Emagazine

E-magazine Sôi động mùa du lịch cuối năm



Ngay từ đầu tháng 10, “chợ du lịch” đã vô cùng sôi động với tour “Tây Nguyên mùa hoa dã quỳ”. Các đơn vị lữ hành trong tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đều có chương trình để chào đón mùa du lịch cao điểm. Ông Nguyễn Vũ Quang-Giám đốc Ban Mê Xanh Travel (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak) cho biết: Mùa hoa dã quỳ cũng là thời điểm du lịch Tây Nguyên sôi động nhất trong năm. Vào mùa này, ở khắp các cung đường tràn ngập khách tham quan. Những dải hoa vàng rực khắp các triền đồi và thảo nguyên, vài ngôi nhà gỗ nhỏ nép mình sau những vạt hoa vàng trên cung đường xê dịch… vừa làm nổi bật sự kỳ vĩ của thiên nhiên, sự thơ mộng của cuộc sống con người trên cao nguyên bao la. Do đó, mùa hoa dã quỳ không chỉ mang đến cảm xúc cho du khách mà còn cho cả các đơn vị tổ chức tour.

Giám đốc Ban Mê Xanh Travel cho biết thêm: “Gia Lai là địa phương duy nhất trong các tỉnh tạo được điểm nhấn riêng với lễ hội mang tên loài hoa đặc trưng của Tây Nguyên. Trong chương trình tour truyền thống của chúng tôi gồm 3 tỉnh Đak Lak-Gia Lai-Kon Tum, núi lửa Chư Đang Ya là điểm nổi bật vào mùa hoa dã quỳ, nhất là dịp lễ hội này. Những năm trước, Công ty đã đưa nhiều đoàn khách đến lễ hội, chủ yếu là khách miền Bắc. Phản hồi của du khách rất tốt. Phải nói rằng họ cực kỳ ấn tượng với bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ của núi lửa. Vì thế, tour khám phá Tây Nguyên mùa hoa dã quỳ qua các năm cũng thu hút đông du khách hơn nhờ những trải nghiệm hài lòng của người đi trước tác động đến người đi sau”.



Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Ngọc Linh Kon Tum-cho rằng: Gia Lai-Kon Tum như “2 nhà hàng xóm”, việc kết nối các điểm đến của 2 địa phương là tất yếu để đáp ứng trải nghiệm đa dạng của du khách. Công ty cũng có các tour được thiết kế riêng trong mùa hoa dã quỳ để tạo điểm nhấn cho tour ghép Tây Nguyên. “Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya được tổ chức hàng năm tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành chủ động thiết kế tour riêng cho cung trải nghiệm Tây Nguyên tháng 11. Các năm trước, chúng tôi khai thác khá hiệu quả thị trường khách phía Bắc cho tour này vì Tây Nguyên nói chung đang là điểm đến mới hấp dẫn. Chúng tôi sẽ đón khách ở Sân bay Pleiku, cho họ trải nghiệm lễ hội hoa dã quỳ. Trên cung đường này còn thăm thú những danh lam thắng cảnh như: chùa cổ Bửu Minh, hàng thông trăm tuổi, Biển Hồ, sau đó mới đưa khách đi Kon Tum”-ông Long chia sẻ.



Bên cạnh những tác động tích cực đối với thị trường du lịch cuối năm, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Ngọc Linh Kon Tum cũng cho rằng lễ hội hoa dã quỳ cần tiếp tục đổi mới: “Đối với khách phương xa mà nói, lễ hội Tây Nguyên là một đặc sản. Các đơn vị lữ hành ở Kon Tum cũng nhiều lần đóng góp ý kiến đối với tỉnh về phục dựng các lễ hội để quảng bá văn hóa, thu hút du lịch. Trong khi đó, Gia Lai đã tổ chức và duy trì lễ hội hoa dã quỳ hàng năm, khá thành công trong việc thu hút du khách, đồng thời tạo được dấu ấn riêng trong bức tranh du lịch của Tây Nguyên. Do đó, cần phải nâng tầm lễ hội để gia tăng giá trị cho ngành du lịch bởi đây là cơ hội để giới thiệu những lợi thế nổi bật. Cần có thêm những gian hàng ẩm thực đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch hay những gian hàng đồ thủ công mỹ nghệ, đặc sản mang giá trị mà du khách nào cũng muốn mua về làm quà… Làm được vậy sẽ có sự tương tác 2 chiều, cả người dân và du khách đều nhận được giá trị”.



