Quyết liệt nhưng bình tĩnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau thông tin từ phía Nhật Bản về việc phát hiện một phụ nữ quê ở tỉnh Hải Dương dương tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh nước này, quãng thời gian 55 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng đã chấm dứt, thay vào đó là thông tin dồn dập về số ca dương tính được phát hiện tăng nhanh ở 2 địa phương giáp ranh là Hải Dương, Quảng Ninh.

Đúng là đã rất lâu rồi chúng ta mới phải sống trong bối cảnh đầy cảm xúc với dịch bệnh. Vào cuối tháng 7- 2020, vừa mới tạm yên, chưa kịp mừng vì những thành công bước đầu trong phòng chống Covid-19 thì cả nước lại phải tất bật với sự trở lại của dịch bệnh này. Lần trở lại ấy, với sự bùng nổ từ TP Đà Nẵng, diễn biến thật phức tạp, số người mắc và cả số người chết liên quan đến Covid-19 cũng tăng rất nhanh.

Nhưng, nếu có những sự lúng túng thì chỉ là ở giai đoạn 1, với cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, tất cả những gì liên quan đến Covid-19 đều mới lạ. Và đất nước ta, với chủ trương "chống dịch như chống giặc", với sự ra quân quyết liệt nhưng tỉnh táo, hiệu quả của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, dịch Covid-19 từng bước được khống chế.

Giải quyết vấn đề dịch bệnh là không hề đơn giản, kể cả với những nước văn minh và giàu có. Đấy là chưa nói đến sự phức tạp trong diễn biến rất khó lường của dịch Covid-19, mà bây giờ là biến thể mới với độc lực rất cao, tốc độ lây lan nhanh chóng.

Vì vậy, sự trở lại của dịch Covid-19 ở nước ta lần này, hay ở quốc gia nào khác nữa, cũng không phải là điều gì quá bất ngờ, dù không thể chủ quan. Việc này thì không chỉ riêng ngành y tế mà cả Chính phủ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời gian qua vẫn luôn nhắc nhở tất cả các địa phương, tất cả mọi người đều phải luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ, không được coi thường các biện pháp phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó trong tình hình mới.

Điều đáng mừng là ngay sau khi thông tin về ca bệnh ở Hải Dương được xác tín, toàn bộ hệ thống phòng thủ chống dịch của không chỉ ở Hải Dương, Quảng Ninh, mà là cả nước được kích hoạt. Những cuộc họp khẩn liên tục của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, của Bộ Y tế, có cả cuộc họp khẩn về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngay tại phòng họp thuộc Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình - nơi Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra.

Rất nhanh chóng, những việc gì cần thiết nhất để có tác dụng tốt nhất cho việc phòng chống dịch Covid-19 đều đã được triển khai. Lãnh đạo TP Hải Phòng còn quyết định mời nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng đã nghỉ hưu mấy tháng rồi, trở lại giúp TP điều hành chống dịch Covid-19 trong tình huống khẩn cấp. Không hề còn sự lúng túng như những ngày đầu dịch bệnh này vào nước ta.

Nhưng trước dịch bệnh thì không thể chủ quan để nói trước được điều gì, với dịch Covid-19 thì lại càng không. Người đứng đầu Chính phủ vừa chỉ đạo chúng ta phải "phản ứng cương quyết, thái độ dứt khoát hơn; tiếp tục thực hiện biện pháp hành chính mạnh mẽ; khoanh vùng, cách ly truy vết thần tốc trên diện rộng nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh".

Bình tĩnh luôn là sự cần thiết khi phải đối diện với mọi hiểm nguy.

 

Theo LƯƠNG DUY CƯỜNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.