Sắt son tình quân dân - Bài cuối: Vì cuộc sống ấm no...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau những nỗ lực của cán bộ chiến sĩ công an, quân đội và biên phòng, rất nhiều mô hình sinh kế được triển khai tại các bản làng vùng cao, biên giới, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào, mang dấu ấn đặc biệt về tình quân - dân xứ Quảng.

sat-son-tinh-quan-dan-1-37.jpg
Nhiều công trình đoàn kết quân - dân được triển khai, tạo động lực giúp các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Theo Thượng tá Hồ Huy Hùng - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, các mô hình giúp dân được triển khai nhiều nhất kể từ sau đợt phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ và sau này là phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước.

“Riêng ở Quảng Nam, cụ thể hóa các phong trào trên, nhiều địa phương, đơn vị và lực lượng vũ trang (LLVT) của tỉnh đã đăng ký triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, cùng góp nguồn lực, sẻ chia kinh nghiệm, phương thức làm ăn giúp người dân mở hướng thoát nghèo bền vững” - Thượng tá Hồ Huy Hùng nói.

Trao tư duy, tặng mô hình

Không thể kể hết niềm vui của vợ chồng ông Hồ Văn Tỉ (ở thôn 1, xã Trà Vân, Nam Trà My) khi nói về vườn quế với khoảng 10 nghìn gốc quế giống Trà My vừa được trồng xen cạnh trên đồi sắn của gia đình.

Vài tháng trước, nơi này vẫn chỉ là vùng đất hoang hóa, cỏ cây rậm rịt và nằm tách biệt với khu sản xuất của cộng đồng. Hơn nữa, do thiếu phương thức sản xuất, nhiều năm qua, hộ ông Tỉ chỉ biết trông cậy vào vài đám ruộng dưới chân núi nên không đủ ăn cho cả gia đình 5 người.

2satson-1627.jpg
Cán bộ chiến sĩ Ban CHQS huyện Nam Trà My giúp hộ Hồ Văn Tỉ trồng hàng nghìn cây quế giống Trà My. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Quyết định chuyển đổi mô hình trồng cây quế xen canh với sắn của ông Tỉ xuất phát từ lời đề nghị của cán bộ chiến sĩ Ban CHQS huyện Nam Trà My. Chính xác là sau thời gian dài vận động, tuyên truyền của đơn vị quân đội địa phương đã giúp thay đổi tư duy về cách nghĩ, cách làm của vợ chồng ông Tỉ và nhiều hộ dân khác ở Trà Vân.

“Người dân ở đây quen làm rẫy, làm ruộng nên dành đất trồng quế thấy cũng hơi tiếc. Nhưng các chú bộ đội nói giá trị cây quế được hơn việc làm rẫy nên mình nghe theo” - ông Tỉ bộc bạch.

Nụ cười của ông Tỉ, ngay chính trên vườn quế của gia đình vừa được trồng xong, là minh chứng cho sự tan biến những hoài nghi ban đầu của đôi vợ chồng người Ca Dong này về lợi ích chuyển đổi phương thức canh tác mới. Thành quả này là công sức đóng góp trong suốt nhiều ngày liên tiếp của cán bộ chiến sĩ và dân quân nóc ông Thương, nơi hộ ông Tỉ định cư.

Trong khoảng 10 nghìn gốc quế được trồng, có hơn 5 nghìn gốc từ nguồn hỗ trợ của Ban CHQS huyện và sự kết nối trong hoạt động vốn vay của gia đình từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Mô hình sinh kế này là món quà của cán bộ chiến sĩ nhằm thúc đẩy tư duy phát triển, giúp hộ ông Tỉ vượt qua trở ngại, quyết tấm thoát nghèo.

3satson-8089.jpg
Hàng chục nghìn cây quế đang trong quá trình phát triển tốt. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Trung tá Nguyễn Hồng Trung - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Nam Trà My cho biết, ông Tỉ là một trong 5 hộ khó khăn của xã Trà Vân được Ban CHQS huyện nhận giúp đỡ thoát nghèo theo mô hình “Cán bộ đảng viên đồng hành với người nghèo” năm 2023.

Để triển khai hiệu quả, hàng chục cán bộ chiến sĩ đơn vị trực tiếp xuống cơ sở cùng ăn, cùng ở, cùng làm, hướng dẫn người dân các kỹ năng trồng và chăm sóc cây giống.

“Trong 3 năm đầu, chúng tôi phân công 40 cán bộ đảng viên đồng hành, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây giống, đồng thời bổ sung số lượng những cây chết, kém phát triển và nghiệm thu số lượng cây đạt tiêu chuẩn, số lượng thu hoạch, công tác thu hồi vốn” - Trung tá Nguyễn Hồng Trung chia sẻ.

Bên cạnh triển khai mô hình tại xã Trà Vân, liên tục từ năm 2020 đến nay, Ban CHQS huyện Nam Trà My triển khai hỗ trợ hàng nghìn ngày công, tổ chức các mô hình “3 công chức, viên chức giúp 1 hộ đăng ký thoát nghèo”, “Trồng cây quế truyền thống”, “Vườn chuối ven suối, vườn sắn nghĩa tình”.