Ông Lê Chí Nguyện-Giám đốc Công ty Du lịch Tây Nguyên Xanh (TP. Pleiku) cho biết: “Mùa du lịch cuối năm ngoài lễ hội hoa còn có nhiều sự kiện hấp dẫn để đơn vị lữ hành thiết kế lịch trình tour cho khách. Tuy nhiên, có khách thích ngắm hoa dã quỳ nhưng trong không gian bình yên với thiên nhiên, có người lại muốn trải nghiệm không gian hội hè của người bản địa. Tùy thuộc vào sở thích, nhu cầu và thời gian khách có thể lưu lại bao lâu mà chúng tôi có lịch trình linh hoạt. Tuy nhiên, xu thế chung hiện nay của các đơn vị là khai thác tour ghép và liên kết các điểm đến trong khu vực Đak Lak-Gia Lai-Kon Tum mới đáp ứng được nhu cầu, kỳ vọng của du khách”. Trong khi đó, các đơn vị như Công ty TNHH Du lịch sinh thái Gia Lai, Công ty TNHH Thiên Lộc, Công ty Truyền thông du lịch Le Pleiku… đều có các tour trọng điểm ngắm hoa dã quỳ trên cung đường Tây Nguyên với điểm kết nối trọng tâm là Pleiku-Kon Tum-Măng Đen.



Một số địa phương và người dân cũng háo hức với những sản phẩm, dịch vụ mới góp sắc màu cho bức tranh du lịch trong mùa dã quỳ khoe sắc. Tháng 11, khi những ruộng lúa trên cánh đồng A Mơng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) chuyển màu với những bông lúa trĩu nặng, cúi đầu cũng là thời điểm “đón” lúa rẫy về nhà. Trên những đám ruộng chuyển sắc màu đồng điệu với sắc vàng dã quỳ, du khách mặc lên mình bộ váy áo thổ cẩm, mang gùi trên vai, tay trần tuốt từng bông lúa cho vào gùi, cảm nhận mùi lúa rẫy đặc trưng của cao nguyên, cái nham nhám của bông lúa cọ vào da thịt. Từ rẫy về làng, ghé giọt nước tắm gội dưới làn nước mát lành, cảm nhận một cuộc sống lành sạch, trong veo của người nông dân cao nguyên. Sau một buổi lao động tuốt lúa, bắt cua, bữa ăn đang đợi sẵn với những món dân dã do người làng chuẩn bị với cà đắng, lá mì, gà nướng, cơm lam… cuốn du khách vào bao câu chuyện về một miền đất huyền ảo.



Những trải nghiệm trên cũng là sản phẩm của làng du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông. Chị H’Uyên Niê-Chủ nhiệm Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng-cho biết: Sau khi được hướng dẫn cách khai thác du lịch từ tài nguyên sẵn có, bà con đã đưa chính hoạt động lao động sản xuất hàng ngày trở thành sản phẩm du lịch. “Chúng tôi cho thuê trang phục truyền thống, dụng cụ nông nghiệp, gùi, bầu nước… đồng thời hướng dẫn du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp trên cánh đồng làng hoặc trong vườn của các hộ gia đình. Lúa rẫy là loại trồng 6-8 tháng mới thu hoạch, vừa giữ lại văn hóa làm lúa rẫy của người Jrai, vừa để phục vụ hoạt động du lịch. Ngoài ra, bà con còn hướng dẫn du khách trải nghiệm bắt cua, bắt ốc, hái cà phê, giã gạo, đan lát, dệt vải, chế biến món ăn… Các năm trước, nhiều đoàn khách tham gia lễ hội hoa dã quỳ đã đến đây trải nghiệm du lịch cộng đồng. Hy vọng với dịch vụ mới năm nay, du lịch cộng đồng Ia Mơ Nông sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn khi đến Gia Lai”-chị H’Uyên Niê kỳ vọng. Du khách muốn trải nghiệm du lịch cộng đồng có thể liên hệ với chị H’Uyên Niê theo số điện thoại 0383451929 để đặt dịch vụ thuê trang phục, nông cụ và có người hướng dẫn.

