Chung một dòng sông - Kỳ 2: Những cuộc xe duyên xuyên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài tinh thần bang giao hữu hảo giữa 2 nước, những người Việt và người Campuchia đã kết hôn và sinh ra những đứa con mang 2 dòng máu. Điều đó đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa người dân 2 nước.
Hai thế hệ lấy vợ Campuchia
Lên biên giới, nhiều người sẽ nghe kể câu chuyện tình tuyệt đẹp giữa sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan Quân đội Campuchia. Đó là chuyện tình giữa ông Võ Văn Sung (SN 1960, thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) và bà Xon Phola (tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia). Lúc đầu, nhiều người tưởng chừng như họ không đến được với nhau bởi nhiều rào cản. Thế nhưng, bằng tình yêu chân thành, xuyên biên giới, họ đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có một sĩ quan cao cấp của Quân đội Campuchia đã viết giấy bảo lãnh. Thế rồi, hai con người ở 2 đất nước khác nhau nhưng chung một chiến tuyến chống Pol Pot đã xây dựng tổ ấm, có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Họ đã trở thành biểu trưng cho tình đoàn kết giữa người dân 2 nước. Câu chuyện tình đẹp này không chỉ dừng lại ở đó, những năm tháng vợ chồng sát cánh cùng người dân Campuchia chống lại bọn diệt chủng, một người lính Campuchia đã hẹn ước với gia đình ông Sung, sau này sẽ gả con gái của mình để làm sui gia.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sung chia sẻ: “Vợ chồng tôi sinh được 6 người con. Sau khi nghỉ hưu, vợ tôi chuyển sang huyện Đức Cơ sinh sống cùng gia đình. Thời ấy khó khăn, vất vả, vợ chồng rất chật vật để nuôi các con khôn lớn. Khi các con trưởng thành thì bà ấy qua đời do bạo bệnh. Mình tôi vừa nuôi con vừa thực hiện trách nhiệm của một cựu chiến binh là phiên dịch cho các đoàn công tác của tỉnh và trung ương khi sang thăm và làm việc với Campuchia. Chuyện hẹn ước năm xưa tôi sẽ quên mất nếu không có cuộc điện thoại bất ngờ của chị Bun My-Ủy viên Hội đồng Thường trực tỉnh Stung Treng vào năm 2004. Trong cuộc điện thoại ấy, chị bảo: “Sung ơi, năm xưa, em có hẹn ước Hen Sun sau này làm sui gia, giờ Hen Sun mất rồi, con gái có người muốn hỏi cưới. Vợ Hen Sun nhờ chị hỏi em, em xem thế nào?”.
Những gia đình có chồng hoặc vợ là người Campuchia ở làng Mook Đen 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) trao đổi kinh nghiệp sản xuất. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Những gia đình có chồng hoặc vợ là người Campuchia ở làng Mook Đen 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) trao đổi kinh nghiệp sản xuất. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ông Sung nhớ lại: “Cuộc điện thoại ấy làm tôi quá bất ngờ. Tôi đành hẹn chị để suy nghĩ mấy ngày. Khi ấy, mình còn nghèo, đám cưới bên Campuchia sẽ tổ chức 3 ngày 3 đêm, hai đứa chưa hiểu nhau, đường sá đi lại rất khó khăn đó là những điều làm tôi trăn trở. Nhưng nhớ lại lời hẹn năm xưa, nghĩ về tình cảm một thời sát cánh bên nhau cùng chiến đấu, nếu mình không trả lời, không giữ lời hứa sẽ có lỗi với bạn. Thế là trong một chuyến công tác, tôi ghé thăm nhà chị Si Chan Thương (vợ Hen Sun). Qua trò chuyện, tôi biết được gia đình chị vẫn muốn giữ lời hứa năm xưa. Heng Ry Na-con gái của họ cũng rất xinh xắn, thông minh và nết na. Tôi gọi điện thoại cho con trai để hai đứa cùng trò chuyện và các cháu cũng khá hợp nhau. Chị Si Chan Thương hiểu được hoàn cảnh của bố con chúng tôi đang còn khó khăn nên đồng ý tổ chức lễ hỏi đơn giản ở Campuchia. Mấy tháng sau, chúng tôi tổ chức đám hỏi cho hai cháu ở Stung Treng, sau về Việt Nam tổ chức đám cưới. Giờ đây, chúng đã có cuộc sống ổn định rồi”.
Tôi đến thăm gia đình chị Heng Ry Na lúc chiều muộn. Trong căn nhà nhỏ tại thôn Cửa Khẩu (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), vừa là nơi sinh sống của vợ chồng vừa mở cửa hàng tạp hóa, chị Heng Ry Na đang ru con. Lời bài hát bằng tiếng Khmer tôi không hiểu nhưng giai điệu của nó vẫn du dương, trầm bổng để đưa bé vào giấc ngủ. Chị cho biết: “Tôi ở Stung Treng. Năm 2004, tôi lấy chồng và chuyển về đây. Vợ chồng sinh được 2 người con, đứa lớn học lớp 5, đứa nhỏ mới 5 tuổi. Trước đây, bố tôi cũng là một người lính, sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam để giải phóng người dân Campuchia. Ông và bố chồng tôi bấy giờ từng hẹn ước se duyên cho chúng tôi. Chính vì thế mà tôi mới có mặt tại đây và có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Chồng tôi là Võ Tấn Thơ, giờ anh đang đi công tác”.
