Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở đã được chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi và trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất trong thời gian 30 ngày. Quá trình thanh tra, nếu phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, đoàn tiến hành xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, Trưởng đoàn thanh tra, mục đích thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, qua thanh tra nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn hiệu hàng hóa cũng như kịp thời thông báo các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, lựa chọn sản phẩm an toàn.
“Trường hợp phát hiện vi phạm, đoàn sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định, tuyệt đối không để sản phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác hoặc có nhãn sai quy định tiếp tục lưu thông trên thị trường”-ông Sỹ cho hay.
Để bảo vệ lợi ích của người sản xuất cũng như sức khỏe người tiêu dùng, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ An Trường Phát (huyện Đak Pơ) cũng tăng cường kiểm soát chặt chuỗi liên kết sản xuất của mình. Theo bà Nguyễn Tuyết Hoa-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX, lúc cao điểm, mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh gần 30 tấn rau củ các loại. Để đáp ứng nhu cầu, HTX đã liên kết với gần 200 hộ dân sản xuất hơn 50 ha rau củ các loại theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, HTX cũng làm mô hình điểm hơn 1,2 ha rau củ các loại để cầm tay chỉ việc cho người dân tại vườn. Ngoài ra, để kiểm soát tốt quy trình sản xuất, các thành viên trong tổ liên kết đều có nhật ký ghi chép quá trình sản xuất và tiến hành giám sát chéo lẫn nhau trong tổ và giữa các tổ, nếu tổ liên kết nào vi phạm thì sẽ bị loại bỏ khỏi chuỗi liên kết. Chính vì vậy, ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia chuỗi liên kết được nâng lên, qua đó tạo ra các sản phẩm rau củ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Gắn bó với nghề trồng rau mấy chục năm nay nên bà Lê Thị Lan (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) khá thấm thía với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Thế nhưng, kể từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn của HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Trường Phát, cuộc sống gia đình bà ngày càng ổn định hơn. Bà Lan phấn khởi cho biết: “Hơn 4 năm tham gia chuỗi liên kết sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi đã ý thức và trách nhiệm hơn trong việc sản xuất rau theo hướng an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cả người tiêu dùng”.
Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, trong đó có các loại rau củ quả. Những năm gần đây, tỉnh đang từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau quy mô lớn tại huyện Đak Pơ, thị xã An Khê, TP. Pleiku và một số địa phương. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, tiêu thụ rau trong tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đak Pơ là địa phương có diện tích trồng rau lớn của tỉnh với hơn 6.700 ha. Với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cùng kinh nghiệm sản xuất rau nhiều năm của người dân, Đak Pơ có nhiều tiềm năng để phát triển ngành hàng này. Đặc biệt, cuối năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm “Rau Đak Pơ”. Tuy nhiên, rau Đak Pơ hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, người dân chủ yếu sản xuất tự phát, chưa có nhiều chuỗi liên kết bền vững, sản xuất theo các tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: Sau khi được chứng nhận nhãn hiệu “Rau Đak Pơ”, huyện đang tập trung quy hoạch vùng chuyên canh rau an toàn bền vững theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, huyện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích, tạo đầu ra ổn định cho cây rau. Đặc biệt, mới đây, UBND huyện đã trình Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua chủ trương thực hiện Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gắn với tiêu thụ sản phẩm rau Đak Pơ, tỉnh Gia Lai” với tổng kinh phí gần 650 triệu đồng. Theo đó, để quản lý và khai thác hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đak Pơ”, huyện sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng nhãn hiệu chứng nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai điểm các mô hình sản xuất rau an toàn theo các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… để hướng dẫn, nhân rộng trong người dân.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Những năm gần đây, ngành rau, hoa, quả Gia Lai đang từng bước trở thành một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh khi tỷ trọng sản xuất tăng mạnh qua từng năm. Các sản phẩm rau quả của Gia Lai đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước. Để phát triển bền vững ngành rau, hoa, quả, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Theo đó, định hướng phát triển sản xuất rau của tỉnh đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích lên 20.000 ha, đến năm 2030 tăng lên 30.000 ha và giữ ổn định đến năm 2040. Trong đó, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic… với diện tích khoảng trên 500 ha vào năm 2025 và 750 ha năm 2040; xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau quả trong tỉnh với diện tích 5.000 ha năm 2025 và 10.000 ha năm 2040.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: “Trong đó, tập trung tuyên truyền, tập huấn cho người dân sản xuất rau củ có chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, môi trường tốt nhất để các tổ chức trong và ngoài nước đến tỉnh hỗ trợ, triển khai hoạt động cấp các chứng nhận thực hành nông nghiệp sạch. Đồng thời, ưu tiên xây dựng các vùng chuyên canh rau củ tập trung, quy mô lớn để thu hút, kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến, sơ chế, bảo quản sản phẩm đạt chất lượng tốt khi đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền người tiêu dùng ưu tiên sử dụng rau sản xuất theo các tiêu chuẩn và khuyến cáo không sử dụng các loại rau sản xuất không theo các tiêu chuẩn để bảo vệ sức khỏe”.