Sol Vocals: Đong đầy tình yêu âm nhạc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sân chơi âm nhạc “Tìm kiếm giọng hát hay Sol Vocals” vừa khép lại với đêm gala và phần trao giải cho các thí sinh xuất sắc nhất. Sự thành công của chương trình đã khẳng định một điều: Không có sân chơi lớn hay nhỏ, chỉ có tình yêu dành cho âm nhạc ít hay nhiều.
1. Cuộc thi tìm kiếm giọng hát hay được quán Cuội Acoustic (62 Đống Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) khởi xướng mùa đầu vào năm 2014 và duy trì thêm 2 mùa nữa (2016, 2018), làm bật lên những gương mặt âm nhạc đáng chú ý của Phố núi như: Tiến Đạt, Mỹ Dung, Trần Quý, Rơmah Cu Ba, Tường Vy, Hữu Việt, Hoài Anh, Sỹ Luân... Sau đó, vì một số lý do nên quán Sol Acoustic (02 Lương Thạnh, TP. Pleiku) “tiếp quản” cuộc chơi năm 2020. Dù chỉ là sân chơi do một quán cà phê mở ra nhưng nội lực của các giọng ca đủ sức khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.  
Từ 35 thí sinh tham gia thử giọng, tiếp đó loại dần qua các vòng thi thử sức ở nhiều thể loại âm nhạc: ballad, la tinh, funky, rock, dance…, có 8 thí sinh đã lọt vào vòng chung kết. Các thí sinh trải qua 2 phần thi: thể hiện bài hát do Ban giám khảo đưa ra và bài hát tự chọn.
Nếu phần thi tự chọn cho thấy gu âm nhạc tinh tế, hiện đại của các thí sinh, thể hiện qua các ca khúc như: “Đi tìm bóng núi”, “Uncover”, “Em ơi”, “Home”, “Never enough”, “Rời”… thì qua phần thi do giám khảo đưa ra, sự ứng biến của từng người đã bộc lộ rõ. Kim Như khoe nội lực mạnh mẽ, giọng hát kỹ thuật qua bài “Việt Nam những chuyến đi”. Diễm Quỳnh khiến khán giả “đứng ngồi không yên” với chất giọng rất đẹp, điêu luyện qua ca khúc “Dệt tầm gai”. Thùy Dương, Thùy Linh thu hút bằng sự trong trẻo với “Phố cổ”, “Son”. Đôi song ca Phương Thanh-Thanh Tú nhận những tràng pháo tay tưởng thưởng xứng đáng nhờ bè phối ăn ý trong “Nắng chờ”. 
Diễm Quỳnh (thứ 2 từ phải sang) nhận danh hiệu quán quân của cuộc thi. Ảnh: Phương Duyên
Diễm Quỳnh (thứ 2 từ phải sang) nhận danh hiệu quán quân của cuộc thi. Ảnh: Phương Duyên
Theo dõi phần biểu diễn của các thí sinh, ca sĩ Trần Quý-Á quân mùa đầu, hiện công tác tại Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-nhận xét:“Đến đây, tôi như được sống lại không khí của cuộc thi từ nhiều năm trước. Phải nói rằng, các bạn trẻ rất tài năng, hơn hẳn chúng tôi ngày trước. Ai cũng có màu sắc riêng, ứng biến rất tốt trong cách xử lý ca khúc”.

Cùng với phần điểm cộng của mỗi thí sinh từ số lượt like, share trên Facebook, bộ ba giám khảo: ông Trịnh Duy Côn-nhà kinh doanh âm nhạc, MC Hoàng Nam, ThS. Trần Trọng Tính-giảng viên Âm nhạc Trường Cao đẳng Gia Lai đã chọn ra quán quân và 2 á quân của chương trình. Diễm Quỳnh (học sinh lớp 12B4, Trường THPT Pleiku), thí sinh được ca sĩ Minh Nguyệt nhận xét là “có tiết mục xuất sắc, giọng hát quá đẹp, như thể âm nhạc ngấm sẵn trong người” đã trở thành quán quân. Á quân 1 là Kim Như-sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng Gia Lai. Đôi song ca Phương Thanh-Thanh Tú được trao danh hiệu Á quân 2; đáng nói, đây cũng là 2 học sinh đến từ Trường THPT Pleiku.

Chia sẻ về bí quyết thể hiện thành công ca khúc “Dệt tầm gai” vốn đòi hỏi kinh nghiệm sống dày dặn và kỹ thuật điêu luyện, Diễm Quỳnh cho biết: “Từng xem trích đoạn “Súy Vân giả dại” trong một vở chèo nên em hiểu phần nào tâm trạng một phụ nữ khi yêu và khá nhập tâm khi biểu diễn. Hơn nữa, gần đây, em có tham gia một lớp thanh nhạc nên tự tin hơn”.
Nhận xét về sân chơi này, Phương Thanh-Thanh Tú khẳng định: Đây là một cuộc thi rất bổ ích dành cho giới trẻ, là bước đệm để các em trau dồi năng khiếu với quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
2. Đi cùng cuộc thi mới nhận ra rằng, có một đời sống âm nhạc luôn âm thầm chảy, dưới vẻ phẳng lặng thường ngày của Phố núi. Từ nguồn xã hội hóa, những sân chơi như thế đang tạo nên sức hút trong giới trẻ. 
Các thí sinh xuất sắc lọt vào vòng chung kết của cuộc thi. Ảnh: Phương Duyên
Các thí sinh xuất sắc lọt vào vòng chung kết của cuộc thi. Ảnh: Phương Duyên
Cũng như cuộc thi Cuội Idol trước đây, Sol Vocals có sự tự nguyện giúp sức của rất nhiều thành viên. Ban nhạc gồm 7 người với 1 piano, 2 guitar acoustic, 1 guitar bass, 1 trống pongo, 1 trống cajon và 1 violin, tất thảy đều là tay ngang. Người kinh doanh, người là bác sĩ, chủ quán ăn, tài xế taxi, thợ sắt… tham gia chương trình chỉ vì niềm đam mê với âm nhạc. Họ biểu diễn cùng nhau ăn ý, không khác gì những nhạc công thực thụ, chuyên nghiệp.
Ca sĩ Tiến Đạt và Quang Minh là những huấn luyện viên đầy tâm huyết dù không thù lao, giúp các thí sinh tiến bộ từng ngày. Các giám khảo và MC Phan Duy Hảo đều vui lòng làm “không công”. Kinh phí trao giải do quán và một số Mạnh Thường Quân tài trợ. Tất cả đều tự nguyện, mỗi người một tay để mang đến thành công cho chương trình. Điều đó lý giải vì sao đêm thi nào khán giả cũng đến chật kín không gian Sol Acoustic.
Anh Hà Trấn Sơn-cổ đông của quán, từng là giám khảo 3 mùa đầu-bày tỏ: “Sân chơi này mấy anh em tham gia cùng nhau lâu rồi. Chúng tôi thấy cần thiết duy trì để nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho các bạn trẻ, tạo môi trường sinh hoạt, giải trí lành mạnh. Vì vậy, ai cũng tích cực chung sức”. 
Trong điều kiện Gia Lai nói chung, Pleiku nói riêng đang thiếu sân chơi cho thanh-thiếu niên, nỗ lực ấy của anh Sơn và cộng sự rất đáng được ghi nhận, cổ vũ.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.