Khẳng định quan điểm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để tiệm cận với giáo dục quốc tế và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN), đồng thời lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo hồ sơ liên quan.

Chương trình GDMN hiện hành ra đời từ năm 2009 theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào các năm 2016 và 2020. Sau gần 15 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình này cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập và có nhiều điểm không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội cũng như hội nhập quốc tế. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT đề xuất đổi mới chương trình GDMN.

Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, những nội dung đổi mới được đề xuất gồm: tiếp cận năng lực định hướng tình cảm-xã hội; tiếp cận dựa trên quyền trẻ em; khẳng định mạnh mẽ hơn quan điểm giáo dục “lấy trẻ em làm trung tâm”; liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bổ sung nội dung, phương pháp giáo dục mới; cập nhật các nội dung, phương pháp, vấn đề hiện đại, hội nhập quốc tế về quan điểm xây dựng chương trình, quan tâm các vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay và tương lai trong xu thế phát triển của thời đại; tiếp cận với chương trình GDMN tiên tiến trong khu vực và quốc tế, với các phương pháp giáo dục tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập…

Dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới trao cơ hội nhiều hơn để trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: M.T

Dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới trao cơ hội nhiều hơn để trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: M.T

Ngoài ra, chương trình GDMN mới cũng sẽ tăng cường tính “mở”, trao quyền nhiều hơn cho nhà trường; bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình GDMN mới; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Phó Trưởng phòng GDMN và Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) nhìn nhận: Việc Bộ GD-ĐT có tờ trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình GDMN là cần thiết trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, tạo sự liên thông giữa các cấp học, bậc học khi cả nước đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.

“Sau khi nghiên cứu hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình GDMN của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã có văn bản góp ý gửi Vụ GDMN. Trong đó, Sở cơ bản thống nhất với dự thảo. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2025-2026 đến năm học 2027-2028 sẽ triển khai thí điểm chương trình mới ở một số cơ sở GDMN; từ năm học 2029-2030 bắt đầu triển khai áp dụng đại trà trên phạm vi toàn quốc. Để lộ trình thực hiện không bị ngắt quãng về thời gian, Sở đề nghị Bộ bổ sung nội dung triển khai thực hiện chương trình trong năm học 2028-2029”-bà Huệ cho biết.

Cũng theo bà Huệ, trong dự thảo chương trình GDMN mới, định hướng giáo dục khá phong phú, phù hợp với lứa tuổi, theo cấp độ khó dần nhưng vẫn hợp lý, khoa học. Các lĩnh vực phát triển của trẻ được chia nhỏ, bao gồm nhiều nội dung hơn. Đặc biệt, dự thảo chương trình mới đảm bảo kết nối chặt chẽ giữa độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, “lấy trẻ làm trung tâm” với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”. Điều này giúp trẻ chuyển sang giai đoạn mới sẽ bớt bỡ ngỡ, sẵn sàng bước vào lớp 1.

Cô Trần Thị Thoa-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nêu quan điểm: “Theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, năm học 2029-2030, chương trình GDMN mới sẽ triển khai đại trà trên cả nước. Tôi cho rằng đây là lộ trình hợp lý, bởi đến thời điểm đó, chương trình hiện hành cũng đã thực hiện “sứ mệnh” tròn 20 năm. Chúng tôi rất phấn khởi khi dự thảo chương trình GDMN mới trao cơ hội nhiều hơn để trẻ phát triển toàn diện trên cơ sở tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả tích cực mà chương trình hiện hành đã mang lại, nhất là các chuyên đề về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, phát triển vận động cho trẻ”.

Bên cạnh đó, cô Thoa đề xuất ngành GD-ĐT cần tổ chức tập huấn kỹ càng cả về lý thuyết lẫn thực hành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Cùng với đầu tư xây dựng cơ bản, ngành cũng cần bổ sung cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học cho các cơ sở GDMN, tạo điều kiện để các trường đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục và hội nhập quốc tế.

Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT diễn ra vào đầu tháng 4-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của GDMN trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như việc đổi mới GDMN để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ việc đề xuất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi và Nghị quyết về đổi mới Chương trình GDMN một cách kỹ lưỡng, chất lượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần đổi mới, phát triển GDMN.

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.