Làm việc tốt đâu phải một ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trời vừa tối, mưa rả rích khắp thành phố. Tôi đứng chờ chị ở chỗ hẹn. “Trời mưa cũng đi luôn hen, đúng hẹn quá ta”. Tôi gật, chị cười và bắt đầu rong ruổi qua những con đường. Từng hạt nước rớt xuống áo mưa nghe độp độp…
Người đi đêm
Trời mưa không lớn lắm nhưng cũng đủ ướt áo. Ánh đèn vàng trên phố hắt lại, càng lạnh lẽo, chứ không ấm áp như những đèn vàng trong các ngôi nhà cửa ấm, chăn êm. Bao phận đời tất tả mưu sinh, co ro ngoài đường, dưới ánh đèn vàng hiu hắt. Đã quen thuộc, nên chị biết con đường nào có nhiều người khó khăn. Xe dừng lại, những gương mặt lam lũ trong chiếc áo mưa cũ kỹ, có chỗ còn bị rách, nhưng ánh mắt họ lại ánh lên niềm vui, vì với họ, chị đã quá quen. Và khi chị đến chắc chắn sẽ mang chút bánh trái, cái áo mưa, hay cái mền để san sẻ.
Vòng xoay ngã bảy Lý Thái Tổ, phía đường Lê Hồng Phong, ông cụ nằm sát mái hiên một tiệm sửa xe trên tấm bạt cũ, đắp đỡ mấy cái áo cũng đã nhàu nhĩ. Không dột, nhưng mưa tạt vào cũng đủ thấm lạnh và lấm lem. Xe dừng lại, chị mang phần bánh bao còn nóng hổi, cùng chai nước bước vào. Ông cụ nhận lấy, miệng không ngớt cảm ơn: “Mừng quá cô ơi! Hồi trưa tới giờ có ổ bánh mì, chiều này bán ế nên tui hổng dám mua gì ăn, định bụng đi ngủ luôn”. Mưa nặng hạt hơn, tôi với chị vội vàng đi tiếp, vì bánh còn khá nhiều. Cũng không kịp hỏi tên ông cụ hay quê quán ở đâu. Chỉ biết ông cụ bán vé số và kiêm luôn nhặt ve chai, chiếc xe đạp cũ lỉnh kỉnh những chai lọ, đồ nhựa đã hỏng.
 