Ngoài ra, xây dựng 2 công trình “Đoàn kết quân dân”, 6 nhà tình nghĩa, 1 nhà đồng đội; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí gần 2.000 lượt người và nhận đỡ đầu 7 cháu mồ côi cha mẹ... với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Đồng hành với cuộc sống người dân

Từng mục tiêu được đề ra, chỉ trong thời gian ngắn, các đơn vị LLVT tỉnh đã triển khai lần lượt mô hình sinh kế hiệu quả đến với cộng đồng. Nhiều mô hình được nhân rộng, trở thành “hình mẫu” giúp người dân thoát nghèo bền vững; trong số đó có cả hộ dân quân và quân nhân xuất ngũ.

4satson-9528.jpg
Ban CHQS huyện Đông Giang trao sinh kế cho hộ dân quân Pơloong Mới. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Sau hơn 1 năm nhận nuôi 5 con heo đen giống từ cán bộ chiến sĩ Ban CHQS huyện Đông Giang, vợ chồng Pơloong Mới (ở tổ dân phố Tà Vạc, thị trấn Prao) có thêm sinh kế để quay vòng.

Làm nhiệm vụ dân quân thường trực, nhưng hoàn cảnh của Pơloong Mới hết sức khó khăn. Vì thế, đàn heo này với gia đình Pơloong Mới là cả một gia tài nên vợ chồng anh chắt chiu cơ hội phát triển kinh tế.

“Đàn heo đang quá trình phát triển, thời gian tới, gia đình dự định sẽ tiếp tục quay vòng để mở hướng làm ăn, từng bước thoát nghèo bền vững” - Pơloong Mới tâm sự.

Trước Pơloong Mới, bằng hoạt động hỗ trợ, trao sinh kế này, Ban CHQS huyện Đông Giang cũng giúp đỡ một trường hợp dân quân khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là hộ Alăng Dũng (ở thôn Pho, xã Sông Kôn) có hoàn cảnh hết sức đặc biệt: mồ côi cả cha lẫn mẹ, dù lập gia đình nhưng nhiều năm nay đều tích cực tham gia lực lượng dân quân địa phương. Alăng Dũng cho biết, sau thời gian chăm sóc, đàn heo của gia đình tiếp tục được nhân rộng và tái đàn, giúp vợ chồng anh có thêm sinh kế ổn định cuộc sống.

Thượng tá Bríu Xia - Chính trị viên Ban CHQS huyện Đông Giang nói, trong kế hoạch giúp dân, ngoài nhiệm vụ chính trị, vai trò đồng hành với người dân tìm hướng thoát nghèo luôn được đề cao, xem đó như trách nhiệm của lực lượng vũ trang với nhân dân trong thời bình.

5ps-2556.jpg
Nhiều ngôi nhà đoàn kết được trao cho cộng đồng, giúp người dân xóa nhà tạm. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Từ hỗ trợ mô hình sinh kế, xóa nhà tạm cho đến góp sức tu sửa tuyến đường giao thông, nạo vét kênh mương ruộng đồng..., các hoạt động giúp dân luôn được lồng ghép trong mỗi dịp ra quân huấn luyện.

“Những năm qua, chúng tôi hỗ trợ xây dựng nhiều nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, hộ khó khăn trên địa bàn, giúp người dân có điều kiện về nhà ở theo phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

Bằng tinh thần trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục làm cầu nối, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, phối hợp tốt với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong việc triển khai công tác hỗ trợ, tạo điều kiện giúp hộ nghèo tiếp cận mô hình sinh kế, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững” - Thượng tá Bríu Xia nhấn mạnh.

Góp sức hướng về cộng đồng, nhiều hoạt động triển khai của LLVT tỉnh đã và đang tiếp thêm nguồn lực, cùng nhân dân vượt qua khó khăn cuộc sống. Thượng tá Hồ Huy Hùng - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho hay, chỉ tính riêng 3 năm (2022 - 2024), LLVT tỉnh đã vận động xây dựng, sửa chữa 142 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội với tổng kinh phí hơn 11,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiến hành hàng nghìn ngày công sửa chữa, giúp dân làm mới đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., góp phần tô thắm thêm hình ảnh chiến sĩ quân đội trong lòng người dân xứ Quảng.

Giai đoạn 2019 - 2024, Bộ CHQS tỉnh phối hợp vận động, hỗ trợ kinh phí xây dựng 128 nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết - Tết thắm tình quân dân” với các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc và trao tặng hơn 12.000 suất quà, với tổng kinh phí hơn 33,3 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động gần 5.000 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia hơn 34.000 ngày công giúp dân tu sửa, phát quang, đổ bê tông 126km đường giao thông nông thôn, nạo vét 582km kênh mương nội đồng, thu hoạch 16ha hoa màu…

Theo ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG (QNO)

Có thể bạn quan tâm

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.