Rong ruổi nghề "hai sọt"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bất kể trời nắng hay mưa, ngày cuối tuần hay ngày lễ, những người bán hàng dạo vẫn miệt mài mưu sinh trên các con đường từ phố thị đến làng quê với mong muốn đủ sống qua ngày.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề buôn bán thực phẩm dạo trong làng, chị Trần Thị Thu Dung (SN 1984, trú tại thôn Đoàn Kết, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) thuộc lòng từng con đường, nóc nhà. Thức dậy từ 3 giờ 30 phút sáng, chị ra chợ lấy từ rau quả, đồ ăn sáng đến thịt, cá, tôm, cua… Những ngày rằm, mùng 1 Âm lịch, chị mua thêm ít hoa tươi, trái cây để bán cho khách. Trời vừa hửng sáng là lúc chị Dung xuất phát đi vào các làng trên chiếc xe cúp cà tàng, chở theo 2 cái sọt chất đầy hàng hóa. Thường thì khi mặt trời gần đứng bóng chị mới trở về nhà.
Với chị Dung, nghề này quan trọng nhất là sự trung thực. Khách hàng phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số nên một khi tạo dựng được lòng tin thì họ sẽ trở thành khách hàng thân thiết. Biết tiếng Jrai cũng là một lợi thế giúp chị bán đắt hàng hơn. Bình quân mỗi ngày, chị lấy trên 1 triệu đồng tiền hàng, nếu bán hết thì lãi khoảng 150.000-200.000 đồng; còn ngày mưa dầm, bán ế thì lời lãi chẳng đáng là bao. Vì là hàng thực phẩm, giá cả thay đổi theo ngày nên những người bán dạo như chị phải tính toán rất kỹ, nếu không rất dễ bị âm vốn.
Xe bán thực phẩm dạo của chị Trần Thị Thu Dung (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa). Ảnh: V.C
Xe bán thực phẩm dạo của chị Trần Thị Thu Dung (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa). Ảnh: V.C
Theo chị Dung, để giữ mối, chị phải chấp nhận bán nợ cho khách. Vì hoàn cảnh khó khăn nên nhiều gia đình phải mua nợ và trả gối đầu, nhà nợ ít cũng 200 ngàn đồng, có nhà nợ đến hơn 1 triệu đồng, phải đợi vào mùa thu hoạch mới có thể thu hồi vốn để xoay vòng. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, hình ảnh chị Dung và chiếc xe chở 2 sọt hàng đã trở nên quá quen thuộc với người dân khắp các làng: H’Lin 1, Đak Chá, Hoa Sen… Nhà ai cần gì cúng giỗ, đám tiệc đều đặt hàng chị từ ngày hôm trước. Nhiều khi mỏi mệt, muốn nghỉ một vài ngày nhưng nghĩ tới việc bà con đang đợi mình mang tới bán từng bó rau, con cá, chị lại tiếp tục lên đường.
Anh Trần Văn Tuyền (SN 1987) và Trần Văn Tình (SN 1989, cùng trú tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đak Lak) cũng đã có 9 năm gắn bó với nghề bán quần áo dạo. Anh Tuyền cho biết, gia đình 2 anh có một sạp bán quần áo tại chợ, những mặt hàng bán chậm do thiếu size, họ gom hết đánh xe đi bán dạo khắp các tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Lâm Đồng. Tùy lượng hàng bán ra nhanh hay chậm, chuyến đi có khi kéo dài đến cả tháng. Mỗi địa điểm, 2 anh dừng chân 2-3 ngày, sau đó rời đi nơi khác. Bình quân mỗi ngày, 2 anh em thu về 500.000-700.000 đồng. Điều quan trọng nhất của nghề bán quần áo dạo là mặt hàng phải đa dạng mẫu mã và giá cả phải chăng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “Nghề này vất vả lắm, ở thị trấn còn có nhà trọ tối đến ngả lưng cho đỡ mệt chứ về những vùng nông thôn thì ăn ngủ trên xe luôn. Nhiều khi nhớ nhà lắm nhưng vì miếng cơm, manh áo nên phải cố gắng. Chủ yếu tranh thủ mùa khô rồi ngày lễ, Tết, chứ sang mùa mưa thì ế lắm”-anh Tuyền tâm sự.
Các mặt hàng bán dạo luôn phải đa dạng để thu hút khách hàng. Ảnh: V.C
Các mặt hàng bán dạo luôn phải đa dạng để thu hút khách hàng. Ảnh: V.C
Cũng đã từng có thời gian thuê địa điểm bán trái cây tại chợ nhưng sạp hàng của anh Nguyễn Văn Hậu (SN 1991, trú tại tỉnh Bình Định) thưa vắng người mua. “Cái chân quen đi rồi, ngồi một chỗ tù túng lắm, ngủ gật miết”-anh Hậu cười nói. Với chiếc xe máy cũ, 1 cái sọt sắt và 1 chiếc dù cá nhân, anh Hậu rong ruổi khắp các chợ huyện trên địa bàn tỉnh mưu sinh. Anh tự nhủ phải ráng làm khi còn trẻ chứ nghề này rất cực, thêm vào đó trái cây là mặt hàng không để được lâu. “Mỗi ngày chạy cả trăm cây số là chuyện thường, như sáng bán tại chợ Ayun Pa nhưng chiều tranh thủ chạy vào chợ Chư Răng, Pờ Tó (huyện Ia Pa). Hàng phải đa dạng, mùa nào thức đó, từ cam, quýt, vải, nhãn, chôm chôm… để đáp ứng nhu cầu khách hàng”-anh Hậu nói. Giá cả cũng phải mềm hơn thì mới có thể cạnh tranh với các quầy hàng tại chỗ. Chị Phạm Thị Tươi (thôn Đoàn Kết, xã Chư Răng, huyện Ia Pa) vui vẻ nói: “Mình hay mua hàng tại những xe bán dạo thế này vì trái cây tươi ngon, giá cả cũng phải chăng”.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.