Trải nghiệm du lịch số tại di tích Hải Vân quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Công ty CP Phygital Labs và Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai giải pháp du lịch số trải nghiệm đa tương tác tại di tích Hải Vân quan.

Ngày 15.10, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đơn vị vừa phối hợp với Công ty CP Phygital Labs và Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai giải pháp du lịch số trải nghiệm đa tương tác tại di tích Hải Vân quan.

Bản đồ 9 điểm check-in tại di tích Hải Vân quan đã được số hóa 3D để du khách trải nghiệm tương tác. ẢNH: TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ
Bản đồ 9 điểm check-in tại di tích Hải Vân quan đã được số hóa 3D để du khách trải nghiệm tương tác. ẢNH: TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Theo đó, di tích Hải Vân quan được số hóa bản đồ du lịch 3D, kiến tạo hành trình khám phá văn hóa qua các câu chuyện và check-in tại 9 địa điểm đặc biệt.

Bản đồ số 3D tái hiện toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ của di tích Hải Vân quan để du khách có thể chiêm ngưỡng, khám phá chi tiết lịch sử phong phú của công trình qua các thời kỳ, từ quá trình hình thành đến những sự kiện quan trọng trong lịch sử bảo vệ lãnh thổ.

Đây là giải pháp công nghệ mới nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi bước vào một “thế giới” hòa quyện giữa văn hóa, lịch sử và công nghệ.

Du khách trải nghiệm hành trình khám phá văn hóa qua các câu chuyện và check-in 9 địa điểm của di tích Hải Vân quan. ẢNH: TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ
Du khách trải nghiệm hành trình khám phá văn hóa qua các câu chuyện và check-in 9 địa điểm của di tích Hải Vân quan. ẢNH: TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Điểm nổi bật là sự kết hợp giữa thực tế và công nghệ, giúp tăng cường trải nghiệm tương tác. Du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để chạm vào bảng check-in gắn chip NFC tại các điểm tham quan, từ đó truy cập ngay thông tin về từng khu vực, sự kiện lịch sử và giá trị văn hóa của mỗi điểm tại Hải Vân quan.

Sau khi trải nghiệm, check-in 9 điểm tham quan bằng điện thoại thông minh, du khách sẽ nhận được huy hiệu số - chứng nhận kỹ thuật số cho hành trình của họ, lưu lại kỷ niệm từng "chinh phục" Hải Vân quan, thiên hạ đệ nhất hùng quan.

Ngoài ra, bản đồ du lịch số 3D còn giúp du khách khám phá từ xa qua việc tương tác với 9 điểm di tích quan trọng của Hải Vân quan ở bất cứ đâu trên thế giới. Mỗi điểm đến được đi kèm với các câu chuyện lịch sử sinh động và hình ảnh chi tiết, giúp người dùng cảm nhận như đang thực sự bước vào hành trình khám phá di sản mà không cần di chuyển.

Du khách tham quan Hải Vân quan, sau khi di tích hoàn thành trùng tu. ẢNH: BÙI NGỌC LONG
Du khách tham quan Hải Vân quan, sau khi di tích hoàn thành trùng tu. ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Theo đại diện Phygital Labs, chỉ sau 20 ngày triển khai tại Hải Vân quan, giải pháp du lịch đa tương tác kết hợp công nghệ số với di sản văn hóa đã thu hút hơn 2.000 lượt check-in và tạo ra 200 khoảnh khắc đáng nhớ.

Ông Hoàng Việt Trung cho biết thêm, dự án thí điểm nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của du khách tại di tích Hải Vân quan không chỉ tập trung vào quảng bá di sản mà còn mở rộng tiềm năng phát triển kinh tế số, phát triển công nghiệp văn hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ số vào du lịch.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng đã thống nhất giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) và UBND Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) quản lý trực tiếp, khai thác, phát huy giá trị di tích Hải Vân quan luân phiên 3 năm/lần quản lý. Trong giai đoạn đầu, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ tổ chức quản lý khai thác.

Nội dung này được thống nhất tại cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng diễn ra ngày 10.9.

Di tích Hải Vân quan do tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng cùng "chung tay" trùng tu, tôn tạo sau nhiều năm hoang phế. ẢNH: BÙI NGỌC LONG
Di tích Hải Vân quan do tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng cùng "chung tay" trùng tu, tôn tạo sau nhiều năm hoang phế. ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Việc tổ chức bán vé được thống nhất thực hiện sớm theo đúng quy định để tạo cơ sở cho việc quản lý, tạo nguồn thu phục vụ di tích. Mức vé đề xuất được 2 bên thống nhất từ 50.000 - 70.000 đồng.

Hiện tại, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế được giao hoàn thiện dự thảo kế hoạch phối hợp quản lý, phát huy giá trị di tích Hải Vân quan, tham mưu cho lãnh đạo 2 địa phương để trình Bộ VH-TT-DL.

Từ Hải Vân quan nhìn về TP. Đà Nẵng. ẢNH: BÙI NGỌC LONG
Từ Hải Vân quan nhìn về TP. Đà Nẵng. ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Di tích Hải Vân quan đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng "chung tay" trùng tu với kinh phí 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của 2 địa phương. Đến nay, công trình đã hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan từ tháng 8.2024.

Theo BÙI NGỌC LONG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam là điểm đến được du khách Đức yêu thích

Việt Nam là điểm đến được du khách Đức yêu thích

Năm 2023, khách Đức đứng thứ 3 trong số các thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Mới đây, việc mở thêm đường bay thẳng từ Hà Nội và TPHCM tới Munich, Đức giúp khách du lịch có thể đến 2 thành phố này dễ dàng để trải nghiệm những địa điểm du lịch nổi tiếng và đẹp nhất.

Cấp 'hộ chiếu' tham quan rừng

Cấp 'hộ chiếu' tham quan rừng

Chủ trương phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng của ngành lâm nghiệp đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, DN và cộng đồng xã hội. Vào rừng để tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch sẽ thúc đẩy kinh tế rừng phát triển, qua đó, góp phần giáo dục, bảo vệ môi trường tự nhiên bền vững…

“Săn mây” trong phố

“Săn mây” trong phố

(GLO)- “Săn mây” là cụm từ khá quen thuộc, thậm chí trở thành xu hướng tìm kiếm hiện nay, bởi những tấm ảnh chụp cùng sương mờ giăng giăng lãng đãng núi đồi thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Dân dã nộm rau dớn

Dân dã nộm rau dớn

Ở vùng Tây Bắc, rau dớn là loài rau mọc tự nhiên bên bìa rừng, ven suối, quanh năm xanh tốt; là nguồn thực phẩm xanh tự nhiên, sạch và bổ dưỡng. Mỗi khi đi vào rừng hay ra suối, người Tày đều hái những ngọn rau dớn xanh non mơn mởn về chế biến món ăn.