Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm cụ thể hóa cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Gia Lai đã triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Toàn tỉnh có gần 300 ngàn hội viên phụ nữ, trong đó có 133.270 hội viên dân tộc thiểu số. Thời gian qua, các cấp Hội chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu để vươn lên thoát nghèo bền vững; hướng dẫn thành lập, duy trì có hiệu quả các mô hình, tổ, nhóm, câu lạc bộ tiết kiệm.

Chia sẻ về hình thức tiết kiệm của mô hình “Tiết kiệm 5-10 triệu đồng” do mình làm Chủ nhiệm, bà Kpă An-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Băng (huyện Chư Prông) cho biết: “15 hội viên thuộc 2 làng Bak Kuao và Phun Thanh tham gia mô hình. Số tiền các chị tiết kiệm từ việc hái ớt thuê, làm cỏ cà phê, trồng khoai lang. Nếu việc nhiều, đi làm đều thì mỗi tháng các chị tiết kiệm 200-300 ngàn đồng; tháng nào việc ít thì tiết kiệm 100 ngàn đồng. Tiết kiệm đủ 1 năm, các chị lấy vốn về, người mua xe đạp cho con đi học, người mua heo giống về nuôi”.

Đề cập vấn đề này, bà Siu H’Thoan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Prông-thông tin: Trên địa bàn có 14 mô hình “Tiết kiệm 5-10 triệu đồng” ở 12 xã, thị trấn với 1.539 người tham gia. Tổng số tiền tiết kiệm trên 1,1 tỷ đồng và phần lớn chị em sử dụng vào việc mua bảo hiểm y tế, đầu tư phân bón phục vụ sản xuất, đóng tiền học cho con...

Thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Chư Pưh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của hội viên trong thực hành tiết kiệm mua bảo hiểm y tế nhằm giảm nhẹ gánh nặng tài chính khi đau ốm, bệnh tật. Bà Rmah H’Lát-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Hrú-cho hay: Tháng 9-2022, Hội ra mắt mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế vì sức khỏe gia đình” tại làng Plei Dư với 10 thành viên. Theo đó, mỗi hội viên tiết kiệm 50 ngàn đồng/tháng. Từ số tiền tiết kiệm, các thành viên họp bình xét, ưu tiên mua bảo hiểm y tế cho những hộ hội viên kinh tế khó khăn, gia đình có người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai...

Hội LHPN xã Ia Hrú ra mắt mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT vì sức khỏe gia đình” ở làng Plei Dư. Ảnh: Anh Huy

Hội LHPN xã Ia Hrú ra mắt mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT vì sức khỏe gia đình” ở làng Plei Dư. Ảnh: Anh Huy

Theo thống kê từ Hội LHPN tỉnh, trong năm 2022, các cấp Hội đã tổ chức hơn 150 buổi tuyên truyền về thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với triển khai phong trào thi đua “Hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu vươn lên thoát nghèo bền vững” với trên 10 ngàn lượt hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia. Đồng thời, các cấp Hội tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên thực hành tiết kiệm, duy trì hiệu quả và nhân rộng các mô hình: “Kho thóc tình thương”, “Làm rẫy tập thể”, “Lao động ngày công tập thể”, “Đổi công gây quỹ”... nhằm giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2022, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập 12 tổ, nhóm, mô hình, câu lạc bộ gồm: “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm phát triển kinh tế”, “Hộ hội viên dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5-10 triệu đồng”, “Góp vốn xoay vòng”, “Nuôi heo đất”… với 250 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có 254 mô hình, tổ, nhóm, câu lạc bộ tiết kiệm liên quan đến phụ nữ dân tộc thiểu số với 6.350 thành viên.

Trao đổi với P.V, bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho biết: “Việc hướng dẫn thành lập các mô hình, câu lạc bộ tiết kiệm là giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tích lũy nguồn vốn, giúp chị em từng bước vươn lên thoát nghèo, giảm tình trạng vay nóng, mua hàng trả chậm với lãi suất cao. Năm 2022, các mô hình, câu lạc bộ tiết kiệm đã hỗ trợ 1.479 hộ hội viên dân tộc thiểu số. Mặt khác, việc xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ đặc biệt là hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số cũng là cách góp phần thu hút, tập hợp hội viên tích cực tham gia vào tổ chức Hội. “Năm 2023, các cấp Hội phấn đấu giúp ít nhất 440 hộ phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều; hỗ trợ 1.100 hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu, vươn lên thoát nghèo bền vững”-bà H’Hồng thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Thay đổi tư duy nghề nghiệp

Thay đổi tư duy nghề nghiệp

Một khảo sát gần đây của chuyên trang tìm việc và tuyển dụng Việc Làm Tốt (Chợ Tốt) với 1.605 người lao động (NLĐ) cho thấy trong hơn 6 tháng qua, có 85% NLĐ muốn nhảy việc. Không chỉ NLĐ trẻ mà nhóm độ tuổi trung niên khác cũng đang tham gia vào trào lưu thay đổi môi trường làm việc.

Gia Lai lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ

Gia Lai lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ

(GLO)- Sở Y tế tỉnh Gia Lai vừa có văn bản lấy ý kiến góp ý của tổ chức, đơn vị, cá nhân về dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030.