Sẽ điều chỉnh thời gian cho thuê đất ở đặc khu một cách phù hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 7-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của người dân, Chính phủ điều chỉnh thời gian thuê đất ở đặc khu trong dự thảo một cách phù hợp.

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 7.6
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 7-6



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, như nhiều lần ông đã nói, việc xây dựng luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Đặc khu) lần này cũng là kết quả của việc lắng nghe các ý kiến của trí thức, nhân dân của đại biểu Quốc hội, của các cán bộ lão thành và Việt kiều.

"Chúng ta biết rằng, trên thế giới, nhiều nước đã làm đặc khu, gần nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và các nước lân cận của chúng ta. Có nhiều nước thành công, tất nhiên cũng có nước không thành công. Khi dự thảo luật Đặc khu được đưa ra thì ý kiến góp ý của người dân, trí thức, Việt kiều rất sôi nổi. "Một tinh thần yêu nước như thế, chúng ta hoan nghênh và chúng ta cũng không lo gì mất nước", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, Chính phủ luôn tiếp thu, lắng nghe những góp ý cần thiết để điều chỉnh luật, đảm bảo đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh nhưng phát triển bền vững, đảm bảo độc lập, chủ quyền, tự do của đất nước một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc một cách căn bản, xuyên suốt.

"Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, lắng nghe ý kiến này chúng ta cũng phải điều chỉnh lại thời gian thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng mà nhân dân phản ánh", Thủ tướng khẳng định.

Ông cũng giải thích thêm, dự thảo chỉ đưa ra chính sách cho thuê đất và có quy trình rõ ràng, hàng năm Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân giá thuê đất chứ không phải là giao vĩnh viễn như là nhượng tô, nhượng địa như Hồng Kông.

"Đây là vấn đề hoàn toàn khác nhau. Rất tiếc nhiều người hiểu lầm vấn đề này", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, việc các nhà đầu tư của từng quốc gia cũng có cơ cấu, tỷ lệ phù hợp chứ không phải chỉ có một nước. Điều này để an ninh quốc gia, an ninh kinh tế đi liền với nhau trong việc xây dựng đặc khu lâu dài của chúng ta.

"Mọi người không lo chỉ một nước, một quốc gia nào đó độc quyền trong đầu tư vào đặc khu. Tất nhiên phải có thiết kế cụ thể, còn luật chỉ là khung để tạo ra môi trường pháp lý cần thiết mà thôi", Thủ tướng chỉ rõ.

"Tóm lại, mặc dù thời gian 99 năm chỉ là trường hợp đặc biệt. Ví dụ những cơ sở hạ tầng quan trọng mà phải đầu tư rất lớn, phải thuê đất. Ý tưởng như thế nhưng bà con và các cụ lão thành của chúng ta góp ý như vậy thì Thủ tướng và Quốc hội sẽ tiếp thu để điều chỉnh phù hợp cùng với giải pháp khác để đảm bảo quốc gia chúng ta trường tồn, độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, xứng đáng với truyền thống dân tộc Việt Nam", Thủ tướng nói thêm.

Về thời gian điều chỉnh cụ thể, Thủ tướng cho biết sẽ trình để Quốc hội sẽ xem xét.

"Chúng ta phải tạo ra thể chế và môi trường đầu tư tốt để có thể cạnh tranh được trong bối cảnh quốc tế hiện nay nhưng tất cả chính sách này tạo ra sự thuận lội nhưng đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc là tối thượng", Thủ tướng nói.

Lê Hiệp (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.