Chung một dòng sông - Kỳ 3: Băng rừng tìm đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 40 năm trước, đất nước Campuchia đứng trước họa diệt chủng Khmer đỏ. Đáp lời kêu gọi của Nhân dân Campuchia, quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam đã sang giúp bạn đánh đổ chế độ diệt chủng. Trong cuộc chiến trường kỳ, gian khổ ấy, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên đất nước chùa Tháp. Sớm đưa các anh về đất mẹ là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân ta.
Hơn 20 năm hành trình vạn dặm
Cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Khmer đỏ do Pol Pot lãnh đạo đã lùi xa nhưng hài cốt của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và chuyên gia Việt Nam vẫn đang nằm lại nơi đất bạn. Việc tìm kiếm, quy tập đưa hài cốt các liệt sĩ về đất mẹ là nỗi trăn trở, là nghĩa vụ thiêng liêng của thế hệ người Việt Nam hôm nay. Chính vì thế, ngày 5-1-2001, Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) được thành lập với nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và chuyên gia hy sinh trên đất Campuchia và trong nước. Hơn 20 năm qua, đơn vị đã vượt bao khó khăn, gian khổ, thậm chí là máu xương đã đổ xuống để mong muốn tìm kiếm đưa hài cốt các anh sớm trở về.
Đã 10 lần sang Campuchia tìm đồng đội, Thượng tá Trần Xuân Toản-Đội trưởng Đội K52 hiểu được những khó khăn, gian khổ trong những tháng ngày vượt núi, băng rừng đi tìm đồng đội và trách nhiệm với công việc thiêng liêng này. “Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên mùa khô năm 2020-2021, chúng tôi không sang đất bạn để tìm hài cốt liệt sĩ. Điều đó khiến anh em trong đơn vị rất trăn trở. Đầu năm 2022, dịch bệnh ổn định, chúng tôi lại lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao. Từ đầu tháng 1 đến nay, đơn vị đã quy tập được 18 hài cốt liệt sĩ”-Thượng tá Toản cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia tay, dặn dò các cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch động viên, dặn dò các cán bộ, chiến sĩ Đội K52. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Để đưa các anh về đất mẹ, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đội K52 đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách. Trên hành trình vạn dặm thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đó, đơn vị đã có 1 người hy sinh và 7 người bị thương. Lớp bụi thời gian có thể phủ mờ đi mọi thứ, nhưng với những người lính đã từng sang đất nước chùa Tháp để tìm đồng đội vẫn nhớ như in những gian nan vất vả ấy.
Dù đã nghỉ hưu nhưng Đại tá Vũ Văn Sơn-nguyên Đội trưởng Đội K52 vẫn nhớ rất rõ những gì ông cùng đồng đội phải đối mặt khi đi qua những cánh rừng rậm, những con suối sâu, vách đá cheo leo ở khu vực Đông Bắc Campuchia: “Chúng tôi làm nhiệm vụ trên địa bàn 3 tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear. Địa hình nơi này rất phức tạp, rừng núi hiểm trở, nhiều khu vực còn bom mìn, chất độc hóa học, thú dữ, chỉ một phút giây lơ là có thể xảy ra hậu quả khó lường. Tôi không bao giờ quên được cảm giác đêm đêm, nằm trên những chiếc võng trong những ngôi nhà tạm, ngoài kia là rừng âm u với những cơn mưa như trút nước. Lúc ấy, không ai ngủ được vì sợ ngoài kia, những hầm hào đã đào tìm hài cốt, đồng đội nằm dưới đó chưa tìm thấy sẽ lạnh, nước sẽ cuốn trôi. Nghĩ đến đó thôi nước mắt ai cũng chực tuôn rơi”.
