Kể cả livestream tại ngân hàng thì việc sao kê đó cũng có thể là giả vì những sao kê giả được làm với một con dấu polymer. Và hành vi làm giả sao kê vừa được xác định là hành vi “đặc biệt nguy hiểm”.
Ảnh: NSCC/LĐO |
“Ai rồi cũng phải sao kê”, “bà Xuân sao kê”- những từ khoá keyhot nghe rất quen khi tập 32 bộ phim “Hương vị tình thân” bắt trends ồn ào sao kê từ thiện lên sóng.
Ai rồi cũng phải sao kê- ngẫm ra rất đúng.
Nhưng vấn đề ở chỗ các bản sao kê ngân hàng, ngay cả khi dấu đỏ mực đen, ngay cả khi được livestream không có nghĩa đã là hàng thật, hàng xịn.
Cơ quan An ninh điều tra vừa phát ra một cảnh báo rất đáng sợ về những hành vi làm giả cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, và tất nhiên, cả các sao kê ngân hàng.
Nó đáng sợ, ở chỗ các đối tượng làm giả các loại giấy tờ ngân hàng này có thể tạo ra bất cứ loại giấy tờ sao kê nào một cách đơn giản: Làm giả giấy tờ có biểu trưng ngân hàng, làm giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng, và làm giả luôn cả con dấu chỉ với một con dấu polymer đóng lên tài liệu.
Đáng sợ, vì giờ thật giả lẫn lộn không biết đâu mà lần. Chẳng hạn trong vụ “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố” mà cơ quan An ninh điều tra đưa làm ví dụ, đã có một số doanh nghiệp sử dụng các loại giấy tờ giả để làm hồ sơ gửi vào các sở, ngành để xin hồ sơ cấp phép đầu tư xây dựng các loại dự án khu đô thị, điện gió, cảng biển, nhà máy, kêu gọi đối tác nước ngoài đầu tư...
Những loại giấy tờ giả này, không chỉ dừng ở chục tỉ, trăm tỉ mà đã có trường hợp làm giả “sao kê” với những cam kết cấp tín dụng lên đến hàng ngàn tỉ; và xác nhận số dư tài khoản tại một thời điểm lên đến hàng trăm tỉ.
Hàng trăm tỉ tài khoản- trên giấy. Hàng ngàn tỉ cam kết- cũng trên giấy.
Mà các sở ban ngành, và nhất là người dân chúng ta- đâu có mắt thần, đâu có phải là cơ quan giám định.
Nhưng câu chuyện thật giả cũng không phải quá khó để có thể kiểm tra.
Đây là nguyên văn khuyến cáo từ cơ quan điều tra: Đừng làm các dịch vụ trên mạng xã hội, đừng qua trung gian, doanh nghiệp, người dân nếu muốn làm các thủ tục xác nhận của ngân hàng, xin cấp hạn mức, cam kết tín dụng... hãy trực tiếp liên hệ với các ngân hàng.
Ai rồi cũng phải sao kê! Nhưng sao kê không phải là cam kết, sao kê chưa hề là minh bạch chừng nào chúng ta chưa thể xác định được nó là thật, hay giả.
Hãy nhớ, nó chỉ là hình ảnh của tiền, là tiền trên giấy mà thôi.
Theo ANH ĐÀO (LĐO)