Rừng phòng hộ bị "tàn sát"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên 140ha rừng phòng hộ ở 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát (tỉnh Bình Định) bất ngờ bị phá trắng. Điều đáng nói, khu rừng bị “tàn sát” nằm gần khu dân cư nhưng đơn vị quản lý vẫn không hay biết. Những ngày qua, PV Báo SGGP đã vào cuộc điều tra, tìm hiểu những khuất tất, hỗ trợ đơn vị chức năng sớm làm rõ vụ việc.
Phá sạch, đốt sạch
Mới đây, phản ánh đến PV Báo SGGP, người dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) bức xúc cho biết, cả khu rừng dương khoảng 250ha, bao đời nay giữ chức năng phòng hộ, che chắn thiên tai, bão cát cho trên 500 hộ dân (2.000 nhân khẩu) đã bị phá trắng trên 140ha. Diện tích bị phá nằm ở khu vực đã được tỉnh Bình Định giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai đầu tư dự án phong điện Phương Mai 1.
Đưa chúng tôi ra hiện trường khu rừng bị “tàn sát”, ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Chi bộ thôn Huỳnh Giản Bắc, xót xa kể: “Bao đời nay, rừng cây này là lá phổi cho dân làng Huỳnh Giản Bắc và lân cận. Rừng rắn chắc, che chắn bão cát, khắc chế sa mạc cát, chống mưa bão, giữ ẩm, cải tạo môi trường cảnh quan, nuôi dưỡng mạch nước ngầm ngọt mát, cho dân yên tâm sinh sống, sản xuất. Khu rừng bạt ngàn xanh tươi trước kia giờ bị phá sạch, đốt sạch. Khu rừng bị tàn phá từ tháng 4 và đến tháng 6-2019 thì cơ bản bị phá trắng”.
Hàng trăm hécta rừng dương bị tàn sát, người dân lo ngại rồi đây bão cát uy hiếp nhà cửa
Hàng trăm hécta rừng dương bị tàn sát, người dân lo ngại rồi đây bão cát uy hiếp nhà cửa
Ông Năm kể thêm, rừng được hình thành từ rất lâu. Sau này, theo dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (chương trình trồng rừng BAM-327 của Chính phủ), người dân mới hưởng ứng trồng bổ sung thêm, dần tăng diện tích lên 250ha, thuộc địa phận 2 xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và Cát Chánh (huyện Phù Cát). Trong chiến tranh, toàn bộ khu rừng dương là nơi để bộ đội ẩn náu, chiến đấu và mở đường máu giải phóng Quy Nhơn. Rừng được gầy dựng từ nhiều thế hệ dân làng, có những cây dương cổ thụ, đường kính trên 1m, độ che phủ rất lớn…
Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh cho biết: “Khoảng năm 2009, UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai triển khai dự án phong điện. Riêng địa bàn xã Cát Chánh có 130ha. Tỉnh yêu cầu khi triển khai dự án, DN phải giữ lại rừng dương để chống bão cát cho người dân. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, DN lại thiếu trách nhiệm bảo vệ rừng cây, môi trường sống cho người dân; trì hoãn triển khai dự án; không hề hợp tác với địa phương. Giờ điện gió chẳng thấy đâu, rừng cây bị cưa phẳng, phá trắng, đốt trắng mà chủ đầu tư không kịp thời báo cáo cho chính quyền, đơn vị chức năng để ngăn chặn thì rất khó hiểu…”.
Phá rừng có tổ chức
Ghi nhận tại hiện trường, cả khu rừng giữ chức năng phòng hộ rộng bạt ngàn giờ bị đốt cháy, ám khói loang lổ giữa hoang mạc cát. Ước tính phải hàng trăm ngàn cây dương cổ thụ, đường kính từ 10cm - 50cm, có cây đường kính trên 1m bị cưa phẳng sát cội. Hiện trường cho thấy, đây là một vụ phá rừng rất quy mô, có tổ chức.
Các đối tượng sử dụng cưa máy và phương tiện cơ giới để mở đường vào phá rừng. Sau khi cưa hạ thì cây lớn được vận chuyển đi nơi khác để tiêu thụ, còn hiện trường được dọn dẹp và đốt cháy nhiều lần để xóa dấu vết, làm cũ vết cưa hạ. Đặc biệt, chỉ có diện tích rừng được giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai là bị phá sạch, đốt sạch.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đây là một vụ “thủ tiêu” rừng có tổ chức, bài bản, rất chuyên nghiệp và có kế hoạch. Các đối tượng phá rừng đã móc ngoặc với nhau, lên kế hoạch rất kỹ lưỡng từ trước.
Các đối tượng có khả năng đã được “bật đèn xanh” để phá rừng, bán gỗ. Một nguồn tin riêng cho biết, số lượng cây rừng bị cưa hạ khoảng 100.000 cây, ước tính tiền bán gỗ khoảng 5 đến 6 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) cho biết, đã nhận được phản ánh của Quân chính thôn Huỳnh Giản Bắc tập hợp từ ý kiến của người dân về việc rừng dương bị chặt phá, đốt cháy. Các phản ứng, lo ngại của người dân là hoàn toàn chính đáng.
Địa phương đã báo cáo Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định và ban đã yêu cầu Công ty CP Phong điện Phương Mai phải báo cáo, làm rõ tình hình thực tế; đồng thời phải có biện pháp bảo vệ, trồng lại rừng.
Ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định (đơn vị quản lý nhà nước, được giao quản lý dự án phong điện Phương Mai 1), cho biết: Đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Bình Định vào cuộc điều tra nguyên nhân rừng bị phá, đốt cháy. Diện tích ở đây chủ yếu được quy hoạch để làm phong điện, phục vụ du lịch và khai thác năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch, ở đây chỉ cho phép chặt hạ một số diện tích rừng đủ để trồng trụ điện gió, không được phá trắng.
Hiện Thanh tra tỉnh và Cảnh sát Môi trường tỉnh Bình Định đang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng trên. Đại diện Công an tỉnh Bình Định nhận định, vụ phá rừng này rất phức tạp, chưa có tiền lệ, các đối tượng huy động phá rừng rất quy mô ngay sát khu dân cư. Trong khi đó, lãnh đạo Công ty CP Phong điện Phương Mai cho đến nay vẫn chưa phản hồi các câu hỏi về trách nhiệm khi để rừng phòng hộ bị phá trắng.
NGỌC OAI (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.