Bà Si Chan Thương từ tỉnh Strung Treng đến Cửa khẩu Lệ Thanh buôn bán đang tổ chức cúng nhân dịp Tết cổ truyền của Campuchia. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Gia đình chị Si Chan Thương từ tỉnh Strung Treng đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh buôn bán tổ chức cúng nhân dịp Tết cổ truyền của Campuchia. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Chính vì xe duyên với người Việt nên chị nói tiếng Kinh rất thạo. Chỉ vào người phụ nữ có mái tóc bạc phơ đang soạn mâm để cúng các vị thần nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, chị nói: “Đây là mẹ tôi, từ Campuchia sang mở cửa hàng buôn bán. Dù những ngày này, chúng tôi không về bên ấy để đón Tết nhưng vẫn chuẩn bị lễ để cúng các vị thần cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mọi người có sức khỏe, cuộc sống an bình. Đối với ngày Tết của người Việt, tôi cũng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để chung vui cùng gia đình”.
Những gia đình Việt-Cam
Theo thống kê, trên 7 xã thuộc 3 huyện biên giới: Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai có gần 100 cặp kết hôn với người Campuchia. Dù có đôi lúc bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán nhưng họ đã nhanh chóng hòa nhập để gây dựng nên những mái ấm hạnh phúc trên miền biên viễn.
Chúng tôi đến thăm vợ chồng ông Rơ Mah Kleng và bà Siu H’Pruh (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom) khi cả hai vừa đi làm rẫy về. Biết chúng tôi tìm hiểu về những cuộc hôn nhân xuyên biên giới, bà Siu H’Pruh có chút ngại ngần. Nhưng  được vị cán bộ Hội Phụ nữ xã động viên, bà trải lòng: “Mình là người Jrai sinh sống ở đây từ nhỏ, chồng mình ở huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri. Gia đình mình có 1 người con đang làm công nhân cạo mủ cao su cho Công ty 72”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết câu chuyện tình khá lãng mạn của cặp đôi này. Năm 1990, chàng trai người Campuchia Rơ Mah Kleng trong một lần sang Đức Cơ dự lễ bỏ mả đã phải lòng cô gái Jrai có mái tóc dài, dáng người cao và múa rất đẹp. Kể từ đó, anh thường sang đây để được gặp người trong mộng. Thế rồi nhờ những người mai mối, họ đã nên duyên chồng vợ được hơn 30 năm nay. “Ngày ấy, gia đình hai bên đều nghèo nên chỉ làm con gà và ghè rượu để báo với mọi người rồi về ở với nhau, mãi sau này mới đăng ký kết hôn. Đây là sổ hộ khẩu và chứng minh thư, mình đã trở thành công dân Việt Nam từ lâu rồi”-ông Rơ Mah Kleng tự hào khi nói lên điều ấy.
Vợ chồng Rơ Mah Kleng tự hào vì được là công dân Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Vợ chồng ông Rơ Mah Kleng tự hào vì được là công dân Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ở Việt Nam, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam có các quyền, nghĩa vụ như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác (Điều 121 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Không chỉ gia đình ông Kleng mà tại làng Mook Đen 2 có 4 cặp vợ chồng là người Campuchia kết hôn với người Việt, họ đã vượt qua sự khác biệt về phong tục tập quán để sống bên nhau hạnh phúc và hòa đồng với mọi người xung quanh. Cũng như những cặp vợ chồng người Việt Nam-Campuchia khác, vợ chồng anh Ksor Đinh và chị Rơ Lan H’Bình (làng Ba, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) cũng nên duyên với nhau qua những lần sang thăm thân và dự lễ hội. “Mình từng sang bên kia biên giới thăm người thân, rồi gặp Ksor Đinh, mới gặp đã mến nhau rồi. Sau này, nhờ người mai mối, chúng tôi đến với nhau, giờ đã có 2 người con. Lúc mới kết hôn, ở với nhau cũng có nhiều điều chưa hiểu, nhưng rồi cũng quen. Cuộc sống vợ chồng ai chả có những lúc bất đồng, nhưng phải biết chia sẻ. Mình luôn dặn các con là dù bố ở bên kia biên giới sang đây lấy vợ, khi lớn lên các con phải hiểu, để có được cuộc sống như ngày hôm nay phải đoàn kết, cùng nhau chăm lo sản xuất, quyết không để cái đói, cái nghèo theo mãi”-chị Rơ Lan H’Bình tâm sự. Khác với người vợ, anh Ksor Đinh khá rụt rè khi trò chuyện với chúng tôi, gợi ý mãi anh mới thổ lộ: “Mình sang bên này lấy vợ và ở lại nhưng vẫn luôn giữ liên lạc với dòng họ bên ấy. 2 năm nay vì dịch Covid-19 nên không sang thăm thân được. Mình vẫn luôn gọi điện trao đổi với mọi người bên kia biên giới về cuộc sống nơi này bình yên, hạnh phúc. Để nó được duy trì mãi thì phải đoàn kết giữa hai bên biên giới, cùng nhau xây dựng để cuộc sống được ấm no”.
...Chia tay biên giới, trong tôi lại vang lên những giai điệu của bài hát “Chiều biên giới em ơi” của nhạc sĩ Trần Chung: “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn, như chồi non cỏ biếc như rừng cây của lá, như tình yêu đôi ta”. Trong giai điệu mượt mà, tha thiết ấy, tôi lại nhớ câu nói của ông Võ Văn Sung: “Cuộc hôn nhân nào cũng đẹp, cũng lãng mạn, để gắn kết lâu dài và bền chặt đòi hỏi sự sẻ chia, đồng cảm. Đặc biệt, những cuộc hôn nhân xuyên biên giới đã nói lên điều đó, lúc đầu có thể chưa hiểu phong tục tập quán, nhưng bằng niềm tin và sự đồng cảm họ đã xây dựng những gia đình hạnh phúc. Rồi đây, những đứa bé mang 2 dòng máu sẽ tiếp tục kế thừa truyền thống cha anh, tiếp tục vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị ấy, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác cùng phát triển”.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.