Quốc lộ 14C thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quốc lộ 14C là tuyến giao thông quan trọng nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia. Những năm qua, tuyến đường này được Nhà nước đầu tư nâng cấp. Trong tương lai, đây sẽ là tuyến giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh khu vực biên giới.

Ông Phùng Văn Việt-Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh là một trong những người gắn bó với cung đường 14C ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Ông Việt chia sẻ: Đây là một trong những nhánh quan trọng trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau giải phóng, tuyến đường được gọi là tỉnh lộ 661 và tỉnh lộ 668. Ngày 21-6-1996, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) quyết định chuyển thành quốc lộ 14C, chạy song song và cách biên giới Việt Nam-Campuchia khoảng 6-11 km. Quốc lộ 14C có điểm đầu là ngã tư Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), chạy qua các tỉnh: Gia Lai, Đak Lak và kết thúc tại Cửa khẩu Bu Prăng (huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông) với tổng chiều dài khoảng 426 km.

“Đoạn qua tỉnh Gia Lai, quốc lộ 14C có chiều dài gần 100 km; điểm đầu tại Km 107 thuộc bờ Bắc sông Sê San (giáp địa phận tỉnh Kon Tum), điểm cuối tại Km 202 thuộc bờ Bắc sông Ia Hlốp (giáp địa phận tỉnh Đak Lak). Từ năm 2000 đến nay, quốc lộ 14C dần được đầu tư xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng chưa được đồng đều bởi điều kiện khi ấy chưa cho phép”-ông Việt thông tin.  

Quốc lộ 14C-đoạn qua xã Ia Púch (huyện Chư Prông) vừa được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Lê Hòa
Quốc lộ 14C-đoạn qua xã Ia Púch (huyện Chư Prông) vừa được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Lê Hòa

Từ nguồn vốn bảo trì đường bộ trung ương phân cấp, mới đây, Sở GT-VT đã triển khai sửa chữa nền mặt đường, rãnh thoát nước dọc và hệ thống an toàn giao thông đoạn từ Km 169+200 đến Km 171, Km 176 đến Km 186+500 quốc lộ 14C đoạn qua xã Ia Púch (huyện Chư Prông) với tổng kinh phí gần 40,8 tỷ đồng. Công trình khởi công từ ngày 10-7-2020, hoàn thành khối lượng thi công ngày 5-2-2021. Tuyến đường thi công trên cơ sở bám theo nền đường cũ, láng nhựa 3 lớp với bề rộng mặt đường 5,5 m, bề rộng nền đường 7,5 m, hệ thống thoát nước dọc cùng các công trình phòng hộ và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch-phấn khởi nói: “Quốc lộ 14C đoạn qua địa bàn xã có chiều dài 8,7 km. Việc đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ 14C sẽ tạo động lực thúc đẩy giao thương, đi lại cho người dân xã nhà. Hàng hóa, nhất là nông sản từ các tỉnh có thể vận chuyển trên tuyến, tiết kiệm được chi phí. Đặc biệt, với việc hoàn thiện mạch máu giao thông quan trọng qua các địa bàn vùng biên giới sẽ góp phần gia tăng khả năng phòng thủ trên tuyến biên giới, đảm bảo an ninh-trật tự tại địa bàn”.

Bà Nguyễn Thị Thanh-Chủ tịch UBND xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) cho hay: Khoảng 5 năm trước, Ia Nan là một trong những xã có hạ tầng giao thông khó khăn bậc nhất ở huyện biên giới Đức Cơ. Sau khi quốc lộ 14C được đầu tư thảm nhựa, diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày. Hiện nay, xã chỉ còn 46 hộ nghèo (chiếm 3,9%). Đây là một trong những kết quả đáng mừng đối với một xã vùng sâu, vùng xa trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp khó khăn như những năm vừa qua.

Quốc lộ 14C sau đầu tư nâng cấp đã đem lại sức sống mới cho các thôn, làng xã Ia Nan (huyện Đức Cơ). Ảnh: Lê Hòa
Quốc lộ 14C sau đầu tư nâng cấp đã đem lại sức sống mới cho các thôn, làng xã Ia Nan (huyện Đức Cơ). Ảnh: Lê Hòa

Theo ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT, sau nhiều năm nỗ lực huy động các nguồn vốn đầu tư, đến nay, đoạn quốc lộ 14C qua địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 6 km đường đất.

“Sở GT-VT sẽ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu phương án để sớm hoàn thành đoạn này nhằm mục tiêu hoàn tất việc nhựa hóa, bê tông hóa toàn tuyến, phát huy tối đa hiệu quả khai thác, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh khu vực biên giới”-ông Hạnh nhấn mạnh.

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.