Buổi phát quà đêm của chị Vân cho 2 vợ chồng già bán vé số
Bữa nay, được ủng hộ 100 cái bánh bao, chị cùng những người bạn mang đi chia sẻ với những ai có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn trên các con đường trong thành phố. “Đi nhiều, nhất là mấy bữa trời mưa nè, thấy tội lắm. Mình có nhiêu thì giúp bấy nhiêu, đỡ được cái nào thì hay cái nấy, chứ người già họ còn sức lao động bao nhiêu đâu”, chị Trần Thị Thúy Vân (33 tuổi, quê Long An, công nhân Công ty Pouyuen, ngụ quận Bình Tân) nói, rồi tiếp tục chạy xe rảo qua các con đường.
Xe chạy hướng về quận 3, một nhóm gần chục người ngoắc chúng tôi lại, nhưng chị kiên quyết chạy luôn. Hơn 6 năm trời, đi phát quà đêm như thế này nên chị biết rõ. Chị kể: “Thường những nhóm đi đông như vầy là họ biết chắc mình đi phát quà từ thiện nên cố ý xin, chứ không hẳn là hoàn cảnh khó khăn gì lắm đâu. Tụi chị đi quen nên biết rõ, mấy nhóm mà ngoắc như vầy thì không bao giờ tụi chị dừng lại, quà chỉ dành cho những người già, trẻ em lang thang thôi”.
Phần bánh bao cuối cùng, tôi và chị trao cho bà cụ bán vé số bị liệt ở chân và cậu con trai tật nguyền teo cơ một tay bên phải, khi ngang qua đường Lý Chính Thắng (quận 3). Vẫn là những lời cảm ơn rối rít và ánh mắt mừng rỡ vì đỡ được một phần tiền mua đồ ăn tối. Thấy xấp vé số còn nhiều, dù biết là vé số bán tiếp đến ngày mai, chị cũng mua luôn: “Kệ đi! Mua giúp người ta, mà biết đâu hên thì mình trúng”.
Trái tim đồng cảm
Bữa nọ lại thấy chị ngồi tính toán xem chọn bánh bao hay bánh tét, rồi lên lịch coi phát bữa nào. Có nhiều nhóm đi cho quà đêm lắm, chứ không chỉ có một mình nhóm chị đâu, nên lựa bữa mà đi, chứ bữa nhiều quá, bữa không có gì thì cũng tội người nhận. Bánh bao ăn liền trong đêm, còn bánh tét thì có thể để được qua ngày mai, thay phiên để người nhận không ngán, hoặc người ta để dành, đỡ tiền được bữa sáng hôm sau.
“Dân nghèo với nhau không hà, có chút gì san sẻ cho nhau chút đó. Nhìn lên mình không bằng ai, chứ ngó xuống mình cũng còn hạnh phúc hơn nhiều người, ít ra mình cũng còn sức trẻ, còn lao động được và còn gia đình để quay về. Nhiều hoàn cảnh già cả, nhưng vẫn phải còng lưng bươn chải, nhìn xót xa lắm”, chị tâm sự.
Ngồi tính tới tính lui, cuối cùng vẫn thiếu gần 300.000 đồng để đủ 100 phần bánh bao và nước suối, vậy là chị bù thêm. Vài trăm ngàn đồng so với đồng lương công nhân không mấy dư dả thì đó cũng là một con số đáng kể, rồi tiền xăng xe đi lại, chị cũng gánh.
Tôi hỏi: “Bù lỗ vậy có hụt tiền lương không chị?”.
Chị cười giòn rụm: “Cỡ vài trăm ngàn thì chị bù khỏe re, cưng ơi!”.
Cả nhóm cũng áp cười rần rần: “Chị Vân đại gia quá!”.
Rồi chị kể tiếp: “Nói nào ngay, chị có một mình, chưa vướng bận gia đình, con cái nên tiền lương cũng dư chút đỉnh, tiền xăng đi lại, hay bữa nào thiếu chừng vài trăm ngàn đồng thì chị bù hết, chứ nhiều hơn chắc không nổi. Còn ba má ở quê cũng mạnh khỏe, anh chị em trong nhà mỗi người lo chút, chị cũng không gánh nặng nhiều. Biết chị đi làm từ thiện, ở nhà ai cũng ủng hộ hết trơn”.
Không gặp chị ở những buổi phát quà đêm, chị lại đến các bệnh viện trao tiền những hoàn cảnh cần giúp để phẫu thuật gấp, hay đi khảo sát ở tỉnh, để kêu gọi giúp đỡ học bổng, xây nhà. Chiều thứ sáu rồi, vừa tan ca, chị đón xe khách về ngay Trà Vinh, khảo sát một gia đình ngặt nghèo, lên kế hoạch kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ.
Cũng không phải chuẩn bị gì quá nhiều, ra bến xe với ít đồ dùng trong ba lô, cứ vậy mà đi: “Ui! Đi từ thiện mà em ơi, tối lại xin nhà dân có chỗ nghỉ lưng là được, chứ đâu phải đi chơi mà đòi hỏi nhiều. Còn tiền xe, ăn uống thì tự mình lo, phải giữ nguyên tiền của mạnh thường quân để giúp đỡ các gia đình khó khăn. Cũng bởi vậy mà hồi đầu trong nhóm cũng nhiều người đi khảo sát, giờ thì ít lắm chỉ có chị và một, hai người nữa thôi”.
Vẫn cái giọng người miền Tây thiệt thà, chị kể tiếp: “Tiền giúp người bệnh hay giúp xây nhà, trao học bổng là của mạnh thường quân, hổng phải của tui đâu nhen. Tui chỉ đi trao giùm với khảo sát thực tế thôi à!”. Phải đi khảo sát, xác thực lại thông tin từ thực tế mới có thể lên danh sách kinh phí thật rõ ràng và chi tiết, “người có của” mới có cơ sở bỏ tiền ra và biết số tiền của mình sẽ giúp những ai.
Nhiều lúc thấy chị bước ra từ Bệnh viện Ung bướu hay Bệnh viện Chợ Rẫy mà nước mắt lăn dài. Hỏi ra mới biết, nhiều hoàn cảnh thương tâm quá! “Còn là cái duyên của người bệnh với người giúp nữa em ơi. Có hoàn cảnh vừa chia sẻ thông tin lên nhóm là có người giúp liền, còn không thì cũng chịu thôi. Thương quá! Mà mình cũng không biết làm cách nào”, chị kể mà nước mắt cứ nặng trĩu.
Ngồi soạn bánh với chị trước sân nhà một người bạn trong nhóm từ thiện, cả nhóm nói vui: “Sau đợt phát quà này, chị Vân vào mùa cao điểm hen, đi khảo sát rồi chuẩn bị cho Trung thu liên tiếp luôn à nghen”. Chị cười: “Mình làm từ thiện đâu phải một ngày, hay làm cho vui. Phải có kế hoạch lâu dài, giúp được thêm hoàn cảnh nào thì tốt chừng ấy chứ sao”.
Đêm đó, đi phát quà cùng chị xong xuôi hết cũng hơn 10 giờ đêm, mọi người ra về cũng là lúc cơn mưa tầm tã trút xuống. Ngày mai, không rõ trời có mưa không, nhưng tôi vẫn chắc chắn một điều, chị và những người bạn là công nhân, sinh viên hay nhân viên văn phòng trong nhóm từ thiện “Trái tim đồng cảm” vẫn sẽ có mặt trên các nẻo đường của thành phố.

Có lần, tôi hỏi chị về chuyện “con cá với cần câu”, cứ có gì đem cho nấy cũng đâu phải là cách giúp đỡ tốt nhất. Chị giãi bày: “Những hoàn cảnh khó khăn thì khảo sát thực tế xong, cả nhóm mới tìm cách giúp, có con nhỏ phải ưu tiên học bổng để các em đi học; còn không thì trao nhà, giúp vốn làm ăn. Chuyện trao quà đêm thì khác em à, thường người nhận bánh là người già, tật nguyền, hoặc trẻ em cơ nhỡ, họ cần cái bánh để no bụng, hay cái mền để đỡ lạnh trước. Già cả rồi sức lao động còn được bao nhiêu đâu. Cũng chưa nghĩ được có cách nào tốt hơn về lâu về dài, nên thôi kệ, mình cứ giúp cái trước mắt đã”.

Kim Loan (SGGP Online)

Có thể bạn quan tâm

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...