Rủ nhau đi chợ trời Olympic ở Phnom Penh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở khu chợ trời Olympic (quận Chamkar Mon, Phnom Penh), có những tiểu thương người Việt sáng ngồi xe đò qua buôn bán, lấy hàng rồi về ngay trong chiều. 
Chị Hoàng Thúc Trinh (trái) ngồi xe Tuk Tuk đi lấy hàng ở Phnom Penh
Chị Hoàng Thúc Trinh (trái) ngồi xe Tuk Tuk đi lấy hàng ở Phnom Penh
Từ nhu cầu này, những người gốc Việt kinh doanh ở chợ đứng ra làm “nhà kho ký gửi” hàng hóa về VN.
Sáng đi chiều về
11 giờ trưa, khi chuyến xe đò đầu tiên từ VN tới bến xe trung tâm thành phố Phnom Penh, chị Hoàng Thúc Trinh (31 tuổi, nhà ở Đồng Nai) vội gọi người tài xế xe Tuk Tuk quen thuộc để bắt đầu mấy tiếng đồng hồ đi các chợ lớn lấy hàng, gửi hàng. Chị nói đi riết quen rồi nên chẳng có cảm giác đi buôn ở nước ngoài nữa.
Người tài xế tên Ba vội chở chị Trinh tới nhà người bạn Campuchia mà chị quen trong mấy lần lấy hàng trước đây.
“Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Anh vì cổ không biết tiếng Việt, còn tôi không nói được tiếng Khmer. Nhờ có cổ, tôi biết chỗ nào bán quần áo đẹp, chỗ nào giá rẻ. Cổ tư vấn rất tận tình”-chị Trinh nói.
Khác với lúc mới sang cách đây hai năm, chưa quen biết ai, chị khá khổ sở trong việc tìm nguồn hàng, nhà cung cấp uy tín.
Khi ghé vào chợ, chị cùng người bạn nhanh chóng rẽ vào những sạp hàng quen. Gần cuối năm nên hàng về nhiều, chỉ chừng nửa tiếng chị đã gom được một kiện quần jean, áo thun nữ đủ kiểu dáng. Rẽ qua một cửa tiệm bán đồ tuổi teen, chị tiếp tục lựa hàng.
Chị chia sẻ: “Tôi thường lấy quần áo xuất xứ Thái Lan, Campuchia vì khách rất chuộng. Nếu đi qua Thái chọn thì giá rẻ một chút nhưng lại tốn thời gian hơn, nên tôi thường lấy hàng ở Phnom Penh cho tiện”.
Không riêng quần áo, chị còn lấy thêm các loại mỹ phẩm để bán. Đặc biệt dịp gần tết, chị còn lấy các loại nước ngọt của Thái vì bán rất chạy.
Theo lời chị, đi về như vậy cũng không trở ngại gì vì việc đi lại cũng thuận tiện. “Đặt hàng gửi về thì sợ không đúng ý mình, nên tốt nhất là đi lấy trực tiếp. Một số bạn bè của tôi cũng thường làm như vậy”-chị nói.
Những cửa tiệm treo toàn quần áo cũ là một nét riêng của chợ Olympic. Có hẳn một con đường trong chợ bán mặt hàng này, từ sáng tới chiều nhộn nhịp người ghé lựa để mua sử dụng hoặc đem về bán lại.
Tiểu thương từ VN qua cũng thường ghé lại nơi này để lấy hàng, rồi về bán lại ở các chợ TP. Hồ Chí Minh, các tiệm quần áo cũ ở TP. Hồ Chí Minh... Quần áo tuy cũ nhưng có xuất xứ đa dạng, nếu chịu khó lựa người mua có thể chọn được những bộ đồ “vía” để bán lại với giá cao gấp chục lần.
Theo lời một số chủ tiệm quần áo cũ, nhiều tiểu thương Việt chỉ chuyên lựa những bộ mới và đẹp về bán lại với giá cả triệu đồng/áo hoặc đầm.
Ở một tiệm quần áo cũ khá lớn, bà Trương Thị Xuân (45 tuổi, nhà ở Bình Dương) đang “ra sức” gom quần áo cũ. Bán quần áo “sida” hơn chục năm nay, khu chợ này là nơi bà thường xuyên lui tới bởi nguồn hàng nhiều và buôn bán trực tiếp với người gốc Việt nên khá thoải mái.
“Quần áo nếu còn tốt, kiểu dáng đẹp thì giá từ 10.000 đồng trở lên, đồ nào ẹ hơn thì giá thấp dần, có cả đồ cân ký nữa. Bán mặt hàng này nếu chịu khó cũng lời nhiều”-bà nói.
Tuần nào bà cũng từ Bình Dương đi xe lên cửa khẩu Mộc Bài ở Tây Ninh rồi đón xe qua Phnom Penh. Lấy hàng xong, bà thường gửi xe đò về tận nơi.
“Nhà kho ký gửi”
Với những người VN không có thời gian đi về giữa VN và Phnom Penh, họ chọn cách nhờ những chủ tiệm bên này lấy hàng rồi gửi về giúp.
Từ nhu cầu này, một số chủ tiệm người gốc Việt đã nhận gửi hàng, thậm chí có người xoay qua chuyên làm nghề ký gửi. Người nhận hàng sẽ trả cho họ một số tiền gồm phí gửi xe và tiền công lấy hàng, còn việc chọn mua đồ họ sẽ lo liệu.
Theo lời họ, nghề ký gửi quần áo về VN bắt đầu từ hơn chục năm nay và người nhận ký gửi sống “khỏe re” với nghề này.
Ông Nguyễn Hữu Hà (56 tuổi, quê Đồng Tháp) kể lại cái duyên với nghề ký gửi: “Cách đây chục năm, tôi cũng bán quần áo cũ như nhiều người trong chợ này. Bán lâu nên tôi thường có bạn hàng là người từ VN qua. Thấy họ than thở đi về mệt quá, tôi mới nảy ra ý định nhận ký gửi cho họ”.
Buôn bán lâu năm, ông Hà biết được nhiều mối lấy hàng tốt, giá rẻ. Hàng của ông có xuất xứ từ Nhật, Mỹ, Thái Lan, nhiều khi lấy được hàng mới, chỉ bị vài lỗi nhỏ về đường may nên bạn hàng của ông rất chuộng.
“Làm nghề này coi như chính mình lấy món hàng đó về bán, cũng lựa chọn công phu mới có hàng tốt được” - ông nói.
Ông Hà hiện nhận ký gửi cho 20 tiểu thương ở VN. Cứ chừng một tuần, ông lại lấy hàng, phân loại, đóng kiện rồi gửi về cho họ.
Ông chia sẻ: “Trước đây tôi cũng làm qua nhiều nghề như bán quán cà phê, đổi tiền, bán quần áo, nhưng thấy nghề ký gửi này nhàn hơn cả. Mình đã có sẵn các mối lấy hàng, các hãng xe uy tín, cứ vậy mà làm thôi”.
Có thời gian người ký gửi nhiều, mỗi ngày ông kiếm lời 1-2 triệu đồng là chuyện bình thường. Nhờ vậy, ông lo cho hai con trai ăn học thành tài, có tiền lo cho mẹ già ở quê nhà.
Ở con đường 362 yên tĩnh cách chợ trời Olympic không xa là nhà và cũng là chỗ bán quần áo cũ của vợ chồng bà Thái Thị Kim (56 tuổi). Bà Kim nói khoảng hai năm trở lại đây mặt hàng này cạnh tranh mạnh.
Ông bà thường lấy hàng ở các tiệm lớn của chợ Olympic, chợ Orussey rồi về phân loại, bán lại. Ngoài bán tại nhà, ông bà còn thuê sạp tại chợ Bàu Nau cách đó gần 20km, vì chợ này ở ngoại thành nên có nhiều công nhân, người lao động nghèo chọn mua.

