(GLO)- Cách trung tâm huyện hơn 40 km và là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, xã Đak Trôi là một trong những địa phương vùng sâu vùng xa Gia Lai có “đặc sản” là những thửa ruộng bậc thang. Mùa này nhiều thửa lúa chín vàng đẹp lung linh.
Trồng bắp, mì trên… đá
Con đèo rất dốc và dài dẫn tôi đến với khu sản xuất chính của người dân xã Đak Trôi: cánh đồng Đak Trôi và Đak Tơ Mal. Dọc hai bên đường là những đồi bắp, mì của người dân làng Đak Hre. Những thửa ruộng kỳ lạ với cơ man đá xếp lớp, những thớ đất hiếm hoi tồn tại xen kẽ giữa đá là nơi bám trụ của những gốc mì cằn cỗi. Gần đỉnh đèo-nơi có nhiều đất hơn, người dân làng Đak Hre lấy đá xếp thành những bậc thang để giữ đất khỏi bị cuốn trôi mỗi mùa mưa qua. Đang giữa mùa mưa, khắp nơi xanh ngắt màu lá, vậy nhưng trên những thửa ruộng “bậc thang đá” này, màu xanh của cây rừng, của những thân bắp được trồng trỉa cẩn thận vẫn không che nổi màu xám ngắt của nền đá. Nếu không nhìn kỹ, ai cũng dễ lầm tưởng đây là khu ruộng bỏ hoang bởi sự thưa thớt, hiếm hoi của màu xanh.
Trưa nắng như đổ lửa, chị Sâng (làng Đak Hre) vẫn cần mẫn ngồi nhổ cỏ trong rẫy mì. “Mình không có đất tốt nên dù làm chẳng thu được là bao cũng phải cố, không bỏ được. 6 sào mì như thế này mỗi năm chỉ cho thu vài chục bao củ mì tươi thôi”-chị Sâng nói.
|
Ruộng bậc thang ở cánh đồng Đak Trôi. Ảnh: Lê Hòa |
Không có đất tốt để sản xuất, những hộ như chị Sâng kiên trì bám trụ trên đá. Những thửa ruộng bậc thang được xếp bằng đá mỗi mùa không mang lại cho họ nhiều hoa lợi. Nhưng sẽ làm việc gì khác nếu họ không trồng trọt nơi đây? Vùng đất sản xuất của làng Đak Hre không có nước, dù đứng từ đây luôn nhìn thấy những mảng sáng màu bạc lấp lánh từ màn nước khu vực cốt ngập lòng hồ công trình thủy lợi Ayun Hạ. Với độ cao chênh lệch đến hàng trăm mét thì việc đưa nước ngược từ thung lũng lên quả là không dễ, nhất là trong điều kiện khó khăn như ở Đak Trôi hiện nay. “Nhà mình từng mất nhiều năm mới tạo được 5 sào rẫy bậc thang ở khu này. Đá được lọc riêng và xếp thành bờ ruộng, chỉ chừa lại phần đất để sản xuất. Vất vả là vậy nhưng so ra năng suất chỉ bằng 30% so với canh tác trên đất rẫy bazan thôi”-anh Ngương (làng Đak Hre) cho biết.
Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi-ông Phan Trung Kỳ-chia sẻ: Đất đai khô cằn, thiên nhiên khắc nghiệt đã khiến việc sản xuất nông nghiệp tại Đak Trôi khó khăn hơn nhiều so với các xã cùng khu vực. Theo thống kê, toàn xã Đak Trôi chỉ có 220 ha mì, 50 ha bắp, 30 ha cà phê, 45 ha hồ tiêu. Vài năm gần đây, trên địa bàn xã phát triển thêm một số diện tích chanh dây do người Kinh vào đây đầu tư sản xuất, còn bà con Bahnar ở Đak Trôi phần lớn vẫn chỉ biết trồng mì, bắp, lúa… nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Cây lúa rẫy “đổi đời” nhờ ruộng bậc thang
|
Ảnh: Lê Hòa |
Theo thống kê của UBND xã Đak Trôi, toàn xã có 360 ha lúa thì tất cả đều là lúa rẫy trồng trên ruộng bậc thang. “Hiện nay bà con Đak Trôi đang canh tác giống lúa 6 tháng, năng suất trung bình 3-3,2 tấn/ha/năm. Việc sản xuất lúa hoàn toàn dựa vào nước trời, vậy nên bà con nông dân làm ruộng bậc thang để giữ nước mưa điều tiết nguồn nước cho cây lúa”-ông Kỳ chia sẻ.