Hơn 20 năm qua, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ Đội K52 đã in vào từ ngọn núi, con suối, phum sóc của đất nước bạn. Gắn bó với Campuchia để tìm đồng đội trên 10 năm, Trung tá Trần Đại Dương-Trợ lý Trinh sát Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiểu được những khó khăn, vất vả cũng như sự mong ngóng, đợi chờ của thân nhân liệt sĩ hàng chục năm qua. Anh cho biết: “Địa hình hiểm trở, chủ yếu rừng rậm, sông sâu, núi cao, sau nhiều năm tìm kiếm, nguồn thông tin ngày càng khan hiếm, thời tiết diễn biến phức tạp. Thế nhưng, bằng tinh thần trách nhiệm với đồng đội, trong nhiều mùa khô liên tiếp, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ Đội K52 đã in khắp núi rừng, phum sóc vùng Đông Bắc Campuchia. Đơn vị luôn kiên cường, bền bỉ trong các chuyến đi, gùi cõng lương thực, thực phẩm, dụng cụ, quân tư trang, vượt đèo cao, suối sâu, xuyên qua rừng rậm, kiên trì đào từng tấc đất, lật từng viên đá để tìm đồng đội. Nhiều vị trí phải đào đến 3 lần trên một sườn đồi rộng và sâu gần 2 m mới phát hiện được hài cốt liệt sĩ. Khi phát hiện mộ liệt sĩ, chúng tôi cẩn trọng từng mũi xẻng, nhát cuốc, nhặt từng mẩu xương, chiếc cúc áo, từng chiếc thắt lưng… rồi gói ghém cẩn thận để quy tập về”.
Hành trình tìm đồng đội trên đất bạn Campuchia của Đội K52. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Hành trình tìm đồng đội trên đất bạn Campuchia của Đội K52. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Nhiều câu chuyện cảm động trên hành trình tìm và đưa các anh về đất mẹ được các cán bộ, chiến sĩ ở Đội K52 kể giúp chúng tôi phần nào hình dung về tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao quý. “Mùa khô năm 2011, chúng tôi tiến hành tìm kiếm và quy tập hài cốt tại xã Ô Chlong, huyện Xiêm Pộc, tỉnh Stung Treng. Tiết trời nóng nực nên anh em chọn vị trí gần suối để đặt hài cốt liệt sĩ và tổ chức thắp hương. Thế nhưng, đêm ấy bất ngờ có mưa từ đầu nguồn, nước lên nhanh, bộ phận trực gác phát hiện và báo động, toàn đội chỉ kịp di chuyển hài cốt liệt sĩ lên vị trí thuận lợi, còn quân tư trang và đồ dùng đều bị nước cuốn trôi”-Thượng tá Toản nhớ lại.
Những sự giúp đỡ tận tình
Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Sơn cho biết: Không phải ngẫu nhiên mà Nhân dân Campuchia vẫn thường gọi quân tình nguyện và các chuyên gia là “Đội quân nhà Phật”. Để bạn dùng những từ ngữ trân trọng đó là sự đánh đổi bằng máu xương của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp quốc tế cao cả. Sự hy sinh nào cũng mất mát, đau thương, nhưng hy sinh vì sự nghiệp quốc tế, ngã xuống để hàng triệu người dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng thì đó là sự hy sinh cao quý trân trọng nhất. Cũng chính vì thế mà người dân, chính quyền các cấp và cả những người ngày xưa ở bên kia chiến tuyến cũng đang hết lòng giúp đỡ Đội K52 tìm hài cốt các liệt sĩ.
Đại tá Sơn nhớ lại: “Có những người dân Campuchia sẵn sàng cung cấp thông tin cho đơn vị, nhưng họ đã già đi lại khó khăn, thế là chúng tôi dùng võng để cáng họ đi, vượt qua nhiều đèo cao, suối sâu cuối cùng họ cũng chỉ đúng vị trí chôn cất các liệt sĩ. Khi ấy không chỉ chúng tôi mà người dẫn đường cũng rơi nước mắt vì nhiều liệt sĩ trong túi áo vẫn còn mấy viên thuốc hạ sốt hay cái nhiệt kế đo nhiệt độ  còn kẹp trong nách. Năm 2013, khi chúng tôi vừa vượt một con sông tại huyện Xiêm Pộc (tỉnh Stung Treng) thì gặp một gia đình người bản địa đang sản xuất. Khi chúng tôi hỏi thì họ bảo trong rừng có nhiều hài cốt liệt sĩ. Và khi chúng tôi đào tìm thì gia đình này cũng giúp đỡ hết mình, cung cấp nước sinh hoạt, cho mượn cuốc xẻng... Lần khai quật ấy, chúng tôi tìm được 5 hài cốt liệt sĩ”.
