Dấu ấn một ngôi trường - Kỳ 2: Tinh thần người lính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ vỏn vẹn 1 năm bên nhau học tập, nhưng tinh thần 1x6, tinh thần của những người lính những ngày đó đã làm nên một đội ngũ đặc biệt.

Có thể nói, trong sự phát triển của đất nước kể từ khi thống nhất, đến giai đoạn đổi mới và bây giờ, ghi dấu ấn của không ít những gương mặt 1x6, cho dù thời gian có thể đưa con người theo nhiều ngã rẽ khác nhau. “Đó là một tập thể tụ họp những thanh niên có năng lực, nhiệt huyết, tạo được một môi trường học tập, kỷ luật, nền nếp quân đội tốt, kết nối họ thành một đội ngũ sẵn sàng phục vụ quân đội và đất nước. Nửa thế kỷ qua đã minh chứng họ trưởng thành và cống hiến”, ông Trần Việt Trung (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ nền di động Việt Nam VIMASS, học viên C196) tâm sự.

dau-an-mot-ngoi-truongdd-4135.webp
Các thành viên C196 cùng gia đình trong một cuộc gặp mặt tại Hà Nội năm 2017. Ảnh: HỒNG VIỆT

Pochemu

C196 - Đại đội thứ 2 của đề án - vẫn hay gọi đùa là các Pochemu. Tiếng Nga, Pochemu nghĩa là “Vì sao”. Vì sao, cũng đồng âm với ngôi sao, các giáo viên cũng hay gọi họ là những vì sao đất nước. Đầu vào khắt khe, yêu cầu cao đã cho thấy chất lượng của các học viên của 1x6. Cho dù sau này, mỗi người một nghề, mỗi người một chí hướng, nhưng đều có điểm chung là đều dành những năm tháng nhiệt huyết nhất cho sự phát triển của đất nước những năm đổi mới.

Họ được lựa chọn từ những người xuất sắc, và vì thế, trách nhiệm của những vì sao, không hề nhỏ. “Đó là một niềm tự hào, đến giờ vẫn tự hào”, ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định: “Vào học ở C196 rồi mới biết nó hay. Mình được học các thầy giỏi, bạn giỏi, lúc đầu mình cũng choáng. Sao toàn cái bọn giỏi kinh thế kia? Họ học trường chuyên, thi quốc tế, rất giỏi.

Họ được giao nhiệm vụ, đúng hơn là trọng trách, phải học, và nỗ lực, để mang những kiến thức về phục vụ Tổ quốc. Đó là một trách nhiệm không được lùi bước, không thể thất bại. Bà Trần Minh Nguyệt nói rằng: “Mình biết đó là vinh dự, mình được ưu tiên, nên mình xác định phải học hành cho tử tế. Vì mình được đầu tư nhiều”. Với hầu hết những thanh niên trẻ, bước chân vào môi trường của Trường ĐH Kỹ thuật quân sự, với họ là thiên đường. Ông Lê Tuấn Hoa, thành viên dự bị đội tuyển Olympic Toán Việt Nam 1974, được vào thẳng đề án, nói rằng nhờ 1 năm ở đề án 1x6 mà ông tăng lên hẳn 5 kg. Ở thời điểm đất nước còn khó khăn, việc đầu tư, tạo nguồn nhân lực cho tương lai cho thấy nỗ lực to lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

“Năm đó chúng tôi được dặn cố gắng học để bớt một năm học dự bị, tiết kiệm ngân sách”, Thiếu tướng Lê Bá Tấn nhớ lại. Rời Trường ĐH Kỹ thuật quân sự, binh nhất Lê Bá Tấn sang Liên Xô (trước kia), trở thành sinh viên ĐH Bưu điện Leningrad trong 5 năm. “Vừa sang là tôi vào học luôn, nên cũng phải mất vài tháng để làm quen”, ông Tấn kể. Về nước với bằng giỏi, ông Tấn được phân công vào Binh chủng Tư lệnh Thông tin liên lạc. Từ cậu học sinh Trường Việt Đức, mang theo niềm đam mê Toán học bước chân vào cuộc đời gắn sao trên mũ, về nước vào thời kỳ cuộc chiến bảo vệ biên giới vừa kết thúc, anh lính Lê Bá Tấn lại rong ruổi với các thiết bị máy móc chuyên ngành. “Lúc mình về, lúc đó đất nước cần ngành học của mình”, ông Tấn kể. Gia đình không ai khoác áo lính, nhưng ông Tấn cứ vậy mà theo binh nghiệp, như một mối duyên, một nhiệm vụ. Sau này, ông là Tham mưu trưởng - Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, mang hàm Thiếu tướng.

