Sẽ hoàn thành 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam vào cuối năm nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tám trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 sẽ được các nhà đầu tư hoàn thành công trình hạng mục thiết yếu để có thể đưa vào khai thác cuối năm nay.
Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm trên tuyến cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn được đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm trên tuyến cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn được đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, hiện tại, 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã đàm phán với nhà đầu tư và hoàn thành ký hợp đồng.

“Các nhà đầu tư được lựa chọn đều có năng lực tốt. Mục tiêu đến cuối năm 2024, cả 8 trạm đều hoàn thành công trình thiết yếu. Các công trình thương mại khác có thể hoàn thành sau đó một thời gian," ông Hoàng thông tin.

Theo báo cáo của các ban quản lý dự án, hiện mới có 3 trạm trên các tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo có thể bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 8/2024.

Các dự án Nha Trang-Cam Lâm, Nghi Sơn-Diễn Châu có thể bàn giao một phần trong tháng 8/2024, phần còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2024. Dự án Phan Thiết-Dầu Giây dự kiến tháng Mười mới có thể bàn giao toàn bộ.

Đối với 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết, dự kiến một phần mặt bằng sẽ được bàn giao trong tháng Tám, phần còn lại được hoàn thành trong quý 4/2024.

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ dọc tuyến cao tốc Bắc-Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị các ban quản lý dự án cần làm việc, đề nghị các địa phương cơ bản bàn giao mặt bằng trong tháng 8 và hoàn thành dứt điểm trong tháng 9/2024.

Đối với công tác chuẩn bị đầu tư 13 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, dự kiến việc mời thầu sẽ triển khai trong tháng Chín, đầu tháng 10/2024 sẽ có nhà đầu tư.

Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam cho rằng các trạm dừng nghỉ ở giai đoạn 2 được triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng, khi có nhà đầu tư là có mặt bằng sạch. Phấn đấu đến 30/4/2025, các hạng mục công trình thiết yếu của toàn bộ 13 trạm sẽ được hoàn thành.

Được biết 4 trạm dừng nghỉ dự án Nha Trang-Cam Lâm với chi phí hơn 200 tỷ đồng; Nghi Sơn-Diễn Châu với kinh phí hơn 190 tỷ đồng; Mai Sơn-Quốc lộ 45 với vốn khoảng 200 tỷ đồng và Diễn Châu-Bãi Vọt với chi phí xây dựng hơn 210 tỷ đồng đều do liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)-Công ty Xăng dầu Thừa Thiên-Huế là nhà đầu tư.

Liên danh Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Hiệp Phát đã trúng thầu đầu tư 3 dự án trạm dừng nghỉ khác trên cao tốc Bắc Nam gồm Phan Thiết-Dầu Giây với kinh phí hơn 290 tỷ đồng; Cam Lâm-Vĩnh Hảo có tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng và một trạm trên cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết hơn 310 tỷ đồng.

Trạm dừng nghỉ tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận trên cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết đã có nhà đầu tư là liên danh Thành Thành Nam-Châu Thành-Việt Hàn-Sài Gòn Investment-Thành Thành Công Lâm Đồng, tổng giá trị xây dựng hơn 310 tỷ đồng.

Mỗi trạm dừng rộng từ 3-7ha nằm ở hai bên đường. Các hạng mục xây dựng gồm dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, khu vệ sinh, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm cho lái xe, nơi cung cấp thông tin, nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.

Trạm dừng nghỉ còn có các công trình thương mại như nhà hàng, trạm xăng, trạm dịch vụ sửa chữa... Các dự án sẽ thực hiện trong 15-17 tháng, sau đó nhà đầu tư được quyền khai thác trạm dừng nghỉ trong 25 năm.

Tại mỗi dự án trạm dừng nghỉ, nhà đầu tư phải nộp ngân sách từ 50 đến hơn 100 tỷ đồng và chi phí xây dựng trạm từ 200 đến hơn 300 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 20-30 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, phổ biến Thông tư số 58/2024/TT-BGTVT ngày 15-11-2024 của Bộ GT-VT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.