Chỉ cách trung tâm huyện hơn một giờ đồng hồ đi xe máy nhưng cuộc sống của người dân ở thôn Cấm La (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đầy tạm bợ.
Điều lạ là sống giữa đồi núi bạt ngàn nhưng người dân lại không có tấc đất sản xuất. Về Cấm La lúc này mới chứng kiến cái nghèo đang có mặt khắp nơi.
Làm thuê trên đất của chính mình
Những ngôi nhà tuềnh toàng phổ biến ở thôn Cấm La. |
Năm 2005, thôn Cấm La chộn rộn khi Quyết định 661/QĐ-TTg về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Thủ tướng Chính phủ được triển khai với việc phủ xanh đất trống đồi trọc. Các hộ dân được nhận khoán đất để khai phá, trồng cây keo. Để có tiền mua giống và thuê nhân công, người dân phải “cắm” giấy tờ nhà để vay tiền ngân hàng, có hộ vay cả trăm triệu đồng. Đến năm 2009, chính sách thay đổi cây trồng trên toàn huyện như một cú “trời giáng” xuống thôn. Những đồi keo xanh ngút ngàn phải chặt bỏ để giao đất lại cho Công ty Cao su Quảng Nam. Bù lại, công ty đền 7 triệu đồng/ha cho cây keo 2 năm tuổi, 12 triệu đồng/ha cho keo trồng 4 năm. Trưởng thôn Tạ Thị Bé vừa lật sổ ghi nợ, vừa buồn rầu kể chuyện: “Số tiền đó không đủ để trả tiền mua cây giống, chứ chưa nói đến công chăm sóc ròng rã mấy năm trời. Đất đã trả nhưng nợ nần thì chất chồng”.
Còn nhớ, thời điểm đó giá cao su tăng, huyện Nông Sơn nhanh chóng quy hoạch 1.000ha đất để trồng. Người dân mong cao su thay đổi cuộc sống, tạo sinh kế nên đều tự nguyện giao lại hàng trăm hécta đất đã khai hoang cho chính quyền. Thôn Cấm La có 81 hộ dân, thì gần 80% hộ có đất khai hoang với hàng trăm hécta phải nhượng lại. Nhà nhà đổi đất để được giao khoán rừng cao su và đi làm công nhân cạo mủ, ăn lương hàng tháng. Chủ đất thành người làm thuê. “Cổng” rừng đã khóa chặt vì có chủ mới. Đất không còn để sản xuất, cuộc kiếm tìm kế sinh nhai càng khó khăn hơn khi sau đó giá cao su liên tiếp sụt giảm. Lương cạo mủ không đủ trang trải cuộc sống, thanh niên lần lượt bỏ làng đi xa kiếm việc, người già cũng bỏ rừng cao su về quanh quẩn với mấy vuông đất quanh nhà để chăn nuôi kiếm miếng ăn qua ngày.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, câu nói nghẹn ứ cổ họng ông Huỳnh Văn Vương. Hơn 8ha đất tự tay vợ chồng ông khai hoang hóa ngày nào giờ đổi công cạo mủ với 6ha, nhưng lương tháng chỉ 1,5 triệu đồng. Hồi trước vay 60 triệu trồng keo, sau nhận tiền đền bù 45 triệu đồng, không đủ trả tiền mua giống. “Họ nói đất có chủ rồi, không nhận tiền thì cũng phải trả đất, nghe cán bộ xã nói vậy, hoảng quá đành bóp bụng nhận... Mà đúng thôi, mấy năm trước, đâu có nắm được sổ đỏ ghi tên mình, dân ở đây đều không biết chữ, cứ nghe theo quyết sách là tin”, ông Vương kể. Ông Vương ngồi bó gối trên cái ghế gỗ trong ngôi nhà tuềnh toàng được che tạm bợ bởi những lớp ván mỏng, tiếc ngẩn ngơ 8ha đất rừng của mình. Gạo mua nợ ghi sổ, 5 đứa con thì 4 đứa cho nghỉ học giữa chừng. Ông nói, ở cái làng này, hộ nào cũng chung hoàn cảnh, thậm chí có hộ còn khổ hơn nhà ông nhiều.
