Tiêu chết trắng, giá rẻ như rau (bài 2): Nông dân cầu cứu ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Gia Lai, tính đến năm 2019, tổng dư nợ mà nông dân vay vốn ngân hàng để trồng tiêu là hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó 2.200 tỷ đồng là nợ xấu. Hiện hàng nghìn hộ dân đang phải “cầu cứu” ngành chức năng và ngân hàng có thể gia hạn nợ, cứu họ thoát dần khỏi “thảm cảnh hồ tiêu”…
Nông dân “cầu cứu”
Đỉnh điểm khiến nông dân trồng tiêu lâm cảnh nợ nần là lúc giá hồ tiêu rớt xuống đáy, từ 220.000 đồng/kg chỉ còn 41.000 - 43.000 đồng/kg. Thêm vào đó, dịch bệnh và nắng nóng kéo dài khiến hồ tiêu chết như ngả rạ. Vay ngân hàng, đầu tư hàng tỷ đồng trồng tiêu nay nhiều hộ nông dân rơi vào thảm cảnh, nợ nần chồng chất, có bao nhiêu tài sản cũng đã thế chấp hết cho ngân hàng.
 
Chỉ vì hồ tiêu, hơn 26.000 hộ dân vướng vào vòng xoáy nợ nần. Ảnh: T.H
Khuôn mặt rầu rĩ, ủ rũ bên vườn tiêu chết khô, bà Bùi Thị Thành (trú tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai) tâm sự: “Gần 2 năm nay, chẳng ngày nào tôi được ngủ ngon vì khoản nợ lớn dần mà hồ tiêu để lại. Tiền gốc là 450 triệu đồng, tiền lãi mỗi năm gần 50 triệu đồng. Cứ 6 tháng trả một lần, nhưng hiện tại tiền ăn còn bữa đói bữa no, biết kiếm đâu ra 24 triệu đồng trả lãi. Rồi còn tiền gốc nữa, hơn 3.000 trụ tiêu đã chết hết rồi, chúng tôi chưa biết trông vào đâu?”.
Ông Hồ Hồng Lam (49 tuổi, chồng bà Thành) nói thêm: “Cũng muốn bán đất trả nợ lắm nhưng khổ nỗi chúng tôi đã rao bán cả năm trời chẳng ai mua nên đành để vậy. Sắp tới vợ chồng tôi định khăn gói về TP.HCM làm thuê để còn có đồng ra đồng vào trả lãi, chứ như bây giờ thì không biết khi nào mới hết nợ. Gần đây, chúng tôi bị ngân hàng gọi giục trả nợ suốt, không trả kịp lại thành nợ xấu thôi”.
Giữa năm ngoái, chúng tôi cũng có một chuyến làm việc tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Gặp ông Mai Liệu (ở thôn Thuỷ Phú), ông buồn rầu cho biết ông có 9 người con thì cả 9 đang trong tình trạng nợ xấu ngân hàng vì đã vay tiền để đầu tư vào 15ha tiêu.
Trong đó, 2 người đã phải bán nhà, bán đất trả nợ ngân hàng nhưng vẫn còn nợ nhiều khoản vay khác bên ngoài. 7 người còn lại, tuy chưa phải bán nhà nhưng con cái thì phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ đi làm kiếm tiền trả nợ.
“Người dân trồng tiêu xã này đã phải nhổ cả trụ gỗ lên bán với giá 40.000 đồng/trụ để lấy tiền sinh hoạt, trong khi trước kia mỗi trụ giá 250.000 đồng” - ông Liệu cho hay.
 
Vì thua lỗ, nợ nần không có khả năng trả nợ, một số hộ dân đã phải rao bán nhà, bán đất bỏ xứ trốn nợ. Ảnh: T.H
Để có tiền trả lãi cho ngân hàng, nhiều hộ đã bán bò, bán đất. Giờ đây, ngoài việc mong muốn ngân hàng sẽ gia hạn thời gian trả gốc, trả lãi, nhiều hộ trồng tiêu chẳng biết làm gì ngoài cầu mong vào… vận may. 
Cũng vì không có tiền trả nợ, ông Phùng Văn Cảnh (trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã đóng cửa đi khỏi địa phương. Được biết, hiện ông Cảnh vẫn nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng. Dù muốn phát triển các cây trồng mới gia tăng kinh tế, nhưng phần vì diện tích đất trồng tiêu bị nhiễm bệnh khó phục hồi, phần vì không có vốn đầu tư nên ông Cảnh cũng như nhiều hộ khác đành chấp nhận để đất hoang…
Hy vọng từ phía “chủ nợ”
Theo ước tính, đến nay tổng diện tích trồng cây hồ tiêu trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai hơn 16.500ha, nhưng có đến gần 1/3 là số lượng tiêu chết (trong đó tiêu chết do mưa kéo dài gây thối rễ trên 4.500ha; do già cỗi trên 56ha; do sâu bệnh gần 1.000ha). Hơn 32.000 hộ có tiêu chết với khoản nợ hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm đến 2.200 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
 
"Tiêu chết, nợ sống", hàng nghìn hộ dân chỉ mong được giản nợ từ phía ngân hàng để không có nợ xấu. Ảnh: T.H

Trưởng thôn Thủy Phú (xã Ia Blứ) Nguyễn Duy Trung than thở: Chưa bao giờ người dân ở đây rơi vào cảnh thê thảm như thế này, hàng ngày phải lo từng bữa ăn.

Ở đây hầu hết ai cũng đi vay và nhiều gia đình không có khả năng trả nợ. Nếu Nhà nước, ngành ngân hàng không can thiệp sớm giúp dân khoanh nợ thì có hơn 90% hộ dân sẽ lâm cảnh mất nhà cửa.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước Chi nhánh tại Gia Lai cho biết, để hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn, ngành ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn nợ, điều chỉnh thời hạn nợ, gia hạn nợ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ có giải pháp giảm lãi suất hoặc miễn giảm lãi tiền vay cho người vay. Đồng thời, ngân hàng cũng xem xét cho người dân vay lại để tái cơ cấu cây trồng.
“Về việc người dân muốn khoanh nợ, hiện rất khó khăn. Bởi khi đó, các ngành có liên quan sẽ phải vào cuộc xác minh, sau đó mới có cơ sở trình lên chủ tịch UBND tỉnh. Sau đó, chủ tịch UBND tỉnh phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét việc khoanh nợ. Khi Thủ tướng đồng ý thì việc khoanh nợ sẽ diễn ra. Theo đó, trong thời hạn khoanh nợ (2 năm) người dân sẽ không phải trả lãi” – ông Cư nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Cư, quy định hiện nay cấp nào đề nghị khoanh nợ, cấp đó phải xuất ngân sách để chi trả. “Với lãi suất bình quân 10%/năm, thì 2.200 tỷ đồng nợ xấu sẽ có lãi suất khoảng 220 tỷ đồng. Trong 2 năm, số lãi này tăng lên khoảng 440 tỷ đồng, đây là số tiền không hề nhỏ đối với ngân sách địa phương…” - ông Cư cho biết thêm.
Trần Hiền (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.