Ông Phan Trung Kỳ-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi: “Huyện đã khảo sát để xây dựng hệ thống thủy lợi cho xã Đak Trôi. Tuy nhiên, đặc trưng địa hình nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi cao, độ dốc quá lớn khiến chủ trương này gặp phải vô vàn thử thách, khó khăn. Giải được bài toán nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp chính là nắm được “chiếc chìa khóa” mở cánh cửa nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó hướng tới xóa đói, thoát nghèo”. |
Là một trong 2 người làm ruộng bậc thang giỏi nhất ở Đak Trôi, ông H'Lốt (làng Đak Hmok) góp công không ít trong việc kiến tạo nên cánh đồng lúa bậc thang Đak Trôi, Đak Tơ Mal. Ngày trước, đây là khu đồi thấp nằm sâu dưới thung lũng. Cây lúa Đak Trôi tuy là lúa cạn nhưng khi đem về trồng như lúa nước lại cho năng suất vượt trội nên người dân Đak Trôi đã mạnh dạn đắp đập be bờ, làm thành những thửa ruộng bậc thang xoáy theo hình trôn ốc để giữ và điều tiết nước. “Làm ruộng bậc thang không khó, chỉ cần thuận theo chiều nước, nước lớn thì bề ngang ruộng lớn. Đất ít dốc, nước chảy yếu thì thu hẹp bề ngang mặt ruộng là được”-ông H'Lốt chia sẻ kinh nghiệm. Cứ vậy, qua nhiều năm, cánh đồng Đak Trôi, Đak Tơ Mal rộng hơn 100 ha đã hình thành và trở thành cánh đồng lúa trù phú bậc nhất ở Đak Trôi hiện nay.
“Nhà tôi có 3 sào lúa nước ở cánh đồng Đak Trôi. Từ ngày trồng lúa nước, tôi thu được trên 1 tấn thóc mỗi năm. Trong khi trước đây, vụ đạt cao nhất cũng chỉ được 7-8 tạ thóc. Nhờ năng suất cải thiện, gia đình tôi đã vơi đi nỗi lo đói giáp hạt”-anh Đinh Ol (làng Đak Hmok) cho biết. Có thể nói, mặc dù vẫn là “vùng trũng” về năng suất lúa nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng, cánh đồng lúa bậc thang đã đem lại một sự đổi thay lớn trong kỹ thuật canh tác lúa của người Bahnar ở Đak Trôi. Từ những rẫy lúa khô chỉ đạt năng suất chưa đầy 2,5 tấn/ha/năm thì nay, con số này đã được nâng lên thành 3-3,2 tấn/ha/năm. “Lúa rẫy Đak Trôi thơm ngon có tiếng. Xã đang xúc tiến hình thành Hợp tác xã Nông nghiệp Đak Trôi để tổ chức sản xuất, tiêu thụ và dần hình thành thương hiệu đặc sản gạo Đak Trôi. Đặc biệt, bà con Bahnar làm lúa ở Đak Trôi không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa mà thuận theo tự nhiên nên gạo Đak Trôi rất sạch, an toàn, giá trị dinh dưỡng cao. Nếu chủ trương này hiệu quả thì có lẽ, cây lúa sẽ ít nhiều đem lại sự đổi thay cho vùng đất có đến gần 75% số hộ là hộ nghèo và cận nghèo”-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi nhấn mạnh.
Hải Lê