Quyết liệt ngăn chặn xe quá khổ, quá tải trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào mùa cao điểm vận tải hàng hóa phục vụ Tết và thu hoạch nông sản, tình trạng phương tiện chở quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh Gia Lai thường xảy ra. Vì vậy, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã chủ động triển khai công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời xử lý các phương tiện vi phạm, qua đó hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ.
Kiểm tra tải trọng xe chở mía
Từ cuối tháng 12-2019, Nhà máy Đường An Khê và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đã chính thức khởi động việc thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2019-2020. So với mọi năm, thời điểm thu mua mía chậm hơn khoảng 1 tháng. Nguyên nhân là do nắng hạn kéo dài khiến cây mía kém phát triển, chậm được thu hoạch.
Tại 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh (Đak Pơ, Kông Chro, Kbang và An Khê), tổng diện tích mía niên vụ 2019-2020 ước tính trên 23.600 ha. Hiện nay, nông dân và các đại lý đang khẩn trương thu hoạch mía. Khắp các ngả đường chính như quốc lộ 19, đường Trường Sơn Đông, tỉnh lộ 669, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở mía về Nhà máy Đường An Khê. Trước tình hình này, Thanh tra Sở GT-VT đã tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý nghiêm các trường hợp xe chở quá khổ, quá tải theo quy định.
Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải cân tải trọng một xe chở mía. Ảnh: L.H
Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải cân tải trọng một xe chở mía. Ảnh: L.H
Ngày 29-12-2019, chúng tôi theo chân Đội Thanh tra Giao thông số 1 thuộc Thanh tra Sở GT-VT tiến hành kiểm tra các phương tiện chở mía có dấu hiệu quá khổ, quá tải tại khu vực phía Đông tỉnh. Vào khoảng 10 giờ đến 12 giờ, trên tuyến quốc lộ 19, đoạn giao với đường Trường Sơn Đông, Đội đã yêu cầu 3 xe tải chở mía của Công ty TNHH một thành viên Thiều Tiến Đạt (thôn 4, xã An Thành, huyện Đak Pơ) cân kiểm tra tải trọng xe. Qua cân kiểm tra, Đội phát hiện 1 xe chở quá tải trọng nhưng chưa tới 10% nên chỉ nhắc nhở.
Ông Thiều Xuân Yên-thành viên Công ty TNHH một thành viên Thiều Tiến Đạt-cho biết: Công ty có 8 xe chở mía tải trọng từ 30 đến 34 tấn phục vụ vận chuyển mía cây từ ruộng về Nhà máy. Quán triệt chỉ đạo của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và Nhà máy Đường An Khê, Công ty yêu cầu toàn bộ tài xế phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông Đường bộ, đặc biệt là không chở quá khổ, quá tải dễ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây hư hại đường sá…
Dọc tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn qua xã Chơ Long (huyện Kông Chro), Đội Thanh tra Giao thông số 1 phát hiện xe tải BKS 78C-015.54 có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra tải trọng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chiếc xe này không vi phạm về tải trọng. Tương tự, dọc các tuyến Trường Sơn Đông, quốc lộ 25 đoạn qua địa bàn các huyện Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa, lực lượng Thanh tra Giao thông không phát hiện trường hợp xe chở mía hay hàng hóa nào có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải.
Ông Nguyễn Trung Sơn-Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông số 1-cho biết: Theo ghi nhận ban đầu, hầu hết các xe tải chở mía đều chấp hành khá tốt quy định về tải trọng. Điều này cho thấy, ý thức của các chủ phương tiện đã được nâng cao, sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đã quyết liệt hơn. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu vụ. Chúng tôi hy vọng ở các thời gian tiếp sau, các phương tiện vẫn sẽ chấp hành nghiêm quy định về tải trọng”-ông Sơn nhấn mạnh.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Theo ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở GT-VT, ngay từ thời điểm bước vào mùa vận tải cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán 2020, Sở GT-VT đã quán triệt tất cả các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông Đường bộ. Đối với xe chở mía, vừa qua, thanh tra viên và nhân viên phòng chuyên môn của Sở đã phối hợp cùng Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai tổ chức quán triệt các quy định về tải trọng, việc thay đổi kích thước thùng hàng của xe, chở vượt khổ… đến các chủ phương tiện và Ban Giám đốc các hợp tác xã có phương tiện vận chuyển mía nguyên liệu.
Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra điều kiện phương tiện, người lái đối với phương tiện của Công ty TNHH một thành viên Thiều Tiến Đạt. Ảnh: L.H
Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra điều kiện phương tiện, người lái đối với phương tiện của Công ty TNHH một thành viên Thiều Tiến Đạt. Ảnh: L.H

Trong năm 2019, Thanh tra Sở GT-VT đã tổ chức 20 cuộc thanh tra thường xuyên về vận tải hàng hóa. Cụ thể, đơn vị đã kiểm tra 455 phương tiện, phát hiện 351 trường hợp vi phạm, lập biên bản 558 trường hợp người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 133 tổ chức và 406 cá nhân với tổng số tiền xử phạt trên 2,34 tỷ đồng, tước quyền sử dụng có thời hạn 132 giấy tờ các loại, hạ tải 346,4 tấn hàng hóa…


“Ngoài việc quán triệt các quy định của pháp luật để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của tài xế, chủ phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, Sở còn chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn giao thông, bảo vệ tốt hạ tầng giao thông hiện có”-ông Dũng nhấn mạnh. 
Phó Giám đốc Sở GT-VT cũng thừa nhận, trên thực tế đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng xe chở quá khổ, quá tải lưu thông, dù mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm này không hề nhẹ. Phổ biến nhất là tình trạng tài xế lợi dụng địa bàn vùng sâu, vùng xa vắng bóng lực lượng chức năng hay căn thời điểm giờ nghỉ, ngày lễ, Tết để tranh thủ hoạt động.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đăng Hưng-Chánh Thanh tra Sở GT-VT: “Khó khăn hiện nay là lực lượng thanh tra viên còn mỏng, địa bàn trải rộng, phương tiện hỗ trợ phần nào hạn chế. Do đó, công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm vẫn gặp khó khăn. Nhiều trường hợp tài xế chở quá khổ, quá tải bất hợp tác, chống đối khi bị yêu cầu hạ tải… khiến công tác xử lý đôi khi còn vất vả, phức tạp và thậm chí nguy hiểm”.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.