Săn nhộng ve sầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi những cơn mưa rào bất chợt đầu hè xuất hiện xua tan cái oi ả của những ngày nắng nóng cũng là thời điểm ve sầu non bước vào thời kỳ lột xác. Lôi cuốn bởi món đặc sản này nhiều nhóm thợ săn phải lặn lội trong đêm ở những cánh rừng xa tít để bắt nhộng ve sầu, vừa được sống lại ký ức tuổi thơ lại vừa kiếm thêm thu nhập.
 
Săn ve sầu trong đêm
Săn ve giữa rừng
Trên chiếc xe máy cà tàng bám đầy bụi đường đất đỏ, chúng tôi theo anh Đặng Ngọc Thành (26 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cùng nhóm săn ve mang theo vài vật dụng tiến vào các vườn cây trong vùng. Mưa vừa ngớt nên xe máy phải oằn mình phóng qua những chặng đường sình lầy trơn trượt.
Thở phào khi qua một khúc cua, anh Thành quay lại nói: “Đầu hè thợ săn đông nên tranh thủ đi sớm mới thu được nhiều “chiến lợi phẩm” nhưng phải lặn lội vào nơi vắng người và các khu vườn có độ ẩm cao”.
Đánh vật với bùn đất một hồi lâu, thậm chí có lúc xe trật bánh trượt dài theo dấu xe của người đi trước. Chúng tôi đến một rẫy điều già cỗi nằm kế bên vườn cà phê xanh lá, không một bóng người... cuộc săn ve bắt đầu khi trời nhá nhem tối.
Lúc này đã hơn 19 giờ, anh Thành cùng 4 người khác chia thành 2 nhóm đặt thùng nước pha muối loãng xuống và cầm bịch ni lông để xử lý ve sầu ngay sau khi bắt được. Mỗi người với chiếc đèn pin gắn trên đầu tỏa ra nhiều hướng mở đầu cho cuộc săn lùng. Trong màn đêm họ bỗng “hóa thân” thành những con đom đóm khổng lồ dò tìm nơi ve sầu lột xác. Dưới những ánh đèn lia qua lia lại những chú ve non màu trắng sữa dần lộ ra.
Nhanh tay chộp lấy một chú ve non bỏ vào túi ni lông, anh Thành quay sang giải thích: “Ve sầu đực khi giao cấu xong thì chết, con cái đẻ trứng ở dưới vỏ cây hoặc khe đá và khi trứng nở thành ấu trùng, sống dưới đất, sau đó bò lên bám vào gốc cây gọi là nhộng ve. Săn nhộng ve sầu không đơn giản và còn phải kiên nhẫn vì nhộng ve lột có thời điểm và phải đi buổi tối hoặc lúc gần sáng”.
Kế bên là anh Đặng Nguyễn Minh Tuấn (20 tuổi, ngụ xã Tân Phước) cũng đỏ mắt dò tìm nhưng chưa chú ve nào xuất hiện buộc phải hướng lên thân cây cao hy vọng có “chiến lợi phẩm” ban đầu. Cũng không phải đợi lâu anh liền phát hiện ra nơi ẩn nấp của vài chú ve rồi nhanh chân trèo lên cây điều già cỗi.
Nhẹ nhàng gỡ 3 - 4 ve non đang bám vào thân cây, anh Tuấn thả vào bịch ni lông rồi nói vọng xuống: “Khu vực này vừa có người phát dọn nên ve không xuất hiện nhiều. Mọi người gom đồ đạc để đi sâu vào trong”.
Người thợ săn mau chóng tụt xuống cho ve vào thùng nước muối pha sẵn bảo rằng đây là cách để cho ve không bị thâm khi chết rồi cùng nhóm bạn lên xe phóng qua khu vực khác. Dõi theo cuộc săn ve giữa rừng, ký ức về một thời thơ dại cùng lũ bạn tinh nghịch chong đèn tìm nhộng ve sầu 20 năm về trước bất chợt ùa trong chúng tôi.
