Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?: Kỳ vọng phiên bản sâm Việt tốt hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công trình khoa học về chọn tạo giống cây sâm Ngọc Linh của GS-TS Dương Tấn Nhựt và cộng sự có thể coi là bước khởi đầu mang tính đột phá để tạo ra phiên bản sâm Ngọc Linh với phẩm chất vượt trội sâm nguyên bản.

Tôi may mắn gặp GS-TS Trần Công Luận, một nhà nghiên cứu về sâm Ngọc Linh (SNL). Qua những lần trao đổi về sâm Việt, GS Luận rất hào hứng với công trình nghiên cứu chọn tạo giống cây SNL của GS-TS Dương Tấn Nhựt và cộng sự. Ông đánh giá đó là một nghiên cứu rất có giá trị để hướng tới tạo ra giống SNL khỏe hơn, tốt hơn nhằm có thể mở rộng vùng trồng, biến loại sâm "quốc bảo" này thành sản phẩm công nghiệp.

Muốn sâm Việt trồng đại trà theo mô hình công nghiệp như thế này, cần phải tạo ra một thế hệ giống khỏe hơn

Muốn sâm Việt trồng đại trà theo mô hình công nghiệp như thế này, cần phải tạo ra một thế hệ giống khỏe hơn

Chìa khóa để nâng cấp giống sâm Ngọc Linh

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết thêm công trình nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Scientia Horticulturae (ISI, Q1). Trong giới nghiên cứu khoa học trên thế giới, ISI đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp các bài báo khoa học đáng tin cậy nhất. Trong khi đó, Q1 là chỉ số của nhóm tạp chí uy tín, có độ chọn lọc rất cao nên cực kỳ khó đăng bài. Nói như vậy để thấy giá trị của công trình nghiên cứu do GS Nhựt và cộng sự thực hiện.

Vậy giá trị của công trình nghiên cứu này nằm ở đâu? Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết giống cây SNL được gieo trồng hiện nay là giống nguyên bản với số lượng nhiễm sắc thể nhị bội (2n = 2x = 24). Trong thực tế, giống SNL nguyên bản mọc tự nhiên chỉ được tìm thấy ở dãy núi Ngọc Linh, tại độ cao trên dưới 2.000 m so với mực nước biển, thuộc địa phận các tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Tại hai địa phương này, việc trồng SNL cũng chỉ giới hạn ở biên độ rất hẹp trên vùng núi Ngọc Linh. Các nhà khoa học cho rằng SNL rất khó trồng, kém phát triển khi rời xa bản địa của mình. "So sánh sâm Lai Châu (SLC) và SNL thì thấy SLC khi di thực dễ thích ứng hơn còn SNL thì "khó chịu" hơn", GS-TS Trần Công Luận cho biết.

Chúng tôi đã đến Lai Châu, quê hương của thứ (variety) sâm Việt là SLC (P.vietnamensis var. Fuscidiscus) và ghi nhận giống SNL mang ra trồng ở đây phát triển rất kém. Một số vùng núi ở các tỉnh khác cũng đang thử nghiệm di thực SNL nhưng chưa thể nói là thành công như mong đợi. Vấn đề đặt ra khi muốn sâm "quốc bảo" trở thành sản phẩm "quốc kế dân sinh", hướng tới một nền công nghiệp sâm thì phải mở rộng vùng trồng, di thực SNL đi xa hơn, xuống thấp hơn và năng suất từng cá thể SNL phải cao hơn. Bài toán được đặt ra là phải làm cho cây SNL có chứa số lượng vật chất di truyền tăng lên gấp "số bội lần" thì mới có thể giải quyết được những vấn đề cốt lõi đó. Nhóm nghiên cứu của GS-TS Dương Tấn Nhựt đã thành công trong việc tạo cây SNL tứ bội (2n = 4x = 48) thông qua phương pháp xử lý đa bội bằng tác nhân ức chế phân bào colchicine.

Nhiều công trình nghiên cứu về sâm Ngọc Linh của GS Nhựt có tính cấp thiết cao

Nhiều công trình nghiên cứu về sâm Ngọc Linh của GS Nhựt có tính cấp thiết cao

Gặp "cha đẻ" của sâm Ngọc Linh đa bội

Chúng tôi lên Đà Lạt, đến Viện Nghiên cứu khoa học Tây nguyên để gặp GS-TS Dương Tấn Nhựt sau nhiều lần gọi điện thuyết phục ông. Tại đây, GS Nhựt cho biết đã có gần 30 năm nghiên cứu trong lĩnh vực chọn và tạo giống cây SNL (Panax vietnamensis). "Đây cũng chỉ là một trong nhiều công trình mà tôi và các cộng sự âm thầm nghiên cứu với mong muốn được góp phần nhỏ vào sự phát triển cây sâm quốc bảo", GS Nhựt khiêm tốn nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm nghiên cứu dưới sự chủ trì của GS-TS Dương Tấn Nhựt đã sử dụng nguồn vật liệu là mẫu lá, cuống lá và rễ của cây SNL in vitro (phát triển trong ống nghiệm) 3 tháng tuổi (thể lưỡng bội 2n = 24). Các mẫu phôi ở các dạng hình cầu, hình tim và có lá mầm đồng nhất được tách từ cụm phôi nuôi cấy trên môi trường tối ưu tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây nguyên được sử dụng làm nguồn mẫu ban đầu cho các thí nghiệm. Điều khiến chúng tôi càng cảm kích việc làm của các nhà khoa học đối với công trình mang tầm vóc quốc gia rất có giá trị này là sự hy sinh, vượt khó của họ. Như GS Nhựt tâm sự, ông và các cộng sự phải tận dụng hóa chất của những thí nghiệm khác để dùng trong khi nghiên cứu.