Ông Võ Văn Mai, C196, vẫn nhớ những ngày đầu sang Hungary. Ông Mai khăn gói lên Trường ĐH Kỹ thuật quân sự từ một vùng quê nghèo Nghệ An. Sáng đi làm đồng, chiều đi thi học sinh giỏi Toán toàn miền bắc. Được chọn vào đề án 1x6. Sau đó, ông được cử sang Hungary học chuyên ngành Đo lường điều khiển. Học được một học kỳ thì một ngày, nhóm sinh viên Việt Nam nhận ra mấy bạn học vốn rất giỏi trong lớp đột nhiên không lên lớp nữa. Cả nhóm đi hỏi thì được biết, những người này được chuyển lên một lớp nâng cao, chỉ dành cho sinh viên người Hung. Các sinh viên Việt Nam liền “khiếu nại”, vì điểm số của sinh viên Việt Nam không hề thua kém các sinh viên bản địa. Ngay sau đó, lần đầu tiên, nhà trường đặc cách cho các sinh viên Việt Nam cũng học lớp nâng cao. “Đến lớp đó không phải để nghe và chép bài thụ động, mình chuẩn bị câu hỏi trước, đó mới là học ĐH”, ông Mai nói. Tốt nghiệp ĐH, ông Mai trở về công tác tại Viện Vũ khí - Bộ Quốc phòng. Năm 1989, ông ra quân.

Nếu nói đến doanh nghiệp đi đầu trong thời kỳ đổi mới, sẽ không thể không nhắc tới FPT. Trong số các gương mặt được coi là thành viên mở đầu, có không ít người bước ra từ 1x6. Theo tư liệu của FPT, ngày 13/9/1988, Viện trưởng NCCNQG đã ký Quyết định số 80-88 QĐ/VCN thành lập công ty lấy tên là Công ty Công nghệ chế biến Thực phẩm gọi tắt là Công ty Công nghệ Thực phẩm và giao cho ông Trương Gia Bình làm Giám đốc. Ông Trương Gia Bình là học viên của C186. Trong số những gương mặt ngày đầu thành lập FPT, có thể kể tới Bùi Quang Ngọc, giáo viên ĐH Bách khoa (C186); Nguyễn Thành Nam, cán bộ Viện Cơ học Việt Nam (C186), Võ Văn Mai (Viện Vũ khí, Bộ Quốc phòng (C196). Sau này, ông Võ Mai tham gia sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn HiPT. Cho đến nay, đây vẫn là một công ty có đóng góp lớn cho sự phát triển công nghệ Việt Nam.

GS, TSKH Lê Tuấn Hoa bước chân vào C196 với tư thế của một người mê Toán, và đến giờ vẫn là người mê Toán. Năm 1980, tốt nghiệp bằng đỏ từ ĐH Tổng hợp Belorussia (Liên Xô) trở về, ngay cả khi suốt một năm trời không nơi nào nhận làm việc, ông Hoa vẫn muốn chờ cơ hội để làm Toán. “Năm đó về người ta phân tôi về Viện Toán học, nhưng không hiểu sao lúc đó Viện Toán học không nhận. Phân sang ĐH Tổng hợp làm giảng viên Toán, họ cũng không nhận”. Một năm trời hằng tháng cứ đi về giữa Thanh Hóa - Hà Nội để xem công việc của mình ra sao, tranh thủ tham gia mấy seminar Toán học, mãi rồi Viện Toán học mới nhận ông về. Câu chuyện nghe như đùa của tấm bằng đỏ Toán ấy, ông nói đó là “việc bình thường”. Ở góc độ hiện đại, người ta sẽ không hiểu lý do cho sự chờ đợi ấy. Nhưng có thể kiên trì đến vậy, biết đâu, cũng nhờ một phần từ tinh thần 196 năm nào? Hiện ông Lê Tuấn Hoa là Viện trưởng Toán cao cấp Việt Nam. Năm 2017, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V về khoa học và công nghệ (cùng với GS Ngô Việt Trung và GS Nguyễn Tự Cường) về cụm công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương vành phân bậc”.

Ông Nguyễn Hồng Lam sang Liên Xô học Kỹ thuật điện ảnh, sau đó về Xưởng phim Quân đội công tác 10 năm. Rời quân ngũ với quân hàm Đại úy, trong điều kiện đất nước vừa đổi mới, áp lực kinh tế cũng khiến người đàn ông băn khoăn. Không còn là máy móc, kỹ thuật điện ảnh, ông Lam làm quen với hoa quả sấy khô, rồi nghiên cứu các công thức ô mai. Ông bắt đầu đi học marketing, thương hiệu, mỗi năm ông học vài khóa lớn nhỏ, để tích lũy kinh nghiệm. Sau đó là thương hiệu ô mai Hồng Lam ra đời, mà cho tới bây giờ, đó vẫn là thương hiệu ô mai nổi bật khi nhắc tới “quà Việt”. “Mình làm ô mai, nhưng là làm khoa học, mọi thứ đều có tính toán, công thức”, ông Lam lý giải, có thể kiến thức điện ảnh không dùng đến, nhưng tư duy khoa học, tinh thần người lính thì vẫn nguyên vẹn đó.

