Thế nhưng hôm qua, một trong những cơ sở quan trọng cho tuyên bố này đã được hé mở. Cụ thể, ngày 19.4 Thủ tướng đã phát lệnh khởi công, khánh thành 80 dự án trọng điểm quốc gia trên cả nước để tiến tới kỷ niệm 50 năm Ngày đất nước thống nhất. Có thể nói, đây là ngày có nhiều nhất các công trình được khởi công, khánh thành trên cả nước từ trước tới nay.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết 80 dự án, công trình được lựa chọn tổ chức khởi công, khánh thành này có tổng vốn đầu tư 445.000 tỉ đồng. Trong đó tổng vốn các dự án khởi công 305.000 tỉ đồng, tổng vốn các dự án khánh thành là 140.000 tỉ đồng. Vốn ngân sách là 185.000 tỉ đồng và vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỉ đồng. Trước đó, cũng rất nhiều dự án công - tư đã được khởi công hay đưa vào sử dụng nhằm chào mừng đại lễ lớn của dân tộc.
Theo tính toán, cứ 1% giải ngân đầu tư công sẽ góp phần nâng tăng trưởng GDP thêm 0,058%. Không chỉ thế, mỗi đồng vốn đầu tư công được giải ngân, kích thích tăng trưởng vốn đầu tư các khu vực tư nhân lên 1,61 đồng. Với số vốn công - tư khổng lồ nói trên, hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế là rất lớn. Từ xây dựng, sản xuất, nguyên vật liệu, công ăn việc làm, du lịch, tiêu dùng... đều sẽ được kích hoạt, đều sẽ được hưởng lợi. Chưa kể với hàng loạt dự án sân bay, cầu đường, cao tốc... đưa vào sử dụng còn góp phần giảm chi phí logistics, tăng cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong nền kinh tế; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, từ đó thu hút vốn nội, vốn ngoại đổ ra làm ăn.
Không chỉ thế, 80 dự án khởi công, khánh thành hôm qua còn mang lại một luồng sinh khí mới cho kinh tế - xã hội, cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta đều biết, Đảng và Nhà nước đang thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của giàu có và thịnh vượng. Thế nhưng chúng ta cũng đang đối mặt với các thách thức khó lường từ thế giới mà điển hình là thuế đối ứng của Mỹ. Là một trong "tam mã" của cỗ xe tăng trưởng, xuất khẩu của hàng loạt ngành hàng chủ lực gặp khó khăn khiến gánh nặng tăng trưởng dồn lên "nhị mã" còn lại là tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư công vẫn trong tình trạng chậm giải ngân. Báo cáo giải ngân đầu tư công của Bộ Tài chính cho biết đến cuối quý 1 vừa rồi vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân và 6 địa phương giải ngân dưới 5%.
Trong bối cảnh đó, việc khởi công, khánh thành 80 dự án, công trình trọng điểm cả công và tư hôm qua không chỉ cho thấy nỗ lực và sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn thể người dân cho mục tiêu chung, mục tiêu lớn của đất nước, mà đây cũng chính là cơ sở cho mục tiêu tăng trưởng mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Đúng như câu nói của Thủ tướng "chỉ bàn làm, không bàn lùi", đúng như khẳng định của Thủ tướng trong lễ phát động 80 dự án hôm qua: "Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện. Đã làm, đã thực hiện là có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được".
Chỉ còn 10 ngày nữa, chúng ta bước vào đại lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Chưa bao giờ tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc lại lan truyền mạnh mẽ như hiện nay. Đó cũng chính là động lực mềm cho tăng trưởng kinh tế năm nay và những năm tới.
Theo Nguyên Minh (TNO)