Chung một dòng sông - Kỳ cuối: Góp sức xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dòng Sê San bao đời nay vẫn thế, những vùng đất nơi con sông chảy qua đã dệt nên những câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, sự đùm bọc, cưu mang và bảo vệ lẫn nhau của chính quyền và người dân 2 nước: Việt Nam-Campuchia. Ngày nay, cũng trên dòng sông ấy, chính quyền và người dân 2 bên biên giới tiếp tục viết nên nhiều câu chuyện đẹp về khát vọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Tiếp tục phát huy truyền thống
Ngày 18-2-1979, Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia được ký kết tại thủ đô Phnôm Pênh. Đây là sự kiện trọng đại mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 nước; khẳng định quyết tâm của Chính phủ và Nhân dân 2 nước phát triển mối quan hệ láng giềng thân thiện. Sau ngày đất nước Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer đỏ do Pol Pot lãnh đạo và hoàn toàn giải phóng, tỉnh Gia Lai-Kon Tum được giao nhiệm vụ kết nghĩa, hợp tác, giúp đỡ tỉnh Ratanakiri. Ngày 17-3-1979, Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU xác định nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế được Trung ương giao. Sau khi 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum chia tách, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc tế cao cả đó.
Tại hội nghị sơ kết chương trình hợp tác năm 2021 và đề ra phương hướng giai đoạn 2022-2025, ông Nhem Som Ươn-Tỉnh trưởng tỉnh Ratanakiri-cho biết: Chính phủ và Nhân dân Campuchia luôn biết ơn và ghi nhớ sự hy sinh, cống hiến xương máu của quân tình nguyện Việt Nam và các chuyên gia Việt Nam để đất nước Campuchia có được như ngày hôm nay. “Hiện nay, chính quyền và Nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế. Hai nước, hai dân tộc chúng ta đã có mối quan hệ tốt đẹp từ trước đến nay. Chính vì thế, chúng ta phải đoàn kết cùng nhau bảo vệ thành quả ấy”-ông Nhem Som Ươn nhấn mạnh. Ông cho biết thêm: “Ghi nhớ công lao hy sinh của bộ đội Việt Nam, chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2011 đến nay, Đội K52 đã tìm kiếm, quy tập, hồi hương được 523 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Ratanakiri”.
Các đại biểu chứng kiến Chủ tịch UBND tỉnh ký bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Các đại biểu chứng kiến Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành ký bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Để phát huy truyền thống tốt đẹp giữa chính quyền và người dân 2 bên biên giới, tỉnh Gia Lai và các tỉnh Đông Bắc Campuchia thường xuyên cử các đoàn sang thăm, chúc mừng nhân các ngày lễ, Tết của 2 nước. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm các tỉnh Đông Bắc Campuchia nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay. Lãnh đạo các địa phương nơi đoàn đến thăm bày tỏ lòng biết ơn vì sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam nói chung và chính quyền tỉnh Gia Lai nói riêng. Trong không khí thắm tình hữu nghị ấy, Tỉnh trưởng tỉnh Preah Vihear Prak Sovann cho rằng: “Dù 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 2 bên không đến thăm nhau, nhưng qua các phương tiện thông tin liên lạc vẫn thường xuyên trao đổi. Đặc biệt, chính quyền và người dân tỉnh Preah Vihear rất trân trọng sự giúp đỡ của các doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa phương, việc làm ấy không chỉ tăng thu nhập cho người dân mà còn giúp đỡ chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Trao đổi với chúng tôi về mối quan hệ tốt đẹp giữa Gia Lai và các tỉnh Đông Bắc Campuchia, ông Nguyễn Tùng Khánh-Giám đốc Sở Ngoại vụ-cho hay: Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống lâu đời và biên bản hợp tác giữa các bên, thời gian qua, Sở đã tham mưu giúp lãnh đạo tỉnh triển khai nhiều chủ trương, giải pháp để tiếp tục duy trì mối quan hệ đoàn kết tốt đẹp ấy. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại Campuchia, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp nước bạn đầu tư vào tỉnh ta để thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết gắn bó ấy.
Xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị
Trên đường biên giới của tỉnh, nhiều đoạn chưa được phân giới cắm mốc. Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Gia Lai và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia đã phối hợp chặt chẽ trong việc bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng-chống các loại tội phạm. Các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn biên giới cũng đã phối hợp chặt chẽ trong việc phòng-chống tội phạm, quản lý người xuất-nhập cảnh, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Từ năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng 2 bên đã tiến hành hành trao trả 8 đối tượng vi phạm các quy định về xuất-nhập cảnh; phát hiện 2 đường dây đưa người Việt Nam từ Gia Lai xuất cảnh trái phép sang Campuchia và ngược lại.
