Sự kết hợp tưởng vô lý này lại tạo ra hương vị độc đáo, cho thấy sự thích nghi, sáng tạo của con người nơi đây.
Chị Siu Quỳnh sống trong ngôi làng Jrăng Krăi (xã Ia Khai) gần sông Sê San. Chị cho biết, đặc sản mùa nắng nóng ở vùng biên giới này là quả ươi và cá sông. Cũng không biết từ bao giờ, ông bà đã sáng tạo ra những món ăn giải nhiệt từ những nguyên liệu sẵn có đó.
“Mình để ý cứ đến mùa nắng nóng, trong bữa ăn luôn có món chế biến từ quả ươi để giải nhiệt như: cá nướng trộn ươi, canh cá nấu với ươi. Món ăn rất phổ biến với người Jrai ở đây, nhất là ở những làng làm nghề chài lưới. Bây giờ có gia đình rồi, mình cũng thường làm những món này, vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe”-chị Quỳnh nói.
Chị Siu Quỳnh (bìa trái) giới thiệu một số món ăn đặc trưng của người Jrai. Ảnh: M.C |
Món ăn thoạt nhìn không mấy thu hút. Màu trắng ngà của cá kết hợp với màu nâu vàng, trong như thạch của ươi ngâm nở tạo thành hỗn hợp gần giống cháo đặc được bày biện lên lá chuối. Khi nếm thử, món ăn có vị ngọt của cá tươi, quyện với vị thanh mát của quả ươi rừng. Vị tanh hoàn toàn biến mất, hậu vị sau cùng là vị tươi mát của nguyên liệu, thoảng nhẹ mùi thơm của cá.
Chị Quỳnh chia sẻ cách làm món ăn dân dã: “Cá sông Sê San đánh lên khi còn tươi, làm sạch, nướng trên than hồng cho thật thơm, sau đó lọc thịt bỏ xương. Quả ươi ngâm cho trương nở hoàn toàn, sau đó trộn với thịt cá đã bỏ xương. Gia vị không thể thiếu là ớt, muối trắng và bột ngọt giã nhuyễn. Món ăn tuy đơn giản nhưng nếu cá không tươi và nướng không kỹ với than sẽ còn mùi tanh, người không quen sẽ khó ăn”.
Cũng từ 2 nguyên liệu chính là quả ươi và cá sông, bà con còn chế biến món canh cá nấu ươi. Chị Quỳnh cho hay: Tương tự để nấu canh, cá cũng cần nướng để khử mùi tanh, lọc lấy phần thịt cho vào nồi nước sôi đã nêm nếm gia vị, bắc ra mới thêm ươi đã ngâm nở. Gia vị có thể thêm hành hoa hoặc một vài loại rau rừng của người địa phương. Món canh cá nấu ươi không chỉ giúp giải nhiệt mà còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe.
Chị Quỳnh tự hào khi nói về món ăn truyền đời này: “Mùa ươi kéo dài từ khoảng tháng 2 đến hết tháng 5. Người Jrai thường vào rừng nhặt ươi để ăn trong những ngày nắng nóng cao điểm, đồng thời cất trên giàn bếp trữ ăn dần. Quả ươi có tác dụng giải nhiệt, rất có lợi cho sức khỏe. Người say nắng hoặc lao động nặng mất sức, chỉ cần ăn 1 chén canh ươi nấu với cá sẽ hồi phục ngay”.
Một loại cá sông Sê San nướng khá phổ biến trong bữa ăn của người Jrai ở các xã biên giới huyện Ia Grai. Ảnh: M.C |
Những ngày rảnh rỗi, chồng của chị Quỳnh chỉ cần mang lưới ra sông một buổi sáng là có cá đủ ăn vài ngày. Đánh được mè dinh, klah, cá trắng… là đã có thể chế biến ra nhiều món ăn đặc trưng. Nếu ươi là tặng vật của rừng thì cá là sản vật của sông Sê San. Sự kết hợp giữa nguyên liệu trên cạn và dưới nước để tạo ra món ăn giải nhiệt mùa hè là sáng tạo thú vị trong kho tàng ẩm thực phong phú của người Jrai trên dải đất biên cương.
Về những món ăn thanh nhiệt của người Jrai trong mùa nắng nóng, chị Siu HĐuin (làng Bia, xã Ia Chía) còn kể thêm món canh cá sông nấu với lá non cây dương xỉ, gỏi dương xỉ trộn mè đen, hoặc gỏi kiến vàng với lòng cây chuối sứ, chuối hột.
Chị HĐuin cho biết: “Người Jrai từ xưa không trồng rau trong vườn mà chủ yếu ăn rau rừng hoặc lá mì trồng trên rẫy. Dương xỉ có tính mát, lành bụng, hái ven các con suối trong rừng, nơi càng ẩm ướt loài rau này càng xanh tốt. Lá dương xỉ non có thể chế biến kết hợp với bất cứ nguyên liệu, gia vị có sẵn trong bếp. Nếu kết hợp với vừng đen rang thơm sẽ thành món gỏi rau, kết hợp với cá sông để nấu canh hoặc đơn giản là xào tỏi ăn cũng rất ngon”.
Món ăn của người Jrai luôn có sự kết hợp hài hòa các sản vật tự nhiên, có lợi cho sức khỏe. Ảnh: M.C |
“Thức ăn của bạn phải là thuốc của bạn và thuốc của bạn phải là thức ăn của bạn” là câu nói nổi tiếng của Hippocrates-người được xem là cha đẻ của nền y học hiện đại và là thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử của thời Hy Lạp cổ đại. Điều này hoàn toàn được xác thực trong minh triết ăn uống của người Tây Nguyên. Họ có cách thích nghi với thời tiết, khí hậu, trong đó món ăn là một biểu hiện tinh tế và sáng tạo. Như vị đắng trong ẩm thực vùng “chảo lửa” Krông Pa mà Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn-Bảo tàng tỉnh có lần đề cập.
Qua những chuyến điền dã, Tiến sĩ Sơn đúc kết, ẩm thực ở đây gắn với nhiều loài cây lá, hoa trái mang vị đắng có tác dụng thanh nhiệt. Đó là kinh nghiệm tích lũy truyền đời của cư dân vùng đất này như một cách thích nghi với khí hậu hanh khô nắng nóng.