Đến trưởng thôn cũng là hộ nghèo
Phụ nữ quẩn quanh với việc bắt ốc, hái rau để kiếm sống hàng ngày. |
Từ hồi làng “nhập cư” về đây theo kiểu khuyến khích đi kinh tế mới, những người bám trụ giữ làng đến nay cũng ngót gần 15 năm. Ngoài cái nền nhà được cấp ở, hộ dân nào cũng không có bìa đất cắm lưng để sản xuất. Riết rồi thành quen, họ quên chuyện buông lời than vãn... “Cởi nút” cho chuyện ở rừng mà không có đất sản xuất, tháng 6-2017, 56 hộ dân đã được nhận 56ha đất để khai hoang trồng trọt. Nhưng niềm vui chưa trọn thì lại vướng những nỗi âu lo. Đất được giao nằm quá xa làng, nơi đầu rừng này còn có đàn voi nằm trong diện bảo tồn, dân nơi đây phải có trách nhiệm bảo vệ. “Đàn voi mò về hàng đêm, chuyện phá cây keo cũng diễn ra mỗi ngày. Làm sao canh giữ suốt được. Tính công khai hoang, tiền mua giống, chưa kể chuyện mưa gió quật ngã, rồi chuyện vận chuyển khó khăn trắc trở khi thu hoạch…, có làm chăng nữa sau 5 năm chắc chắn cũng sẽ lỗ”, ông Vương ngao ngán nói.
Ở làng có 36 hộ dân nằm chỏng chơ trên đồi, được gọi là xóm mới. Xóm mới có cái đặc biệt là nhiều hộ nghèo nhất làng. Cách đây gần 10 năm, chúng tôi đã về đây, giờ có dịp trở lại, xóm vẫn nghèo như xưa. Vẫn những ngôi nhà gỗ san sát, vẫn chuyện đong gạo qua ngày, vẫn không một bóng dáng thanh niên, chỉ có người già và phụ nữ chiều về ngồi tựa cửa. Bà Phạm Thị Bé kể, hơn 10 năm, nhà có 6 khẩu nhưng giờ mới được nhận 1ha đất rừng để tìm kế sinh nhai. Lần này mừng hơn là đã có tên để làm sổ đỏ hẳn hoi. Nhưng tiền đâu để mua cây giống. Kiếm cái ăn qua ngày đã quá khó, nói chi đến chuyện nếu trồng keo chờ 5 năm sau thu hoạch. Ngay cả bà Bé đã làm đến chức trưởng thôn mà vẫn mang “danh” hộ nghèo.
Bà Bé dẫn tôi ra cuối làng, nơi con suối Khe Sé bắt đầu chảy uốn lượn. Đưa tay qua phía bên kia dòng suối, bà nói đó là nơi “cứu đói” nhanh nhất hiện giờ. Bắt ốc bán 3.000 đồng/kg, bứt lá mây cũng 3.000 đồng, hái lá tro thì 5.000 đồng… Đó là ngày nắng, ngày mưa thì chỉ biết đong gạo thiếu để nấu. Nhiều câu chuyện vì đói mà bức bách đến mức thành kẻ trộm. Như câu chuyện nghèo của vợ chồng anh Lương Văn Vinh nổi tiếng cả huyện. Nhà anh Vinh là hộ nghèo có 2 con thuộc diện suy dinh dưỡng nặng, lương công nhân cạo mủ cao su 1,5 triệu/tháng không đủ kiếm cơm qua ngày cho 4 con người, anh Vinh đành trộm mủ cao su bán, nhưng bị phát hiện. Ban dân chính thôn đứng ra bảo lãnh, xin lỗi, nhưng anh Vinh vẫn không được thuê làm công nhân nữa, chiếc xe máy cũng đã bị tịch thu.
Mấy kỳ trưởng thôn trước, số hộ nghèo trong thôn luôn ở mức hơn 60%. Đến bà Bé cũng vậy, cả thôn có 81 hộ thì gần 50 hộ nghèo. “Trồng rừng và chăn nuôi là nghề chủ lực của địa phương. Nhưng mỗi hộ có 1ha trồng keo, phải chờ đến 5 năm mới thu hoạch, bây giờ dân biết sống bằng gì? 25 hộ còn lại vẫn chưa có đất để khai hoang, phải tiếp tục chờ. Chăn nuôi thì chỉ có nuôi bò, nhưng tiền vay mua bò còn nguyên danh sách dài chưa ai trả nợ được, nên không ai dám nuôi nữa. Ở Cấm La nhưng suốt ngày dân kêu la…”, bà Bé kết luận!
Hoàng Tân/sggp