Hơn 23 giờ, sương dày đặc phủ xuống những vườn điều, cà phê khiến không gian thêm tĩnh mịch và đâu đó còn nghe âm thanh lách tách của những giọt mưa. 
Cả nhóm tiến sâu vào sâu hơn, trong màn đêm dày đặc trùm lên những người thợ rừng toàn thân đã ướt sũng. Trông xa xa ở trên những ngọn cây cao vút thấp thoáng những chú gà rừng đang lim dim đôi mắt đói ngủ, hễ nghe động liền vỗ cánh phành phạch rồi mất hút vào không trung.
Giữa không gian tĩnh lặng bắt đầu nổi lên “bản nhạc mùa hạ” với tiếng ve râm ran, sống động cả một góc rừng hòa lẫn trong tiếng suối reo róc rách trên kia những sườn đồi. Cả nhóm trở nên phấn khích khi phát hiện cả một vệt dài xác ve lột màu hổ phách rải đều khắp nơi và không phải tốn nhiều công sức, mỗi lần vươn tay nhóm thợ đã bóc được cả chục con ve non đang bám kín cành.
Bỏ qua một con ve đã mọc cánh, anh Tuấn giải thích: “Mùa bắt ve sầu rất ngắn ngủi, chỉ dài một hai tuần và sau vài ngày nhộng ve đã có đủ lông cánh bay đi. Chỉ cần nhộng hơi già, bắt đầu có lông cánh thì không thể ăn được nữa”.
Cuộc săn ve chỉ kết thúc khi xô nước mang theo đầy ắp với 4kg nhộng ve sầu và với giá hiện tại bán ra thị trường nhóm thợ rừng chắc mẩm có hơn 1 triệu đồng, chia nhau.
Ve sầu ra phố
Theo cánh săn ve, mỗi mùa ve kéo dài khoảng 3 tháng chí ít cũng kiếm được 15 - 20 triệu đồng, tùy theo giá cả cũng như nhu cầu thu mua từng năm và số tiền này cũng bằng 4 - 5 tháng lương công việc mình làm hiện tại.
Ve sầu sau khi bắt về ngâm nước muối 20 - 30 phút, sau đó nhặt bỏ cánh, chần qua nước sôi một lần, rửa sạch, sau đó mới đem chiên. Chảo đặt lên bếp, để dầu thật nóng mới đổ nhộng ve vào, cho mắm muối, tiêu bột vào đảo đều tay tầm 15 phút sau đó cho ít lá chanh vào đảo cho dậy mùi. Đổ ra đĩa, những chú nhộng ve căng tròn, vàng ươm đậy mùi lá chanh thật hấp dẫn và có thể làm nhiều món ngon khác như xào sả ớt, chiên giòn, chiên bột...
Theo anh Nguyễn Thành Đồng (ngụ phường Tân Thiện, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), một người chuyên thu mua nhộng ve sầu thì ve sầu thoát xác được coi là đặc sản làm được khá nhiều món ngon rất nhiều người ưa thích. Vài năm gần đây, nhu cầu người dân khoái khẩu món này ngày càng nhiều nên nhiều người đi bắt ve ăn chơi chuyển dần thành những thợ săn chuyên nghiệp mang về bán.
Giá thu mua nhộng ve sầu dao động 170.000 - 220.000 đồng/kg (tùy loại), có ngày anh thu mua được 50 - 70kg nhộng ve sầu.
Ngoài cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn tại TP Đồng Xoài, anh còn bán online qua mạng xã hội cho các nhà hàng. Có khi anh Đồng còn nhận những đơn hàng gửi “xuất ngoại” lên đến cả trăm ký/chuyến nên “mặt hàng nhộng ve sầu này có bao nhiêu cũng gom hết”.
Theo giới y học, nhộng ve sầu không hề có độc tố nhưng do sống dưới đất lâu ngày nên có thể nhiễm các loại nấm ký sinh. Tuy nhiên, một khi đã trở thành món đặc sản “khoái khẩu” thì nhộng ve sầu ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong mỗi bữa ăn hay những chầu nhậu vui thú cùng bạn bè… 
Hoàng Bắc (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.