Nhà Trắng đang vất vả ứng phó đợt rò rỉ nhiều thông tin mật, bao gồm cả chi tiết về các thói quen của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Trump ký một sắc lệnh tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters) |
Suốt nhiều ngày qua, các báo lớn của Mỹ như The New York Times, The Washington Post và The Huffington Post đăng tải hàng loạt thông tin được cho là do các nhân viên Nhà Trắng giấu tên tiết lộ. Trong đó, ngoài vấn đề liên quan đến chính sách và việc công, còn có nhiều chi tiết về Tổng thống Donald Trump.
Cuộc gọi nhầm lúc 3 giờ sáng
Ngày 8-2, The Huffington Post dẫn lời một nhân viên Nhà Trắng nói ông chủ mới của mình rất để ý từng chi tiết xung quanh và đôi khi những chuyện nhỏ nhặt cũng có thể khiến nhà lãnh đạo Mỹ trở nên rất vui hoặc nổi giận. Đích thân ông chọn cà vạt trong những lần xuất hiện quan trọng để thể hiện cá tính và phong cách của mình và theo dõi rất kỹ những lần các cố vấn và trợ lý xuất hiện trên truyền hình và báo đài.
Ngoài ra, tổng thống không bỏ qua buổi phát sóng nào của chương trình hài cuối tuần nổi tiếng Saturday Night Live’s, dù không ít lần ông “nổi đóa” vì những nội dung châm chọc chính quyền. Trong khi đó, một trợ lý không nêu tên tiết lộ ông Trump từng trách móc cấp dưới vì một chiếc khăn tay trên chuyên cơ Air Force One “quá thô ráp, không được mềm mại”.
Cùng ngày, một nguồn tin khác tiết lộ với The New York Times rằng tổng thống có thói quen thức khuya để suy nghĩ về công việc nhưng ông không ngồi một chỗ mà đi tới đi lui trong Nhà Trắng, “có khi chỉ mặc chiếc áo choàng tắm màu trắng”.
Mặt khác, ngau sau khi đắc cử, Tổng thống Trump từng tuyên bố ông không cần những bản báo cáo dài hằng ngày. Đến nay, các cố vấn tiết lộ đúng là chủ nhân mới của Nhà Trắng yêu cầu báo cáo chỉ dài khoảng một trang và có không quá 9 gạch đầu dòng. Tuy nhiên, một số chuyên gia và cựu quan chức chỉ trích thói quen này có thể khiến tổng thống không nhận được đầy đủ dữ kiện, có thể dẫn đến nguy cơ ra quyết định sai.
Theo 2 nguồn giấu tên khác, có lần ông Trump băn khoăn về sức mạnh của đồng USD và liền gọi ngay cho một trong các cố vấn dù lúc đó đã là 3 giờ sáng. Tuy nhiên, ông lại gọi nhầm cho cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn, người có kinh nghiệm lâu năm về phản gián và tình báo chứ không phải kinh tế vĩ mô. Thế là viên tướng “ngái ngủ” khuyên tổng thống nên nói chuyện với một nhà kinh tế.
Bên cạnh đó, trong số thông tin rò rỉ cũng có những chuyện thuộc diện quốc gia đại sự như chi tiết trong cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto ngày 27.1 và Tổng thống Trump được cho là đã dọa ông có thể điều quân đến Mexico để trừng trị “những kẻ xấu”. Ngoài ra còn có thông tin về công tác chuẩn bị nhân sự cho Tòa án tối cao và bản thảo sắc lệnh nhằm bảo vệ những người kỳ thị hôn nhân đồng giới bị tiết lộ trên tờ The Washington Post.
Bịt lỗ rò
Đến nay, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer phải liên tục lên tiếng bác bỏ nhiều thông tin mà ông gọi là “tin vịt”, chẳng hạn như chuyện tổng thống “mặc áo choàng tắm” trên The New York Times. Tuy nhiên, chính quyền cũng nhiều lần không phủ nhận mà từ chối bình luận hoặc khẳng định đang truy tìm những người tuồn thông tin mật ra ngoài.
Trong khi đó, giới chuyên gia và một số cựu quan chức nhận định nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ sự cạnh tranh nội bộ ngay trong đội ngũ của tổng thống. Trong đó, có thể một phe nhóm nào đó muốn cô lập đối thủ hoặc tạo áp lực dư luận để phản đối những quyết sách mà họ không đồng tình.
Theo truyền thông Mỹ, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng hiện diễn ra giữa nhóm của chiến lược gia trưởng Stephen Bannon và Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus. Ông Bannon cùng trợ lý chính sách Stephen Miller được xem là “vô cùng quyền lực” và chính là 2 người soạn thảo sắc lệnh hành pháp về hạn chế nhập cảnh đang gây tranh luận dữ dội. Bản thân Ủy viên Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Randy Evans cũng dự đoán: “Tất cả vẫn còn quá mới và tôi nghĩ các bạn sẽ còn thấy nhiều “chiêu” nữa vì các bên đang trong giai đoạn muốn thể hiện mình trội hơn”.
Theo Thanhnien
Xin visa Mỹ có thể phải khai mật khẩu mạng xã hội Các trường hợp xin cấp thị thực nhập cảnh Mỹ trong tương lai có thể sẽ phải cung cấp mật khẩu tài khoản mạng xã hội cá nhân để phục vụ cho việc kiểm tra hồ sơ và phát hiện sớm những người có biểu hiện cực đoan. Đó là phát biểu của tân Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly trong cuộc điều trần tại Hạ viện ngày 8-2. AFP dẫn lời ông cho rằng biện pháp này là một phần trong nỗ lực kiểm tra lý lịch những đối tượng có thể gây đe dọa an ninh quốc gia, đặc biệt là công dân 7 nước Hồi giáo nằm trong sắc lệnh nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump. Bộ trưởng Kelly nhấn mạnh dù vẫn chưa có quyết định chính thức về vấn đề này nhưng Mỹ chắc chắn sẽ thắt chặt các biện pháp kiểm tra dù có thể sẽ kéo dài thời gian chờ cấp visa. |