Tích cực phối hợp
Ngày 12-8-1991, tỉnh Gia Lai-Kon Tum chia tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Sau khi chia tách, mỗi tỉnh đều có chiến lược phát triển kinh tế-xã hội riêng. Song, trong quá trình xây dựng và phát triển, giữa 2 tỉnh đã có những sự hợp tác, liên kết nhất định dựa trên cơ sở hệ thống giao thông kết nối là các tuyến quốc lộ 14, 14C... hay sự tác động qua lại về kinh tế-xã hội của các địa phương giáp ranh.
Thác 50 nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Huyền Tỷ |
Có thể kể tới như chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa các huyện, thành phố vùng Đông Trường Sơn gồm: Kon Plông, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và huyện Kbang ký kết ngày 26-5-2022. Nội dung hợp tác, liên kết gồm: hợp tác liên kết tour, tuyến du lịch; phối hợp xây dựng tour du lịch mới như: tuyến Kon Plông-Tu Mơ Rông-Kon Tum, tuyến Kbang-Kon Plông-Kon Rẫy-Kon Tum, tuyến Kon Plông-Kon Rẫy-Kbang; liên kết trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố; liên kết, hợp tác thu hút các dự án đầu tư trong nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên huyện, liên vùng...
Từ năm 2018 đến nay, Gia Lai và Kon Tum đã ký kết quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh. Vùng giáp ranh giữa Gia Lai và Kon Tum có chiều dài 183,5 km gồm các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Kbang, Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) và Ia HDrai, Sa Thầy, Kon Rẫy và TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Sau khi ký kết chương trình phối hợp, các cơ quan chuyên môn của 2 tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng các chốt chặn và kế hoạch phối hợp tuần tra, truy quét, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và đất rừng.
Ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) cho biết: Xã giáp ranh với xã Ia Tơi (huyện Ia HDrai) và Ya Tăng (huyện Sa Thầy). Ủy ban nhân dân xã thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin với 2 xã giáp ranh và các đơn vị chủ rừng. Nhờ đó đã kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn.
Với mục tiêu phối hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh tại khu vực giáp ranh, tháng 10-2022, Huyện ủy Ia Grai và Huyện ủy Ia HDrai đã ký kết quy chế phối hợp. Sau khi công tác phối hợp được triển khai, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được bảo đảm, không để xảy ra các “điểm nóng”. Người dân 2 huyện sinh sống hòa thuận, gắn bó, không xảy ra các vụ việc mâu thuẫn phức tạp.
Liên kết cùng phát triển
Ngành du lịch được Gia Lai và Kon Tum xác định là một trong những “trụ cột” quan trọng của nền kinh tế. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI “về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng TP. Kon Tum và huyện Kon Plông trở thành trung tâm kinh tế, giữ vai trò nòng cốt, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1492/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen (huyện Kon Plông) đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2045, Khu du lịch Măng Đen phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Mùa hoa anh đào tại Măng Đen (tỉnh Kon Tum) thu hút đông đảo du khách tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Quốc Nguyễn |
Còn với Gia Lai, ngày 20-1-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu trở thành vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, đa dạng cho tiêu dùng và xuất khẩu; gắn sản xuất với chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng Gia Lai trở thành vùng sản xuất năng lượng sạch của khu vực và cả nước, khai thác các lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, du lịch sẽ là lĩnh vực được tỉnh đầu tư, phát triển, trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có tính chuyên nghiệp cao, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm đặc sắc, thể hiện văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ cùng phát triển. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đón 1,7 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành du lịch là 18,6%/năm.
Sự giao thoa về mục tiêu phát triển kinh tế này chính là cơ sở để Gia Lai và Kon Tum có thể xây dựng một chiến lược hợp tác, liên kết cùng phát triển mạnh mẽ. Lợi thế của cả 2 tỉnh về du lịch chính là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú... Những năm qua, cả Gia Lai và Kon Tum đều đang nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch văn hóa-tâm linh...
Mai anh đào Măng Đen nở rộ tuyệt đẹp chiếm trọn trái tim người thưởng ngoạn. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc |
Giữa năm 2022, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch duyên hải miền Trung-Tây Nguyên. Ông Lê Ngọc Tuấn-Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum-khẳng định: “Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh sẽ khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của từng địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của vùng một cách bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư các địa phương”.
Mới đây, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch 3 tỉnh: Đak Lak, Gia Lai và Kon Tum phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch tại Hải Phòng. Với các tour du lịch mang tính liên kết hấp dẫn như “Tây Nguyên huyền thoại”, “Hương sắc Tây Nguyên”, “Phượt-Gia Lai” cùng một số tour du lịch lẻ khác, Gia Lai và Kon Tum đang thực sự “xích lại gần nhau” hơn vì mục tiêu chung là thúc đẩy du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.
Chương trình hợp tác phát triển du lịch được ký kết giữa Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch 3 tỉnh Tây Nguyên và Sở Du lịch TP. Hải Phòng chắc chắn sẽ góp phần đẩy mạnh liên kết, kết nối các tỉnh để hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch; tạo không gian kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để có cơ hội tìm hiểu, ký kết khai thác tour du lịch đặc trưng, góp phần gia tăng lượng khách du lịch từ Hải Phòng và các tỉnh khu vực phía Bắc đến 3 tỉnh Tây Nguyên và ngược lại.
Để thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế-xã hội nói chung, đồng thời tăng cường liên kết vùng, tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 2 diễn ra ở TP. Pleiku ngày 30-11-2023, ông Nguyễn Ngọc Sâm-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị bổ sung quy hoạch và hướng tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum vào phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông-vận tải vùng Tây Nguyên với điểm đầu giao với đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) và điểm cuối giao với đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây (đoạn Ngọc Hồi-TP. Pleiku) với chiều dài toàn tuyến khoảng 136 km.
Hiện tại, Kon Tum chưa có sân bay. Mọi khách du lịch đến Kon Tum hầu hết đều phải qua Cảng Hàng không Pleiku. Vì vậy, tuyến cao tốc này sẽ góp phần quan trọng tạo điều kiện để có thể phát triển những tour du lịch độc đáo với lộ trình là các điểm đến hấp dẫn của 2 tỉnh.
Hợp tác, liên kết du lịch là tiền đề để tiếp tục mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư khi các địa phương hỗ trợ nhau tìm kiếm đối tác, phối hợp quảng bá thông tin, làm đầu mối vận động và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp của các tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương mình. Trong giai đoạn hiện nay, du lịch ở mỗi địa phương muốn phát triển cần tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, du lịch rất cần liên kết để phát triển.