Quản chặt cấp đổi, tra cứu sức khỏe để loại bỏ bằng lái xe giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhằn giảm thiểu tai nạn giao thông và quản chặt giấy phép lái xe, Tổng cục Đường bộ sẽ có nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái.

 
Sa hình sát hạch thực hành của một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Sa hình sát hạch thực hành của một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)




Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) sẽ tăng cường quản lý trong công tác sát hạch và kết nối dữ liệu liên ngành nhằm tra cứu sức khỏe lái xe trước khi cấp, đổi giấy phép lái xe.

Theo đó, về kiểm tra giám sát nội dung sát hạch lý thuyết, phòng sát hạch lý thuyết, các trung tâm đào tạo, sát hạch không để các máy tính trong phòng nối mạng internet hoặc nối mạng Lan ra ngoài phòng sát hạch; máy chủ và các máy trạm không được cài các phần mềm kết nối điều khiển máy tính từ xa, các phần mềm không liên quan đến nội dung sát hạch lý thuyết.

Trong quá trình sát hạch lý thuyết, sát hạch viên phải kiểm tra việc nhập số báo danh của thí sinh, đảm bảo đúng người dự sát hạch; thường xuyên kiểm tra quá trình thí sinh làm bài thi, tránh việc thí sinh sử dụng tài liệu, thiết bị nhằm gian lận hoặc nhắc bài thí sinh khác.

Tại khu vực trước khi vào phòng sát hạch lý thuyết và thực hành bổ sung biển thông báo ghi rõ "Không mang điện thoại và các thiết bị thu phát vào phòng sát hạch lý thuyết, thực hành; thí sinh vi phạm sẽ bị hủy kết quả sát hạch và xử lý theo quy định".

Về kiểm tra, giám sát nội dung sát hạch lái xe trong hình, trước khi thí sinh lên xe, sát hạch viên phải mở các cửa xe để kiểm tra thiết bị chụp ảnh và các vật dụng trên xe, đảm bảo hình ảnh in trên biên bản được rõ nét, đúng góc độ, trên xe không có trang thiết bị phục vụ việc gian lận khi thí sinh thực hiện bài sát hạch lái xe trong hình.

Đối với công tác cấp đổi giấy phép lái xe, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, hiện nay, đã có những trường hợp làm giả giấy phép lái xe dựa trên dữ liệu giấy phép lái xe thật (có họ và tên, số giấy phép lái xe, số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn ghi trên giấy phép lái xe giả trùng với thông tin trên cơ sở dữ liệu).

Vì vậy, khi thực hiện công tác cấp đổi giấy phép lái xe, cơ quan quản lý cần kiểm tra kỹ và so sánh các thông tin của người lái xe và thông tin trên cơ sở dữ liệu (ngày tháng năm sinh, địa chỉ, sổ chứng minh nhân dân/số căn cước công dân, ảnh chân dung, người ký giấy phép lái xe, số phôi) để kịp thời phát hiện các trường hợp gian dối và xử lý theo quy định.

Hiện nay, liên Bộ Y tế-Giao thông Vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ôtô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe, các cơ sở y tế có thẩm quyền đã tổ chức khám và kịp thời cấp giấy khám sức khỏe cho người có nhu cầu học lái xe, cấp đổi giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, do chưa có cơ chế phối hợp, nên vẫn có những trường hợp không đủ tiêu chuẩn sức khỏe những vẫn tham gia học lái xe, cấp đổi giấy phép lái xe, lái xe kinh doanh vận tải (do sử dụng giấy khám sức khỏe giả, giấy khám sức khỏe không do cơ quan có thẩm quyền của ngành y tế cấp) gây ra nhũng vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Để quản lý chặt chẽ điều kiện về sức khỏe của đội ngũ lái xe và thực hiện kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các ngành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) xây dựng, kết nối và chia sẻ dữ liệu cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe qua hệ thống mạng internet để Tổng cục và các Sở Giao thông Vận tải có thể tra cứu trước khi cấp đổi giấy phép lái xe cho người dân và người lái xe kinh doanh vận tải.

“Quản lý chặt chẽ công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết hiện nay,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.

Việt Hùng (Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.