Nói về sự phối hợp giữa các lực lượng đứng chân trên địa bàn biên giới, Thượng tá Nguyễn Đức Hùng-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-chia sẻ: “Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng bảo vệ biên giới 2 bên góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới của mỗi nước. Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi thông tin với Tiểu đoàn Cảnh sát Biên phòng, Tiểu đoàn Bộ đội Biên phòng và các đồn, chốt của bạn để nắm bắt thông tin, phối hợp trong xử lý các tình huống. Cùng với đó, thời gian qua, Đồn đã hỗ trợ đơn vị bạn vật tư, trang-thiết bị y tế và nhu yếu phẩm để chống dịch trị giá gần 100 triệu đồng”.
Bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị luôn được chính quyền, người dân và lực lượng vũ trang 2 nước chú trọng. Trung tướng Khăm Suk-Chỉ huy trưởng Tiểu khu Quân sự tỉnh Ratanakiri khi đến thăm Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã bày tỏ: “Chúng tôi luôn hiểu về giá trị của hòa bình, hữu nghị. Nếu không có quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam sang giúp đỡ thì Nhân dân Campuchia sẽ không có được cuộc sống như ngày hôm nay. Chính vì thế, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin về hoạt động của các loại tội phạm để lực lượng chức năng phía Việt Nam nắm và triển khai đấu tranh bóc gỡ. Xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị để người dân yên tâm phát triển kinh tế là nhiệm vụ của lực lượng chức năng 2 bên biên giới cần thực hiện”.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tặng quà lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tặng quà lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Đại tá Trần Tiến Hải-Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh-thông tin: Thời gian qua, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song lực lượng bảo vệ biên giới 2 nước đã có nhiều hoạt động phối hợp như thông qua các buổi hẹn gặp, điện thoại và phương thức liên lạc khác để cùng trao đổi thông tin, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, phòng-chống tội phạm trên tuyến biên giới. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 bên nên Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triệt phá nhiều vụ án trên địa bàn biên giới.
Chẳng hạn, từ nguồn tin của lực lượng Bảo vệ biên giới Campuchia, sáng 21-6-2017, tại thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ), tổ tuần tra Đồn Biên phòng Ia Nan đã phối hợp với Phòng Phòng-chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) phát hiện và bắt giữ đối tượng Sok Ksol (SN 1992, trú tại huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri) khi đối tượng này đang trên đường vận chuyển 2 gói ma túy nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều lần Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giúp đỡ người dân Campuchia đánh cá trên sông Sê San bị nạn và ngược lại bạn cũng giúp mình mỗi khi có ngư dân gặp tai nạn.
Đặc biệt, việc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông) cứu sống 19 người dân huyện Oyadav luôn được bạn nhắc đến. Theo đó, ngày 18-9-2013, khi nước lũ dâng cao, nhận được sự đề xuất của bạn, 14 cán bộ, chiến sĩ đã vật lộn trong lũ dữ suốt 6 giờ đồng hồ để đưa 19 người dân và cán bộ, chiến sĩ của bạn về nơi an toàn. Thời gian qua, trong khi tỉnh Ratanakiri bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chính quyền và các lực lượng vũ trang Gia Lai đã hỗ trợ nhu yếu phẩm, trang-thiết bị y tế với trị giá 1,8 tỷ đồng. “Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đồn Biên phòng thường xuyên trao đổi thông tin để nắm chắc tình hình, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn người dân khi gặp hoạn nạn”-Đại tá Hải thông tin.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: Đại dịch Covid-19 đã gây ra những mất mát, tổn thất, cản trở hoạt động giao thương, đi lại nhưng không ngăn được mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia nói chung, giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri nói riêng. Mối quan hệ này càng thêm gắn bó bền chặt, được khẳng định thông qua chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến Vương quốc Campuchia từ ngày 21 đến 22-12-2021.

Quyết tâm xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới các bên mà đây cũng là trách nhiệm của mỗi công dân sống trên địa bàn biên giới. Già làng Siu Bình (làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) bộc bạch: “Làng mình và làng Lâm bên kia biên giới có mối quan hệ thân tộc, trước đây luôn sang thăm hỏi, động viên nhau. Mình mong sớm hết dịch bệnh để sang thăm nhau, trước là động viên, thăm hỏi, sau là dặn dò nhau cố gắng chăm lo lao động sản xuất, đoàn kết cùng bảo vệ biên giới”.
Nói thêm về tình hữu nghị giữa người dân 2 bên biên giới, ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-chia sẻ: Huyện Đức Cơ có đường biên giới tiếp giáp với huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri). Những năm qua, huyện luôn xác định công tác đối ngoại là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, huyện duy trì công tác kết nghĩa 2 bên biên giới giữa làng Sơn (xã Ia Nan) với làng Lâm (xã Pó Nhầy) và làng Mook Đen 1 (xã Ia Dom) với làng Pó Lớn (xã Pó Nhầy).
...Trên dòng Sê San, nhiều đời nay, cư dân 2 bên biên giới vẫn sử dụng chung nguồn nước và cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no. Mỗi tên đất, tên làng nơi con sông này chảy qua đã mang theo những câu chuyện đẹp về sự yêu thương, đùm bọc và sẻ chia của người dân và chính quyền các địa phương.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.