nhìn về cái mới, tầm nhìn tương lai để thành phố phát triển hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên chú ý việc quy hoạch sông Sài Gòn phải gắn liền với nhiệm vụ quy hoạch chung TPHCM trong thời gian tới", KTS Nguyễn Ninh nêu quan điểm.
Tránh phát triển quá nhiều nhà cao tầng lấn át sông Sài Gòn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM nhấn mạnh cần sớm có quy hoạch bờ sông trước để chỉnh trang đô thị bài bản. Ngoài ra, thành phố cũng cần xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất. Thành phố chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành, không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn. Hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững.
Việc khai thác, kinh doanh không gian và quỹ đất ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn. Vì vậy, UBND TP HCM cần có quy chế quản lý, sử dụng khai thác hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, từ đó làm công cụ để tổ chức thực hiện dễ dàng hơn.
GIA MIÊU (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.