Đội K52 trong một lần vượt sông đưa đồng đội về. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cán bộ, chiến sĩ Đội K52 trong một lần vượt sông đi tìm và đưa đồng đội về đất mẹ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trong hơn 20 năm đi tìm đồng đội, Đội K52 đã quy tập được 1.446 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Campuchia hồi hương về nước. Trong đó, Đội đã tìm thấy 1 liệt sĩ có tên và địa chỉ cụ thể; 42 liệt sĩ có tên, quê quán; 1.404 liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Cũng trong thời gian công tác trên đất bạn, đơn vị tổ chức thăm, tặng quà, khám bệnh cho hơn 5.000 lượt người dân Campuchia, cấp cứu kịp thời 7 ca bỏng nặng, 15 ca tai nạn giao thông, cứu sống 1 trường hợp nhồi máu cơ tim; hỗ trợ hơn 230 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, làm 15 công trình nước sạch...

Chiến tranh là điều không ai mong muốn, nhưng cuộc chiến qua đi dù là bên thắng hay bên thua cũng đều có những mất mát, đau thương. Khi chiến tranh kết thúc thì những người bên kia chiến tuyến cũng dần hiểu ra cái gì thuộc về chính nghĩa. Trong hành trình đi tìm các liệt sĩ trên đất nước bạn, nhiều người trước đây theo Pol Pot cầm súng chống lại Nhân dân Campuchia cũng đã hiểu ra và luôn giúp đỡ Đội K52 để tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ. Trung tá Toản nhớ lại: “Năm 2015, qua quá trình vận động, chúng tôi được ông Pang Heng trước đây là Trung đoàn trưởng của Pol Pot ở tỉnh Preah Vihear nhận giúp đỡ. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn vượt rừng và ở lại cùng Đội mấy ngày trong rừng. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của ông mà chúng tôi tìm được 45 hài cốt liệt sĩ”.
Làm nhiệm vụ trên nước bạn, xa Tổ quốc, địa hình không quen, nhưng Đội K52 vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ của chính quyền và người dân Campuchia. “Còn gì vui hơn khi hàng tuần chúng tôi vẫn nhận được những cuộc điện thoại từ nguyên lãnh đạo và lãnh đạo các tỉnh gọi điện hỏi thăm về tìm kiếm được bao nhiêu hài cốt, có gì khó khăn cần hỗ trợ. Không chỉ thế, các địa phương đều cử lực lượng công an và quân đội bảo vệ và dẫn đường khi Đội làm nhiệm vụ trên đất bạn. Nhiều người Campuchia đã gắn bó với Đội suốt hành trình hơn 20 năm qua trên đất bạn. Đó là Ưa Thưng-một sĩ quan của tỉnh Stung Treng đã đi theo đơn vị hơn 20 năm qua. Anh không chỉ là người dẫn đường, bảo vệ mà còn là cầu nối quan trọng giữa đơn vị với người dân bản địa. Có người dân Campuchia còn mời chúng tôi về nhà, dành những nơi sạch sẽ nhất để anh em nghỉ ngơi và đặt hài cốt chờ đưa về vị trí tập kết”-Đại tá Sơn chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: Trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất bạn, ngoài nỗ lực của Đội K52, sự phối hợp giữa các tỉnh thì người dân Campuchia đã giúp đỡ đơn vị rất nhiều. Chính sự giúp đỡ ấy nên hơn 20 năm tìm đồng đội trên đất Campuchia, dấu chân của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã hành quân hơn 1 triệu km, vượt qua hàng trăm con sông, suối, vách núi cheo leo. Đơn vị đã tìm kiếm tại 1.270 buôn, làng, phum, sóc thuộc 139 xã của 23 huyện ở 3 tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ đã đào bới hơn 95.000 m3 đất đá, hơn 160 km đường hào.
“Chỉ nhắc đến những con số này nếu hành trình trên đất Việt thì chẳng có gì để nói, nhưng đây là đất bạn, mình phải tuân thủ các quy định về hiệp ước giữa hai Chính phủ, rồi địa hình, điều kiện khí hậu khác biệt, đơn vị phải phân tán nhỏ lẻ, đối diện với hiểm nguy luôn rình rập nên rất khó khăn. Nhưng với cán bộ, chiến sĩ Đội K52, dù vất vả hy sinh cũng quyết tâm tìm bằng được để đưa các anh về đất mẹ”-Đại tá Giàu chia sẻ.
Chiến tranh đã qua nhưng nỗi đau còn đó. Tìm và sớm đưa các anh về đất mẹ đó là nỗi trăn trở, day dứt của Đảng, Nhà nước, Quân đội và mọi người dân đất Việt. Với những người lính Đội K52 hành trình vạn dặm ấy vẫn tiếp tục với thông điệp “Còn thông tin còn tìm kiếm, còn đồng đội phải đưa về hết”.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).