Sức hút tháp Bà Ponagar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ít ai du lịch đến thành phố biển Nha Trang mà có thể cưỡng lại một cuộc ghé thăm tháp Bà Ponagar. Tháp được xây dựng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII, xưa kia là một trong những trung tâm tôn giáo của Vương quốc Champa. Đây là một quần thể đền thờ cổ nhất còn khá nguyên vẹn, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo của văn hóa Chăm.

Cách trung tâm chưa đến 2 km, nằm bên dòng sông Cái trữ tình, trên một ngọn đồi Cù Lao hướng ra biển vừa đủ để nhìn bao quát thành phố biển xinh đẹp, vị trí đắc địa của tháp Bà là một di tích trời phú cho Nha Trang. Sự bí ẩn của nghệ thuật điêu khắc, trình độ xây dựng, sự linh thiêng của tượng Bà và huyền thoại của truyền thuyết đã thu hút sự khám phá, nghiên cứu, chiêm bái hơn một ngàn năm nay từ trong nước và quốc tế.

 

Một góc quần thể tháp Bà Ponagar ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: T.Đ
Một góc quần thể tháp Bà Ponagar ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: T.Đ

Theo các nhà nghiên cứu, quần thể tháp trước kia có ba tầng. Tầng thấp là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Tầng giữa gọi là Mandapa, tức là nhà nghỉ, nhà tĩnh tâm, dành cho khách hành hương chuẩn bị lễ vật. Mandapa hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 m và cao hơn 3 m. Ở hai bên các dãy cột lớn có 12 cột nhỏ và thấp hơn. Tầng trên cùng là nơi các tháp được xây dựng thờ các vị thần đạo Hindu thuộc Ấn Độ giáo. Phía trước là ngôi tháp chính, ngọn tháp cao nhất thờ Bà Ponagar và được lấy tên để chỉ chung quần thể đền tháp này. Các tháp khác thờ thần Siva (một trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo), thần Sanhaka, thần Ganesha...

Cũng như những tháp Chăm kéo dài từ Quảng Nam trở vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa..., tháp Bà mang đầy đủ những nét tinh hoa, điêu luyện của trình độ kiến trúc mang văn hóa, tín ngưỡng Champa. Tuy nhiên, đây là tháp hiếm hoi có kiến trúc đa dạng, quần thể nhiều tháp còn khá nguyên vẹn, trong đó có tháp yên ngựa kiểu kiến trúc ở cụm tháp Bánh Ít (Bình Định). Đặc biệt hơn, tháp chính thờ Bà Ponagar (người Việt gọi là Thánh mẫu Thiên Y Ana hay Thánh mẫu Chúa Ngọc) với truyền thuyết khá lý thú.

Theo truyền thuyết, Ponagar (tên đầy đủ là Yang Poh Inư Nagar) là một nàng tiên giáng trần thoát ra từ khúc gỗ kỳ nam có hương thơm ngát. Một hôm, nước biển dâng cao đưa bà vào bến nước Yatran ở cửa sông Kauthara (nay là đồi Cù Lao, sông Cái-Nha Trang). Chính bà tạo ra xóm làng, cung điện, dạy cho người dân biết làm nông, biết cày cấy, kéo sợi, đặt ra các lễ nghi... Từ khi có bà, ruộng nương luôn tươi tốt, đời sống no đủ. Đến một ngày, một con chim hạc từ trên mây bay xuống rước bà về trời. Nhân dân nhớ ơn bà đã xây tháp tạc tượng thờ phụng.

Tháp được xây dựng trên một cù lao, bên kia dòng sông Cái nên vừa gần vừa xa, vừa đời thường vừa tôn kính. Nằm trong tứ đại linh của thành phố, quần thể tháp là một nơi linh thiêng người dân đến chiêm bái, coi là thánh mẫu của sự phồn thịnh. Tháp Bà còn là một điểm nhấn đặc biệt cho khách du lịch. Khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế trong tín ngưỡng của người Chăm, những bức phù điêu vũ nữ tinh xảo, được tận mắt xem lại những vũ điệu Apsara.

Đứng ở tháp Bà nhìn về thành phố như đứng ở nền văn minh cổ xưa nhìn về thời hiện đại, một cảm giác bâng khuâng lẫn niềm tự hào, một đức tin và sự chở che tỏa ra từ Thiên Y Thánh Mẫu.

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.