Đề án đi đầu

Những thế hệ 1x6 đã trưởng thành và có mặt trong hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự của đất nước. Có thể thấy, tư duy về một chương trình đào tạo lực lượng “tinh hoa” thời điểm đó là một tư duy đi trước thời đại. “Đó là đề án thành công, đáng lẽ ra thử nghiệm thành công thì nó cần phải tiếp tục”, ông Lê Tuấn Hoa bày tỏ. Thời điểm ấy, nhiều vị tướng lĩnh, lãnh đạo đã đến thăm và động viên “các vì sao” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Đại tướng Lê Trọng Tấn…

Mặc dù ra đi từ ngôi nhà Trường ĐH Kỹ thuật quân sự, nhưng thế hệ 1x6 được cử đi học những ngành nghề rất đa dạng: Toán cơ bản, Toán ứng dụng, Cơ học, Vật lý, Hóa học, Năng lượng, Lý sinh, Kỹ thuật, Công nghệ. Ngoài ra còn có các chuyên ngành kỹ thuật công nghệ khác như: Xây dựng, Điều khiển học, Điều khiển kinh tế, Đo lường, Điện tử, Kỹ thuật truyền tin, Chế tạo bán dẫn, Cơ khí chính xác, Ô tô, Cầu đường, Khai thác mỏ, Luyện kim, Thiết bị cơ khí Điện ảnh, Bưu điện, Công nghệ In ấn, Hàng hải, Đóng tàu, Vận tải biển, Khí tượng thủy văn, Luật, Y, Tâm lý, Thư viện, Ngôn ngữ, Kinh tế... Bên cạnh đó là những học viên theo học hệ chỉ huy kỹ thuật tại các học viện quân sự Liên Xô về pháo binh, phòng không, thông tin…

Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo lý giải cho sự thành công của những học viên 1x6 là vì họ đều có một tinh thần người lính. Môi trường ở Trường ĐH Kỹ thuật quân sự đã cho họ một tiền đề, khơi dậy tiềm năng của mỗi người. “Thành tựu lớn nhất của đề án đó là khơi dậy trách nhiệm dân tộc, khơi dậy trí tuệ dân tộc. Và lớp người đó cũng tạo tiền đề cho cả các thế hệ bây giờ. Nó cũng chứng minh rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng đưa lớp trẻ phát triển nếu có đường lối tốt”, ông Bảo nói.

Điều kiện đào tạo trong quân đội đã mang tới cho các học viên 1x6 tinh thần kỷ luật và đồng đội cao. Ở C196, ông Trần Việt Trung, nói sau 50 năm, C196 vẫn là mái nhà yêu thương, mang đến giá trị sống và cống hiến cho các thế hệ tiếp nối. Ông Lê Tuấn Hoa kể, C196 cũng là cơ duyên để ông hoàn thành Quỹ Giải thưởng Hội Toán học Việt Nam. “Chúng ta chưa có giải thưởng nào dành riêng cho Toán, ý tưởng về giải thưởng này đã có lâu rồi nhưng chưa có kinh phí”, ông Hoa nói. Trong một cuộc gặp với các đồng đội C196, đề xuất của ông Hoa nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Chỉ trong vòng 2 tháng, Quỹ đã hoàn thành mục tiêu. Giải thưởng Hội Toán học Việt Nam nhằm mục đích tôn vinh các nhà toán học xuất sắc làm việc trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển Toán học Việt Nam về mọi mặt.

Bà Trần Minh Nguyệt, một trong 5 học viên nữ trong tổng số 181 học viên của khóa C196, đã nói rằng môi trường ấy cho mình những tấm gương, để mình cố gắng và noi theo. “Chỉ có một năm thôi, nhưng mà mình được gặp các thầy cô, bạn bè, 50 năm sau chúng tôi vẫn dành cho nhau sự trân quý”.

Có thể nói, ra đời từ cách đây hơn nửa thế kỷ, đề án 1x6 vẫn cho thấy tầm vóc của những nhà tổ chức và hoạch định ra nó. Không chỉ là đào tạo nhân lực, sẵn sàng cho thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, những bước đi của đề án cũng cho thấy tính toán dài hơi cho các lĩnh vực khoa học cơ bản.

Nhưng trên hết, từ trong sâu thẳm trái tim, dù ở bất cứ đâu, họ vẫn là những người lính, những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.

Theo PHƯƠNG MAI, HẢI VÂN (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null