“Trước đây tôi cũng làm qua nhiều nghề như bán quán cà phê, đổi tiền, bán quần áo, nhưng thấy nghề ký gửi này nhàn hơn cả. Mình đã có sẵn các mối lấy hàng, các hãng xe uy tín, cứ vậy mà làm thôi".

Ông Nguyễn Hữu Hà

Vợ chồng bà Kim còn nhận ký gửi cho những tiểu thương từ VN sang. Có người mỗi lần lấy ba kiện hàng, mỗi kiện cả ngàn chiếc quần áo.

“Người ta lấy nhiều thì mình cũng phải giữ uy tín, lựa cho người ta đồ còn tốt chứ không được làm ẩu. Buôn bán cái gì cũng phải có lời, nhưng lời vừa phải để còn làm ăn lâu dài”-bà Kim nói.
Đi giữa khu chợ Olympic với những cửa hàng, sạp quần áo cũ, chúng tôi chợt nhớ đến chợ Hoàng Hoa Thám ở Sài Gòn, cũng với những cửa hàng tương tự và cách làm ăn thuận mua vừa bán, có nét chất phác lẫn những mánh lới làm ăn (dĩ nhiên rồi!). Người Việt dù có đi đâu cũng giữ những tính cách đặc trưng của mình.
Ngoài những người từ VN qua Phnom Penh chuyên mua bán quần áo, mỹ phẩm, nước ngọt, còn có người từ các tỉnh miền Tây đi xe máy qua những vùng trồng thốt nốt để chọn mua, rồi bán lại ở Phnom Penh.
Mỗi chuyến đi của họ kéo dài đến ngày hôm sau, cực nhọc hơn nhưng có khi cả gia đình đều làm nghề này. Ngoài ra, còn có những người sáng đón xe đò qua Phnom Penh bán vé số, bán hàng rong, rồi chiều hoặc một vài ngày sau về lại VN.
Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.