Trong khi đó, tiệm cà phê Hoa Dã Quỳ (làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) được dự báo sẽ là địa điểm check-in hút khách bởi có “view triệu đô” ngắm toàn cảnh núi lửa. Tiệm dự kiến đi vào hoạt động vào đầu tháng 11 để đón đầu mùa lễ hội. Anh Trương Đức Thắng-Chủ quán-là người con của Gia Lai, có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực du lịch ở các thành phố lớn. Đi nhiều, có những trải nghiệm phong phú trên khắp đất nước Việt Nam và các nước trên thế giới, anh Thắng quyết định trở về để làm du lịch trên quê hương khi nhận thấy tiềm năng phát triển ở núi lửa Chư Đang Ya.



Tiệm cà phê lấy tên loài hoa đặc trưng của vùng đất cao nguyên, được xây dựng với mong muốn du khách có một nơi dừng chân để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của núi lửa. Tiệm nằm ngay cạnh nhà rông dưới chân núi, có không gian rộng rãi, đậm chất Tây Nguyên. Quầy order thức uống, chỗ ngồi thưởng thức đồ uống, ngắm cảnh đều được làm theo kiến trúc nhà sàn. Ngoài ra, tiệm còn có 1 sàn gỗ ngoài trời cho khách chụp ảnh check-in núi lửa với view bao trọn khung cảnh đẹp nhất của núi non kỳ vĩ. Tại đây, du khách có thể ngắm mây trên đỉnh Chư Nâm, thưởng lãm núi lửa Chư Đang Ya như một bức tranh kỳ ảo thay đổi từ sắc đỏ rực của dong riềng hay màu vàng phủ khắp của hoa dã quỳ khi vào mùa.



Xây dựng tại một thắng cảnh thiên nhiên nên tiệm phục vụ theo hướng eco (sinh thái). Menu là những đồ uống giản dị, đặc trưng của Gia Lai, không quá nhiều món mà tập trung trau chuốt sự trải nghiệm. Du khách có thể thưởng thức cà phê đậm phong vị của vùng đất cao nguyên hoặc những đồ uống thanh mát như nước ép chanh dây, sữa đậu matcha. “Hiện chúng tôi vừa hoàn thiện hạ tầng, vừa chạy thử nghiệm và đón nhận những phản hồi rất tích cực. Chúng tôi rất háo hức mong chờ được đón người dân và du khách tới đây trải nghiệm, chia sẻ cảnh sắc tươi đẹp trong mùa hoa dã quỳ để nhiều người biết tới thắng cảnh thiên nhiên này”-anh Thắng cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Những “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

E-magazineNhững “thủ lĩnh” thanh niên đa năng

(GLO)-Không chỉ làm tốt vai trò dẫn dắt công tác Đoàn, nhiều “thủ lĩnh” thanh niên còn tiên phong trong khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê hương. Họ trở thành tấm gương sáng về sự gương mẫu, tinh thần dám nghĩ, dám làm để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) học tập.
Bảo tồn trống da

E-magazineBảo tồn trống da

(GLO)- Đối với người Tây Nguyên, tiếng trống đã trở thành thanh âm cội nguồn, không tách rời khỏi đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi núi rừng Trường Sơn. Vì vậy, việc bảo tồn các loại trống da trong cộng đồng Bahnar, Jrai được thực hiện với những cách thức rất đặc biệt.

Mùa ươi bay

E-magazineMùa ươi bay

(GLO)- Ươi là loại cây thân gỗ, mọc nhiều trong các cánh rừng ở Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Kbang… Từ giữa tháng 2 năm nay, cây ươi rừng ở Gia Lai đồng loạt ra quả. Giá thu mua hạt ươi 100-700 ngàn đồng/kg tùy loại. Sẽ không có gì đáng nói nếu cây ươi không bị khai thác theo kiểu tận diệt. 
Quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

E-magazineQuà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

(GLO)-Quà lưu niệm không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với mọi miền. Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, các ngành, các cấp ở TP. Pleiku đã từng bước đa dạng sản phẩm quà tặng du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

(GLO)- Những người lính từ mặt trận trở về, những người chỉ lặng lẽ phía sau phục vụ chiến đấu và cả những người sinh ra dưới bầu trời không tiếng súng… đều tiếp tục tự nguyện trở thành gạch nối hòa bình giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, hóa giải sâu sắc những đau thương để lại từ một cuộc chiến.

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.