"Chúng tôi chỉ được Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN hỗ trợ một ít kinh phí, còn phần lớn chúng tôi phải bỏ tiền túi để làm nghiên cứu này. Đi tiên phong trong nghiên cứu tạo cây SNL đa bội, chúng tôi chấp nhận gặp rất nhiều trở ngại khó khăn", vị giáo sư ngành công nghệ sinh học thực vật thổ lộ.

GS-TS Dương Tấn Nhựt trong phòng thí nghiệm

GS-TS Dương Tấn Nhựt trong phòng thí nghiệm

Chúng tôi hỏi vì sao ông cùng cộng sự quyết tâm tiên phong và vượt khó để làm nghiên cứu này, GS-TS Dương Tấn Nhựt cho biết chính "tính cấp thiết" đã khiến ông và cộng sự quyết dồn hết tâm sức để nghiên cứu chọn tạo giống cây SNL. "Tạo được cây giống SNL đa bội với những đặc tính mong muốn như sức sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt, từ đó mới có thể góp phần cải thiện và làm phong phú thêm nguồn cây giống sâm quý của VN", GS Nhựt nhấn mạnh.

Trong buổi gặp gỡ, GS Dương Tấn Nhựt tự hào giới thiệu với chúng tôi TS ngành khoa học giống cây trồng và công nghệ sinh học Nguyễn Văn Bình. Theo GS Nhựt, TS Bình là một trong những nhà khoa học nghiên cứu về SNL đầu tiên. TS Bình đã chia sẻ cho chúng tôi hiểu thêm về tính cấp thiết của việc phát triển các cá thể đa bội nhân tạo như nghiên cứu nói trên của GS Nhựt. Theo đó, ngày nay nhu cầu về cây dược liệu gia tăng trong khi phương pháp nhân giống truyền thống thường phụ thuộc vào môi trường, dễ bị ảnh hưởng của nhiều tác động sinh học và phi sinh học bất lợi. Mặt khác, hàm lượng hợp chất thứ cấp thấp khi thu hoạch cây dược liệu không đáp ứng đủ nhu cầu về cả số lượng lẫn chất lượng. Với thực trạng như vậy, việc phát triển các cá thể đa bội nhân tạo sẽ là cách tiếp cận tiềm năng nhằm tăng sức sống và hàm lượng hợp chất thứ cấp của cây dược liệu.

Đặc biệt, với SNL, một loài sâm đặc hữu của VN, nhóm chất có tác dụng quyết định đến tác dụng dược lý của loài sâm này là các saponin mà đại diện chính là MR2, G-Rb1 và G-Rg1. Hơn nữa, loài sâm này có hàm lượng saponin khung dammaran cao nhất và lượng saponin triterpenoid nhiều nhất so với các loài khác thuộc chi Panax trên thế giới. Tuy nhiên, cây SNL nguyên bản có thời gian nuôi trồng kéo dài từ 6 - 7 năm. Hơn nữa, SNL lưỡng bội sinh trưởng rất chậm, trọng lượng thấp nên không đáp ứng được nhu cầu.

"Đây là những nghiên cứu tiên phong trên thế giới trong việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ sinh học và công nghệ nano trong công tác chọn và tạo giống cây SNL", TS Bình nói về công trình nghiên cứu tạo giống SNL do GS Nhựt chủ trì.

GS-TS Dương Tấn Nhựt có gần 30 năm nghiên cứu trong lĩnh vực chọn và tạo giống cây sâm Ngọc Linh

GS-TS Dương Tấn Nhựt có gần 30 năm nghiên cứu trong lĩnh vực chọn và tạo giống cây sâm Ngọc Linh

Trong nghiên cứu khoa học, GS-TS Dương Tấn Nhựt đóng góp rất lớn cho sự phát triển khoa học công nghệ sinh học của tỉnh Lâm Đồng. Ông chủ nhiệm hàng chục đề tài khoa học, trong đó phải kể đến các đề tài nghiên cứu về SNL. Hiện GS-TS Dương Tấn Nhựt đang tiếp tục nghiên cứu hướng di thực SNL để loại dược liệu quý này phát triển được ở nhiều nơi có khí hậu tương đồng chứ không chỉ ở Quảng Nam, Kon Tum.

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

null